
Bữa ăn được coi là đầy đủ dinh dưỡng thường cần đa dạng, phong phú các loại thực phẩm với tỉ lệ thích hợp - Ảnh: T.Đ.
Chúng ta ăn cách nào cho khỏe?
Không có thực phẩm nào hoàn hảo
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn lành mạnh để mỗi người sống vui, khỏe mỗi ngày phải là lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng vừa đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, không nên quá thiếu hoặc quá thừa.
Việc cung cấp thiếu hay thừa dinh dưỡng đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Cung cấp dinh dưỡng cân bằng, đa dạng, vừa đủ vẫn là quan trọng nhất.
Nói về quan điểm bữa ăn dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa 1 Danh Thị Mỹ Phương - khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho rằng không có một thực phẩm hay nhóm thực phẩm nào là hoàn hảo nhất cho sự sống, sự tăng trưởng và phát triển của con người.
Nên bữa ăn được coi là đầy đủ dinh dưỡng thường cần đa dạng, phong phú các loại thực phẩm với tỉ lệ thích hợp. Đầy đủ là từ dùng chung, nhưng vẫn tùy theo nhu cầu hiện tại của từng người và tùy theo giai đoạn phát triển của mỗi người.
Ví dụ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có nhu cầu khác với người trưởng thành, hoặc phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh lý đặc biệt… cũng sẽ có những nhu cầu riêng biệt. Không có một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo, cũng như không có một quan điểm duy nhất nào là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai trong việc cung cấp dinh dưỡng.
Việc cung cấp dinh dưỡng phải dựa trên nhu cầu thực tế của cá thể, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, giai đoạn phát triển liên quan đến nhu cầu tăng trưởng phát triển, cơ địa, điều kiện hoàn cảnh kinh tế - xã hội…
Bác sĩ Trần Bá Thoại, ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho rằng trong tự nhiên không có thực phẩm nào là hoàn hảo. Vì vậy một khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ và cân đối cả bốn nhóm chính trong "ô vuông thức ăn": chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Ngày nay có rất nhiều chế độ ăn được ưa chuộng: từ DASH (giảm muối, giảm chất béo xấu; tăng rau quả, sữa ít béo), keto và low-carb (cắt tinh bột, tăng đạm và chất béo), nhịn ăn gián đoạn (như 16/8, 5:2, OMAD…) đến ăn chay, thực dưỡng, eat clean, Địa Trung Hải, kiểu Nhật, kiểu Hoa...
Mỗi chế độ có ưu nhược riêng, tùy thể trạng và mục tiêu của từng người.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một bữa ăn lành mạnh là bữa ăn đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Không chỉ chú trọng đến số lượng, yếu tố quan trọng còn nằm ở chất lượng của từng thành phần, đảm bảo tính đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ăn kiểu nào?
Bác sĩ Lê Thị Hường - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - chia sẻ có thể nói rằng không có thực phẩm nào tốt hoàn toàn, cũng không có thực phẩm nào xấu hoàn toàn.
Trước hết chúng ta ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, không thiếu hụt nhưng cũng không vượt quá nhu cầu.
Tiếp đó là đảm bảo tính cân đối về tỉ lệ giữa các chất dinh dưỡng sinh năng lượng: protein, lipid, glucid. Tỉ lệ các chất này thay đổi tùy thuộc vào các đối tượng khác nhau, nhưng không nên ăn kiểu cung cấp năng lượng hoàn toàn chỉ từ một nhóm thực phẩm.
Cân đối về số bữa ăn và tỉ lệ năng lượng giữa các bữa ăn trong ngày giúp cơ thể luôn ở mức điều hòa về năng lượng, không bị thiếu khi hoạt động nhiều, không bị dư khi hoạt động ít.
Theo bác sĩ Hường, trong thời đại mà dinh dưỡng đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sức khỏe con người, nhiều chế độ ăn đã ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau như giảm cân, kiểm soát bệnh lý, cải thiện sức khỏe tổng thể…
Tuy nhiên không có một chế độ nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, việc lựa chọn chế độ ăn phù hợp cần dựa trên thể trạng cá nhân, tình trạng sức khỏe và mục tiêu cụ thể.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ góc nhìn dinh dưỡng, không có món ăn nào tự thân "tốt" hay "xấu" - điều quan trọng là ta ăn bao nhiêu, ăn khi nào, ăn cùng với món gì, tần suất ăn ra sao… và tổng thể khẩu phần đó có lành mạnh không.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng một chế độ ăn hợp lý không nằm ở một món cụ thể, mà là tổng thể phù hợp với sức khỏe, văn hóa và nhịp sống của từng người.
Cơ bản và quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc của lựa chọn thực phẩm là phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc. Trước khi ăn phải sơ chế kỹ, nên ăn ngay sau khi chế biến.
Mỗi người nên tự cân bằng, ăn uống đa dạng, vừa đủ các nhóm chất cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên không có công thức chung, tùy theo mỗi thể trạng và từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, nên có chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh không nhất thiết phải bắt đầu bằng những thay đổi lớn. Đơn giản nhất là giảm bớt lượng đường, muối và dầu mỡ trong bữa ăn hằng ngày, ưu tiên thực phẩm tươi sống, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
Hạn chế các đồ uống có cồn, bia rượu, thức uống có gas, thuốc lá vì chúng chỉ cung cấp calo rỗng và không cung cấp dinh dưỡng thực sự mà còn gây tác hại lâu dài - các chuyên gia khuyến cáo.
Thực phẩm có phải nguồn cơn gây bệnh?

Bữa ăn nên có rau xanh - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Theo bác sĩ Hường, tránh tình trạng tích lũy năng lượng dự trữ trong cơ thể quá mức có thể gây ra bệnh lý. Ăn quá nhiều hoặc quá ít một nhóm thực phẩm nào đó cũng đều không tốt cho cơ thể. Nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý, bệnh lý và hoạt động thể lực hằng ngày.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường và béo phì ngày càng gia tăng, việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.
Một khảo sát do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện vào năm 2023 cho thấy hơn 65% người trưởng thành Việt Nam có xu hướng tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng.
Sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh có hình ảnh bắt mắt tiện lợi, nước ngọt đóng chai, bia rượu… cũng dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe trong dài hạn cho người tiêu dùng - bác sĩ Hường nhấn mạnh.
Bữa ăn lành mạnh
Quan điểm về bữa ăn lành mạnh, thực phẩm lành mạnh của chúng ta ngày nay thay đổi rất lớn.
Không quan trọng ăn gì, mà quan trọng hơn là trong bữa ăn lành mạnh, chúng ta nên nhắc đến không khí của bữa ăn, một bữa ăn ấm cúng, quây quần bên gia đình, bên những người thương yêu cũng giúp chúng ta thoải mái, vui vẻ hơn, lúc này hệ tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn… - các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.
Hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều béo, nhiều đạm, đường, thực phẩm nhiễm hóa chất... trong bữa ăn hằng ngày. Đây phải chăng là nguyên nhân của bệnh đái tháo đường, ung thư, tim mạch, béo phì…
Theo bác sĩ Danh Thị Mỹ Phương, điều này không hoàn toàn nhưng cũng đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều năng lượng so với nhu cầu, cùng với chế độ dinh dưỡng không cân bằng là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý mạn tính trên.
Tỉ lệ các bệnh này hiện cũng đang tăng nhanh trên toàn thế giới và trong đó có Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận