10/06/2022 08:23 GMT+7

Nâng chất tín dụng bất động sản

T.CHUNG - N.AN - T.LONG
T.CHUNG - N.AN - T.LONG

TTO - Việc kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro với nguồn vốn tín dụng bất động sản (BĐS) là cần thiết. Tuy nhiên, những chủ đầu tư có năng lực, làm dự án BĐS thật… cũng cần được ưu tiên cấp tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm dự án.

Nâng chất tín dụng bất động sản - Ảnh 1.

Những dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, nhất là dự án nhà ở xã hội, luôn được ưu tiên bố trí vốn. Trong ảnh: chung cư nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện - Ảnh: T.T.D.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh lo ngại của nhiều đại biểu khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng việc "siết tín dụng" BĐS có thể dẫn đến hệ lụy thị trường đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. 

Ông Thịnh nói: Việc kiểm soát dòng vốn vào thị trường BĐS nhằm tránh những rủi ro mất vốn, chứ không nên siết một cách cứng nhắc, gây khó cho thị trường, tạo ra nhiều hệ lụy...

* Ông đánh giá như thế nào về động thái quản lý vốn vào thị trường BĐS hiện nay?

- Việc quản lý chặt chẽ vốn vay cho BĐS là cần thiết. Thực tế có hiện tượng các tổ chức, cá nhân vay vốn để kinh doanh, sản xuất nhưng lại đổ tiền vào mua BĐS. Đây là một trong những yếu tố tăng tính đầu cơ, đẩy giá BĐS tăng cao ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Việc này cần kiểm soát sớm, tránh nguy cơ vỡ bong bóng thị trường BĐS.

* Nhưng cũng không thể siết vốn một cách cứng nhắc?

- Đúng vậy, việc kiểm soát nên hiểu là hạn chế các rủi ro khi cho vay BĐS. Tuy nhiên, có nhiều chủ đầu tư có năng lực, làm dự án BĐS thật và cần nguồn vốn để phát triển dự án cần phải được ưu tiên tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm dự án.

Chủ đầu tư đảm bảo năng lực, đủ tài sản bảo đảm vốn vay nên được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Đặc biệt là chủ đầu tư làm các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội, khu dân cư phục vụ giãn dân, nhà ở thương mại thấp tầng giá rẻ... 

Còn các phân khúc đầu tư cá nhân, nhà đầu tư riêng lẻ... có thể cân nhắc và kiểm soát chặt quy trình thẩm định cho vay để tránh các rủi ro.

* Việc kiểm soát vốn vào BĐS nhưng phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có năng lực, tránh đổ vỡ thị trường... là một bài toán khó, thưa ông?

- Các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để kiểm soát nguồn vốn. Bởi đã có quy định về mục tiêu mức tăng trưởng tín dụng, cộng với room tín dụng cũng đang gần hết nên không quá khó để cân nhắc lựa chọn cho vay đối với các dự án BĐS.

Để kiểm soát, các tổ chức tín dụng chỉ cần hướng ưu tiên cho việc thẩm duyệt hồ sơ, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực được vay. Trong đó ưu tiên, khuyến khích cho vay đối với những nhà đầu tư tạo ra sản phẩm cho số đông.

* Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn của gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sẽ chảy vào BĐS, thưa ông?

- Việc này buộc cơ quan thẩm định phải quản lý chặt chẽ và các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân để có đóng góp phản ánh đúng tình trạng để cơ quan quản lý kịp thời có biện pháp điều chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi.

* Ngoài kiểm soát vốn, cần làm gì để lành mạnh hóa thị trường BĐS, thưa ông?

- Việc lành mạnh hóa thị trường BĐS phải bắt đầu từ các vấn đề mang tính chất nền tảng. Về đất đai, dù cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi nhưng cần tập trung giải pháp trước mắt để giảm các yếu tố đầu cơ, thổi giá đất.

Muốn vậy cần phải có sự minh bạch, minh bạch về giá bán, minh bạch từ người mua và thực hiện nghiêm quy định báo cáo giao dịch theo quy định về chống rửa tiền. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần kiểm soát các hợp đồng giao dịch chuyển nhượng BĐS, đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực giao dịch. Về lâu dài, phải sửa đổi Luật đất đai và xem xét công cụ thuế để giải quyết tận gốc vấn đề này.

Vẫn cấp tín dụng cho dự án khả thi, thanh khoản tốt

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận "đang phải chịu áp lực", bởi nhiều nước đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi ngành ngân hàng phải phấn đấu giảm lãi suất, một việc rất khó.

"Các giải pháp về điều hành tín dụng, lãi suất, tỉ giá và các công cụ khác... cần phải điều hành, phối hợp đồng bộ sao cho có lợi nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không chủ quan đối với lạm phát" - bà Hồng nói.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Cũng theo ông Khái, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"Với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực BĐS có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ trong thời gian qua" - ông Khái khẳng định.

Trả lời câu hỏi có hay không siết tín dụng BĐS, ông Khái cho rằng phải kiểm tra lại xem việc cho vay có đảm bảo tiêu chuẩn quy định không. Nếu trước chưa làm đúng, phải làm lại cho đúng, làm đúng rồi thì tiếp tục làm đúng, chứ không phải siết chặt trong lĩnh vực này. "Với những dự án hiệu quả vẫn cung cấp vốn để tạo hiệu quả cho nền kinh tế", ông Khái nhấn mạnh.

* Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang):

Nâng cao hiệu quả quản lý của ngân hàng

Tại một số thời điểm, khi có nguy cơ lạm phát cao, cần hạn chế dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực đang nóng như BĐS, chứng khoán...

Với thị trường BĐS, trừ những lĩnh vực mang tính đầu cơ, những phân khúc BĐS đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ... rất cần nguồn vốn tín dụng hỗ trợ.

Điều hành của ngân hàng thời gian qua là khá hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý nguồn vốn vào chứng khoán, nếu để nguồn vốn vào thị trường này quá nhiều có thể tạo ra "bong bóng chứng khoán".

Nếu việc kiểm soát dòng vốn luôn ở tâm thế chủ động để điều hòa nguồn vốn, luồng tiền, không tạo ra điểm nóng nguy cơ sẽ không phải lo chuyện siết tín dụng nữa.

* Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai):

Cần điều hành linh hoạt

Những lo ngại về việc có hay không siết vốn tín dụng vào kinh tế, đặc biệt lĩnh vực rủi ro như BĐS và chứng khoán, theo tôi, thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các phó thủ tướng đã trả lời rõ các vấn đề mà đại biểu đặt ra, nhận trách nhiệm về những vấn đề đang còn tồn tại.

Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra cần có tính khả thi, thực tế, có thể triển khai được. Cần có cách điều hành linh hoạt ở từng thời điểm mới xử lý được vấn đề này. Siết tín dụng nhưng không phải bóp nghẹt khiến thị trường đó không phát triển, đòi hỏi tính linh hoạt trong quá trình điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

* Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau):

Chỉ nên hạn chế tín dụng với đầu cơ BĐS

Bài học từ Trung Quốc cho thấy khi siết chặt tín dụng BĐS sẽ khiến thị trường này đóng băng, nợ xấu BĐS sẽ trở thành cục máu đông rất khó xử lý, nền kinh tế nói chung cũng bị ảnh hưởng. Do đó, ngành ngân hàng cần thận trọng, không thể nới lỏng quá nhưng cũng không quá siết chặt làm ảnh hưởng chung đến thị trường này.

Phải đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp nào uy tín, dự án nào khả thi... phải được hỗ trợ vốn. Chỉ nên hạn chế vốn tín dụng với hoạt động đầu cơ BĐS hoặc vay đầu tư cho ngắn hạn, lấy tiền đó đầu cơ đầu tư vào đất dài hạn sẽ để lại hệ lụy.

* Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình):

Chỉ siết tín dụng nếu làm ăn "lởm khởm"

Nếu kiểm soát tín dụng quá chặt sẽ gây ảnh hưởng nền kinh tế nói chung. Việc đảm bảo nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là điều cần thiết.

Với lĩnh vực BĐS cũng vậy, doanh nghiệp nào làm ăn có lãi vẫn phải cho vay, vì BĐS cũng là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao. Những doanh nghiệp nào làm ăn "lởm khởm", không trả được nợ hoặc vừa rồi có nhiều lình xình, không có tài sản đảm bảo, cần phải hạn chế cho vay.

NGỌC AN ghi

Siết tín dụng vào bất động sản: Ngân hàng Nhà nước nói gì? Siết tín dụng vào bất động sản: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

TTO - Sau bài 'Siết vốn, vay mua nhà thêm khó' (Tuổi Trẻ ngày 3-5), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng. Trong khi các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn có thêm kiến nghị về chính sách này.

T.CHUNG - N.AN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên