Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đứng giữa) cùng các đại biểu cắt băng triển lãm trưng bày những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần 20 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị với sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
TP.HCM kiến nghị nới lỏng cách ly
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Trần Phước Anh - giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - cho biết trong thời gian qua Bộ Ngoại giao và trung ương đã có những hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả cho TP.HCM.
Bộ Ngoại giao đã chia sẻ các thông tin và báo cáo liên quan đến công tác phòng chống dịch cũng như kinh nghiệm phục hồi kinh tế của các nước. Ông Phước Anh đánh giá đây là những thông tin và báo cáo rất kịp thời, nhất là vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa rồi, TP cần tham mưu để ban hành các kế hoạch phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao, thông qua các cơ quan đại diện ở nước ngoài, đã kết nối các đối tác để kêu gọi đầu tư và đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách phục hồi kinh tế của TP.
Ngoài ra, các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực quảng bá TP.HCM như một điểm đến an toàn và hấp dẫn về đầu tư. Theo ông Phước Anh, những hỗ trợ này đã và sẽ giúp TP.HCM phục hồi nhanh.
Theo ông Phước Anh, trong tình hình hiện nay, TP.HCM muốn kiến nghị trung ương và Bộ Ngoại giao mở rộng, nới lỏng các chính sách nhập cảnh và cách ly nhằm tạo điều kiện cho việc mở lại du lịch và khôi phục đường bay quốc tế.
"Tôi cũng mong trung ương, Bộ Ngoại giao ủng hộ các kiến nghị của TP để các hoạt động giao thương kinh tế, xúc tiến thương mại đầu tư sớm trở lại bình thường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và kể cả người Việt Nam ở nước ngoài có thể nhập cảnh, đi lại thuận lợi nhất" - ông Phước Anh nói.
Theo giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, thủ tục nhập cảnh cần đơn giản hơn và thời gian cách ly cần rút ngắn hơn, thậm chí là miễn cách ly nếu đáp ứng các tiêu chí, điều kiện.
Mong mỏi chuyến bay quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan đánh giá TP.HCM có vị trí rất quan trọng vì đây là nơi có Ngôi nhà Đức và văn phòng đại diện của nhiều tập đoàn hàng đầu châu Âu.
Theo đại sứ Linh Lan, một trong những hoạt động cấp bách nhất hiện nay để khôi phục
kinh tế cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là khôi phục các đường bay quốc tế, vì "hoạt động giao lưu trực tuyến cũng hỗ trợ nhưng không thể thay thế hoạt động trực tiếp".
"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu, đề nghị của doanh nghiệp Thụy Sĩ và châu Âu muốn biết khi nào mở cửa để họ có thể trở lại Việt Nam thăm danh lam thắng cảnh và đi thực tế tìm cơ hội đầu tư hay gặp gỡ doanh nghiệp của chúng ta" - bà Linh Lan nói.
Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết trong các TP và địa phương ở Việt Nam, TP.HCM là một trong những nơi thu hút được sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng trí thức người Việt và giới đầu tư.
Cơ quan đại diện của nước ta tại Washington D.C. hay các tổng lãnh sự quán tại San Francisco và Houston (Texas) đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối, chia sẻ thông tin mà TP.HCM cung cấp để các nhà đầu tư hiểu TP có ưu thế gì, cần gì và họ đáp ứng được gì.
Đại sứ Hà Kim Ngọc kể trước đại dịch chúng ta có những đoàn qua lại, khi vào Việt Nam thì các đoàn đều muốn đi TP.HCM. "Chúng tôi rất mong mỏi sắp tới, khi tình hình dịch được kiểm soát, TP.HCM sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tới bờ Đông (nơi có đại sứ quán tại Washington D.C.) và bờ Tây (nơi có các tổng lãnh sự quán tại San Francisco và Houston)" - ông Ngọc nói.
Kinh tế đối ngoại TP.HCM vượt khó
Phát biểu từ TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết dù bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh nhưng TP.HCM vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ từng dự án, cải thiện môi trường đầu tư.
Nhờ đó, TP.HCM vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ về kinh tế đối ngoại. Chẳng hạn, về thu hút đầu tư FDI, năm 2019 TP.HCM đứng thứ hai cả nước (hơn 8,3 tỉ USD), năm 2020 đứng đầu (gần 4,4 tỉ USD) và dự kiến năm nay con số này đạt khoảng 5,9 - 6 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận