Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ở Hà Nội sáng 14-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XIII diễn ra tại Hà Nội sáng 14-12, vai trò quan trọng của ngoại giao kinh tế một lần nữa được nhấn mạnh.
Có nhiều ý kiến cho rằng nói "Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" là không khiêm tốn và tự cao, nhưng tôi khẳng định rằng có cơ sở để nói điều này. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có quyền nói như vậy.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vị thế đối ngoại nhiều thuận lợi
Tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết trong 5 năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước có nhiều đột phá, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Việt Nam cũng đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA "thế hệ mới" như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước.
"Như vậy, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với hầu hết các nước có vai trò và vị trí quan trọng trên thế giới. Nhiều nước coi Việt Nam là trọng tâm ưu tiên trong chính sách khu vực.
Kết quả này tạo cho đất nước ta có vị thế đối ngoại thuận lợi nhất từ trước đến nay, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tranh thủ các nguồn lực để phát triển" - Phó thủ tướng cho biết.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những thành tựu của Việt Nam là đã tạo dựng được một môi trường quốc tế thuận lợi, huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
"Nếu cách đây 30 năm, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đạt khoảng 600 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã thu hút được 400 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó giải ngân được khoảng 250 tỉ USD..." - Tổng bí thư nêu.
Sản xuất linh kiện ôtô của Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) ở Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ sự phát triển của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Phục vụ doanh nghiệp
Phát biểu tại một cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết thế giới đang chuyển dịch, Việt Nam đang chuyển mình và doanh nghiệp đang thích ứng.
"Thế giới đang chuyển dịch như thế nào? Đó là những xu hướng, chuyển dịch đã tồn tại từ trước và được đẩy nhanh trong đại dịch này.
Đó là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nâng cấp công nghệ, đổi mới sáng tạo, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn. Do đó, những doanh nghiệp nào có khả năng đáp ứng các tiêu chí mới của các chuỗi cung ứng sẽ có thêm nhiều cơ hội" - ông Vũ nêu.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu 3 việc mà các doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Một là vai trò thông tin, dự báo, kể cả cảnh báo các xu hướng. Hai là hỗ trợ trong việc xúc tiến, thương mại, đầu tư và du lịch ra bên ngoài. Ba là hỗ trợ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm ăn với các doanh nghiệp bên ngoài.
"Vừa rồi Tập đoàn Lego ký thỏa thuận 1 tỉ USD sản xuất sản phẩm lego với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Để dẫn tới câu chuyện ký kết được 1 tỉ USD, ông đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã gặp tất cả các bộ ngành, gặp đại sứ ta tại Đan Mạch, gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Điều này cho thấy rằng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có thế mạnh rất lớn, đó là khả năng kết nối với chính quyền sở tại" - ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ tại phiên thảo luận này, đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long khẳng định các lĩnh vực mà Anh chú trọng gồm cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật.
Theo ông Long, những dự án hợp tác liên quan tới kinh tế xanh sẽ được đẩy lên rất nhanh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.
Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ngoại giao phục vụ doanh nghiệp trở thành trọng tâm cốt lõi trong hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Theo ông Hà Kim Ngọc, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng thị trường Mỹ rất tiềm năng và có nhu cầu thu hút đầu tư.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện VinFast ra mắt ôtô điện ở thị trường Mỹ, đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết đây là xu hướng mà Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp và khuyến khích trong rất nhiều năm, kể cả vận động chính quyền trung ương cũng như các địa phương.
"Để giảm bớt thâm hụt thương mại, chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp lớn của chúng ta đầu tư. Vingroup trong giai đoạn đó đã xúc tiến triển khai rất khẩn trương và cuối cùng mong muốn đó đã trở thành hiện thực.
Đây là một xu hướng rất phù hợp với những ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện tại, đó là thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng sạch" - ông Hà Kim Ngọc nói.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nghiên cứu đối tác cho sâu, hiểu đối tác cho kỹ
Chiều 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định phong hàm đại sứ cho 26 lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau lễ trao quyết định, Chủ tịch nước đã tiếp các đại biểu tham dự Hội nghị ngoại giao 31 diễn ra hôm nay 15-12.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các nhà ngoại giao được phong hàm đại sứ tại Phủ Chủ tịch chiều 14-12 - Ảnh: TUẤN ANH
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước cho biết trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược nước lớn gay gắt, tập hợp liên minh, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, ngành ngoại giao Việt Nam cần phát huy vai trò "tai mắt", chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá và dự báo.
"Nghiên cứu các đối tác cho sâu, hiểu các đối tác cho kỹ, cho đúng về mục tiêu, ý đồ, dự báo hành xử của các nước để ta kịp thời có phương án phù hợp", Chủ tịch nước căn dặn.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Việt Nam cần phát huy tốt nội lực để gắn kết hiệu quả với hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế, nhằm mở rộng không gian phát triển, tăng thêm nguồn lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững; thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, hợp tác cùng có lợi, đan xen lợi ích.
Chủ tịch nước lưu ý các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tại Việt Nam quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ... cũng như quảng bá hình ảnh các giá trị văn hóa và tiềm năng phát triển của đất nước.
Cuối cùng, Chủ tịch nước kêu gọi các nhà ngoại giao cần tiếp tục triển khai hiệu quả ngoại giao vắc xin, tạo thuận lợi cho việc đi lại an toàn, trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để phục hồi kinh tế.
DIỆU AN
TP.HCM: Ngoại giao mở rộng không gian phát triển
Phát biểu tham luận tại hội nghị sáng 14-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định thành phố sẽ tiếp tục tư duy đối ngoại lấy kinh tế làm trọng tâm, ngoại giao phục vụ mở rộng không gian phát triển, tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Hoạt động đối ngoại phải tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và thành phố, tiếp tục tranh thủ các đối tác, các FTA đã ký, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm mở rộng thị trường thu hút tri thức, công nghệ và đầu tư phục vụ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19.
Theo ông Mãi, thành phố cũng đang tăng cường xây dựng và quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh đoàn kết chân thành, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, giàu tiềm năng của thành phố trong giai đoạn phát triển mới.
3 trọng tâm ngoại giao kinh tế TP.HCM
Giai đoạn sắp tới của TP.HCM là thích ứng linh hoạt với COVID-19 và phục hồi kinh tế nên sẽ có 3 trọng tâm. Trước hết, trong năm 2022, chúng ta sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường thích ứng với dịch bệnh vì COVID-19 sẽ không biến mất ngay.
Do đó cần phải huy động nguồn lực, con người để tiếp tục thích ứng với thực tế này như phải có vắc xin cho mũi 3, thuốc điều trị và cập nhật mới nhất về những chủng mới cùng cách thức ứng phó. Để làm được điều đó cần phải tranh thủ được các mạng lưới chuyên ngành trong và ngoài nước.
Việc lớn thứ hai là cần phải nhanh chóng kết nối lại các đối tác, truyền tải đến các đối tác thông điệp của thành phố trong trạng thái bình thường mới là một địa phương thích ứng an toàn, hướng tới phục hồi kinh tế và sẽ không còn những rào cản (hành chính, cách ly) như trước.
Làm sao phải tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế về một chính sách "mở cửa kinh tế" của thành phố nhất quán và xuyên suốt. Việc truyền tải thông điệp và hình ảnh mới của thành phố cần phải được làm nhanh, ngay trong tháng 12 này và quý 1-2022.
Cuối cùng, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, thành phố tập trung vào một số trọng tâm, trong đó phát triển kinh tế số và đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM là hai đòn bẩy quan trọng để tạo sự tăng tốc.
Hai vấn đề này còn khá mới, do đó quá trình chọn lựa đối tác và xây dựng mới quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược đúng tầm sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của giai đoạn tới.
TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Duy Linh ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận