18/01/2016 09:30 GMT+7

Nam sinh tự tử: Nhà trường cần nắm luật để bảo vệ học sinh

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Việc công an xã vào tận trường để "mời" nam sinh Nguyễn Thanh Tâm đến trụ sở làm việc - thực chất là dẫn giải em đi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tâm viết thư để lại rồi tự tử bằng thuốc diệt cỏ - Ảnh: Trần Mai
Tâm viết thư để lại rồi tự tử bằng thuốc diệt cỏ - Ảnh: Trần Mai

Ngày 17-1, gia đình đã tiến hành lo hậu sự cho em Nguyễn Thanh Tâm (17 tuổi, lớp 9 Trường THCS Tịnh Bắc, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Em Tâm qua đời vào khuya 16-1 sau một ngày bệnh viện trả về vì không thể cứu chữa.

Trước đó sáng 11-1, người nhà em Tâm cho biết khi Tâm đang học trong lớp thì ông Huỳnh Văn Chung (phó trưởng Công an xã Tịnh Bắc) và ông Huỳnh Ngọc Danh (công an viên xã Tịnh Bắc) đến trường nói với cô phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hoanh cho gặp Tâm.

Sau đó họ đưa Tâm rời khỏi trường về trụ sở UBND xã Tịnh Bắc làm việc mà nhà trường và gia đình không biết. Đến 19g cùng ngày, công an mới gọi bà Trương Thị Thái (mẹ Tâm) vào ký giấy bảo lãnh đưa Tâm về nhà.

“Khi về nhà con tôi nói bị oan, không trộm tiền mà phải khai có trộm tiền để khỏi bị công an đánh” - ông Nguyễn Văn Hương, cha Tâm, nói.

Đến sáng 13-1, Tâm đã viết lá thư với nội dung: “Ba má ơi, con xin lỗi. Con chưa báo hiếu được cho ba má. Con sống không được nữa rồi. Mang nỗi oan ức vào người nhưng chẳng có ai tin con nên con xin lỗi ba má con đi trước đây. Sống không bằng chết”.

Sau khi viết thư, Tâm uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Dù người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị tích cực nhưng đến chiều 15-1 bệnh viện trả về vì không thể chữa trị. Sau một ngày đưa về nhà thì Tâm qua đời.

Nỗi đau mất con khiến ông Nguyễn Văn Hương bần thần, ông ú ớ không nói nên lời. Đôi mắt ông Hương ngó nhìn hư không than trách trời đất, trong khi đó bà Trương Thị Thái ngồi nhìn bàn thờ con lặng lẽ khóc. Những người hàng xóm tốt bụng đến an ủi, chia sẻ nỗi đau để bà vượt qua ngày buồn.

Cô Nguyễn Thị Thu Hoanh cho biết sáng 11-1 có công an viên tên Danh đến trường nói với cô cho gặp Tâm, sau đó ông Danh cùng với một cán bộ lên lớp nói với cô chủ nhiệm của Tâm cho gặp rồi chở về trụ sở UBND xã mà trường không hề hay biết.

“Đến sáng hôm sau, tôi đi họp tổng kết tình hình an ninh Tổ quốc nghe mấy anh công an nói mới biết Tâm bị đưa lên xã vào hôm đó” - cô Hoanh nói.

Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc, cho biết Tâm khai nhận ăn trộm tiền của ông Huỳnh Văn Mác, chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Tịnh Bắc, nhiều lần.

Trong đó một lần ăn trộm 5 triệu đồng, một lần 6 triệu đồng và nhiều card điện thoại. Đồng thời ông Linh thừa nhận sáng 11-1 công an xã có đến trường đưa em Tâm về UBND xã Tịnh Bắc làm việc.

Lúc làm việc có cậu họ của Tâm chứng kiến. Đến tối cùng ngày bà Thái vào ký giấy bảo lãnh đưa Tâm về nhà.

Trong khi đó, lãnh đạo Công an huyện Sơn Tịnh cho biết trong lúc làm việc có cậu của em Tâm chứng kiến. Tâm thừa nhận lấy 22 xe đạp, một xe máy cầm cố lấy tiền…

Không có chuyện công an đánh đập

Ông Phạm Vinh, chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, cho biết bây giờ thông tin người nhà cung cấp như thế nhưng tài liệu chứng cứ có đó, khi làm việc cũng lập biên bản với sự chứng kiến của người nhà em Tâm.

Việc em Tâm uống thuốc tự tử là việc đáng tiếc, nhưng không có chuyện công an xã đánh đập một học sinh lớp 9 dẫn đến em này bức xúc tự tử.

“Em Tâm có ăn trộm tiền của ông Mác là chủ tịch Mặt trận xã Tịnh Bắc và được gia đình dẫn đến nhà ông Mác xin lỗi nhưng ông Mác không chịu và bảo để công an làm việc.

Lúc làm việc với công an, em Tâm cũng thừa nhận thực hiện nhiều vụ trộm. Báo chí đưa tin là đúng nhưng phải thận trọng vì sự việc có trong hồ sơ làm việc” - ông Vinh khẳng định.

* Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng):

Trong giờ học, trách nhiệm quản lý học sinh thuộc nhà trường

Việc công an xã Tịnh Bắc (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào trường và đưa em Tâm là người chưa thành niên đi khỏi trường và giữ Tâm gần 11 giờ, đồng thời việc lấy lời khai, làm việc với em Tâm không có đại diện nhà trường là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chúng tôi không đồng tình quan điểm cho rằng “mời” em Tâm mà lại vào trường học dẫn giải em Tâm đi trước bao nhiêu người như thế.

Ngoài ra, ở đây còn có trách nhiệm của nhà trường đang quản lý học sinh. Trách nhiệm là vì không thể để công an vào dẫn học sinh đang thuộc phạm vi quản lý của mình đi mà thiếu lý do hợp pháp.

Đã là mời đi thì việc đi hay không phải là tự nguyện, làm sao công an xã phải vào dẫn giải đi. Đây là biểu hiện của việc bắt giữ người, mà pháp luật quy định chỉ được tiến hành trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bị truy nã.

Trường hợp này công an xã không thể thực hiện hoạt động bắt, dẫn giải và giữ em Tâm như báo chí nêu.

Theo chúng tôi, công an xã có thể đã có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật và cần phải được xem xét xử lý một cách minh bạch.

Đối với trách nhiệm của nhà trường, như đã nói, trong thời gian học sinh đang học ở trường thì thuộc phạm vi quản lý của mình nên không thể để mặc học sinh mình bị dẫn đi như vậy được, đó là biểu hiện của việc nhiều khi e ngại, sợ cơ quan công quyền, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trước học sinh.

Lúc này cha mẹ, người thân của em Tâm không có, quyền hạn quản lý đối với em Tâm thuộc nhà trường, nên vấn đề quản lý học sinh cần được đảm bảo. Lãnh đạo nhà trường cũng cần hiểu biết pháp luật để bảo vệ học sinh của mình.

Giả sử không phải công an xã mà lực lượng mạo danh khác thì sao, rồi cũng là công an xã nhưng họ hành xử không đúng luật mà để mặc học sinh lâm vào tình trạng xấu hổ, mặc cảm trước bạn bè và hoàn toàn không thể tự vệ trước công quyền, bị cô lập hoàn toàn sẽ gây những chấn động tâm lý rất lớn.

HỮU KHÁ ghi

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên