06/09/2023 09:06 GMT+7

Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Chờ đến năm 2026 là quá chậm!

Việc chờ đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026 mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá chậm, trong khi mức giảm trừ này đã quá lạc hậu so với mức sống của người dân hiện nay.

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, trong đó có nội dung điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế TNCN và người phụ thuộc. 

Trước đó, theo Bộ Tài chính, tại báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế TNCN sửa đổi, đồng thời đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026.

Đại biểu Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):

Mức giảm trừ gia cảnh cố định đã lạc hậu

Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài, đến nay đã phát sinh một số bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật này là mức cố định. Trên thực tế, khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng… nên với mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu.

Nhưng nó lại ngày càng lạc hậu so với thực tế của đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giá cả… Mặt khác, quy định CPI biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng gây bất lợi cho người nộp thuế. Do đó, cần thiết xem xét, nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách kịp thời để phù hợp với biến động thực tế. 

Nhưng mức nâng bao nhiêu cần được tính toán khoa học, cụ thể từ các cơ quan chức năng của Chính phủ cũng như lấy ý kiến người nộp thuế.

Về nguyên tắc, việc sửa đổi này cần được đánh giá một cách toàn diện, khả năng thực tiễn triển khai và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan. 

Đồng thời, sắp xếp theo trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên, phù hợp với khối lượng công việc của các cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp cũng như hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp. Không thể một lúc dồn quá nhiều dự án luật dẫn đến vượt quá sức của cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội. 

Trong chương trình toàn khóa, Quốc hội khóa XV đã đưa Luật Thuế TNCN vào một trong những nội dung sẽ được xem xét điều chỉnh, sửa đổi.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính):

Cần nâng mức giảm trừ lên 18-20 triệu đồng

Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 và đến nay đã hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Sau lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 7-2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp.

Bởi mức sống của người dân ngày càng tăng cao, trong đó chi phí giáo dục, y tế vốn là những khoản chi phí lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình cũng đã tăng mạnh thời gian qua. Đây là những chi phí thiết yếu của người dân nhưng lại không được trừ trước khi tính thuế. 

Theo một khảo sát của Numbeo (trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống) công bố tháng 8-2022 cho thấy chi phí sinh hoạt hằng tháng cho gia đình 4 người tại Việt Nam (không tính tiền thuê nhà) là hơn 37,6 triệu đồng.

Riêng tại TP.HCM, chi phí sinh hoạt trung bình cho gia đình 4 người là khoảng 40 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà). Trong khi đó, theo quy định, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Mức này lại được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.

Chưa kể, biểu thuế lũy tiến theo luật hiện cũng khá dày và thấp, không có sự khác biệt rõ ràng giữa các bậc đầu vốn là mức thu nhập phổ biến của đa số người lao động, công chức, viên chức. 

Tại nhiều quốc gia, xu hướng chung đều giảm số bậc chịu thuế lũy tiến và độ giãn cách giữa các bậc đủ lớn để tạo sự khác biệt. Vì thế, chúng ta cần xem xét giảm số bậc thuế và giãn khoảng cách giữa các bậc để thuế thu nhập không là gánh nặng đối với người làm công ăn lương.

Do đó, theo tôi, cần sớm sửa đổi Luật Thuế TNCN. Việc sửa đổi luật cần bảo đảm phù hợp với mức sống của người dân, tức phải đưa các yếu tố như mặt bằng thu nhập, mức sống để đáp ứng nhu cầu về nâng cao đời sống cho người dân. 

Theo tôi, có thể nâng mức giảm trừ lên 18 - 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế. Với người phụ thuộc, tỉ lệ nâng cũng cần tương xứng khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, cần tính đến yếu tố vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ phù hợp, vì mức sống ở Yên Bái, Lào Cai… không thể giống như Hà Nội và TP.HCM.

TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế):

Với vấn đề cấp bách, cần thiết phải sửa sớm

Việc thực hiện thuế TNCN là rất quan trọng đối với nền kinh tế thị trường, có nhiều người giàu sẽ đóng góp để giúp đỡ người nghèo. Nhưng không nên đánh thuế lên 7 bậc như hiện nay, mà nên giảm xuống còn khoảng 3 bậc và theo sát tình hình. Việc thu thuế là để hỗ trợ người dân chứ không phải gây áp lực cho người dân.

Bên cạnh đó, việc để đến năm 2025 mới xem xét sửa Luật Thuế TNCN là quá chậm. Với những bất cập được dư luận nêu ra trong thời gian qua, tôi đề xuất phải xem xét sửa đổi sớm hơn. 

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đang hoạt động rất tốt, phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ. Do đó, đối với luật này, có thể xem xét thành lập tổ công tác đặc biệt của Quốc hội để phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính để cùng xem xét sửa đổi toàn diện luật này.

Với những vấn đề nào cấp bách, cần thiết phải sửa sớm, có thể đưa ra thảo luận, đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp như việc giảm 2% thuế VAT vừa qua.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (phó Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Nên đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội gần nhất

Những bất cập của Luật Thuế TNCN đã được đề nghị sửa đổi từ năm 2018. Thực tế, cử tri nhiều địa phương như TP.HCM, Phú Thọ… đã kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên vì quy định hiện tại quá lạc hậu, không phù hợp với thực tế đời sống của người dân.

Để sửa toàn diện luật này mất khá nhiều thời gian do phải trải qua nhiều quy trình và đưa vào chương trình xây dựng luật… Do đó trước mắt, để nâng mức giảm trừ gia cảnh, cơ quan chức năng có thể kiến nghị Quốc hội xem xét và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội gần nhất. Như vậy mới tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người nộp thuế.

Cử tri TP.HCM: Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu

Trong văn bản kiến nghị vừa được gửi lên Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri TP.HCM cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu so với thực tiễn đời sống và mức độ phát triển của xã hội.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN trong thời gian tới phải chặt chẽ, phù hợp và linh hoạt với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người nộp thuế. Bên cạnh việc giảm bậc thuế từ 7 xuống 5 bậc, cần tính toán để tăng mức giảm trừ gia cảnh ít nhất đến năm 2026, đến khi luật có hiệu lực thi hành.

Thăm dò ý kiến

Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc hiện đã rất lạc hậu, trong khi chi phí lại tăng mạnh. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhânĐề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên