Học sinh lớp 6 Trường Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm sáng 3-9 - Ảnh: N.T.H.
Dù lịch học đã sát nút nhưng với học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phụ huynh "lòng như lửa đốt"
Chị T.T.H. - có hai con học lớp 4 Trường tiểu học Hòa Bình và lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - chia sẻ "lòng như lửa đốt" vì hai con bị mắc kẹt ở quê Quảng Ngãi trong khi năm học mới ở TP.HCM đang bắt đầu trên Zoom.
"Con tôi về từ tháng 5 đến giờ. Khi nhận tin học online, tôi lập tức gửi máy tính của con về quê thì bưu điện không nhận vận chuyển nữa. Tôi bóp bụng mua hai máy tính cho con. Khổ nỗi vì dịch nhu cầu nhiều, ở quê máy tính lại ít nên giá bị đôn lên rất cao" - chị H. nói.
Anh Nguyễn Thanh Trí (quận 7) có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh. Anh kể con về hè với mẹ ở Hà Tĩnh để dịch yên ắng rồi quay vào TP.HCM.
"Con tôi vào lớp 1, tôi cho cầm điện thoại xem YouTube, xem chương trình thiếu nhi. Giờ học online, tôi đã đọc, đã nghe hướng dẫn của trường mà vẫn cảm thấy lớ ngớ. Tôi chưa biết phải hướng dẫn cho con làm thế nào để học cho hiệu quả" - anh Trí lo lắng nói.
Theo gia đình về quê ở tỉnh Bình Định tránh dịch, em Vũ Thị Hồng (lớp 8 Trường THCS Ngô Sĩ Liên) và em Vũ Hồng Phát (lớp 5 Trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận Tân Bình) rất nôn nao được trở lại TP.HCM vào năm học mới dù là học trực tuyến.
Em Hồng cho biết: "Con có mang máy tính về quê. Hai chị em may mắn học khác buổi. Con buổi sáng, em con buổi chiều. Con học chương trình tiếng Pháp nên việc học online qua Zoom có thể cũng bình thường và đã quen. Nhưng con chỉ sợ khi làm bài kiểm tra con không tự tin để có kết quả như khi con học trực tiếp trên lớp".
Gần 80.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến
Số liệu thống kê đầu năm học này của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy hơn 57.000 học sinh/khoảng 600.000 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Ở bậc trung học, trong tổng số gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 có hơn 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học online; hơn 5.000 học sinh có máy tính hoặc smartphone nhưng lại không có Internet. Như vậy nhẩm tính có gần 80.000 học sinh ở TP.HCM thiếu thiết bị để học trực tuyến.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác có tiền lại không mua được máy tính thời điểm này. "Tôi đã liên hệ nhiều nơi để mua máy tính nhưng không mua được. Các cửa hàng cho biết đang trong thời kỳ giãn cách nên họ không thể giao hàng" - chị Bùi Thị Kim Liên, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, chia sẻ.
Anh Nguyễn Công Quảng - phụ huynh ở quận 5 - lại gặp tình huống trớ trêu khác: "Biết phụ huynh có nhu cầu mua sắm máy tính cho con học online nên nhiều cửa hàng đẩy giá cao lên gấp rưỡi so với bình thường. Kể cả những thiết bị đi kèm như con chuột, camera... cũng tăng giá. Tôi bấm bụng đặt mua cho con và đã chuyển khoản tất cả chi phí. Sau đó họ mới trả lời là không giao hàng ngay được vì máy tính không phải là mặt hàng thiết yếu. Nếu như vậy thì con em chúng tôi học bằng gì?".
Nhiều học sinh bị F0 hoặc gia đình có người F0
Bà Hằng - phụ huynh ở huyện Bình Chánh - tâm tư một vấn đề liên quan dịch bệnh: "Mấy hôm nay con tôi lo lắng lắm. Năm nay là năm cuối cùng của cháu ở trường THPT. Cháu cũng đã lên kế hoạch dốc hết sức cho năm học lớp 12 để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vậy mà bây giờ cả cháu và bố đều nhiễm COVID-19. Tôi mới gọi điện cho con, hỏi con có học online được không. Cháu trả lời là trong khu cách ly ồn lắm, khó mà học được. Vả lại, cháu cũng rất mệt, nếu có học cũng sẽ không hiệu quả".
Bà Bùi Thu Sương - phụ huynh có con học lớp 11 ở TP Thủ Đức - cũng cho hay: "Con tôi yêu cầu mẹ gửi máy tính vào bệnh viện cho con để con học được bao nhiêu thì học. Chứ không thì mất bài, đến khi khỏi bệnh sẽ không theo kịp các bạn, không theo kịp chương trình. Đáng lẽ bị nhiễm COVID-19 thì phải lo chữa trị và giữ gìn sức khỏe, đằng này con tôi cứ canh cánh trong lòng rằng năm học mới đã đến, các bạn học mà con không học được thì sẽ thua thiệt".
Theo thống kê ban đầu của Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ tính riêng bậc THCS, THPT thì hiện vẫn có hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian đầu tháng 9 vì bản thân đang là F0 hoặc cả gia đình là F0. Các em đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách.
Trường lớp tại TP.HCM trước năm học mới vẫn ngổn ngang - Ảnh: TỰ TRUNG
Nỗi lòng người đứng lớp
Cô H.X. - giáo viên Trường tiểu học Bàu Sen (quận 5, TP.HCM) - tâm sự nhiều năm dạy lớp 1 nhưng năm học này cô có quá nhiều cảm xúc, nhiều sự vướng víu.
"Thông thường học trực tiếp sẽ họp phụ huynh trước khi vào lớp nhưng năm nay học online cách làm lại khác. Phụ huynh tự quay clip khoảng 30 giây để các bé giới thiệu về mình. Đến ngày họp phụ huynh trực tuyến sẽ chiếu cho phụ huynh biết. Ngày học đầu sẽ chiếu cho các con làm quen. Nhưng có cha mẹ nhắn với tôi là không laptop, không có điều kiện nên không hợp tác.
Có phụ huynh lại báo gia đình có người mất vì COVID-19 nên không có tâm trạng hỗ trợ. Đó là chưa kể có nhiều phụ huynh còn ở quê, phụ huynh bị F0 không tương tác. Để lấy lý lịch học sinh và gia đình, tôi nhắn tin, điện thoại có người không trả lời", cô X. nói.
Vừa là phụ huynh vừa là giáo viên, cô Phạm Thị Xuân Oanh (dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) cũng bộc bạch: "Tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hết, nhiều giáo viên sống ở khu có F0, tâm lý sợ hãi hoang mang mệt mỏi. Đó là chưa kể hằng ngày vừa lo lương thực thực phẩm cho con, cho gia đình, vừa soạn giảng. Cùng một lúc phải làm tốt hai công việc này, giáo viên phải cố gắng và cân bằng hết sức có thể".
Hỗ trợ 100% học phí kỳ 1 cho học sinh công lập và ngoài công lập
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gởi các sở, ban, ngành về việc hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trừ các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).
UBND TP giao Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập tạm thời chưa thu học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 cho đến khi có hướng dẫn mới; vận động các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chuẩn bị chu đáo cho các điều kiện dạy học
Sáng 3-9, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết từ đầu đợt dịch COVID-19 thứ 4, huyện có điều động 228 công chức, giáo viên tham gia hỗ trợ các xã chống dịch. Hiện nay số thầy cô này đang tập trung tâm trí cho công tác chống dịch, nếu đưa giáo viên về dạy có thể ảnh hưởng chung đến việc chống dịch, và tâm trí của giáo viên cũng chưa tập trung cho việc dạy nên việc học cũng khó khăn.
Trao đổi tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thống nhất giao cho TP.HCM hoàn toàn chủ động xây dựng kế hoạch thời gian bắt đầu, kết thúc năm học, cũng như công tác thi cử sau này.
TIẾN LONG
Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Tháo gỡ khó khăn bằng nhiều cách
Sở GD-ĐT TP.HCM đã nắm được những khó khăn mà các phụ huynh, học sinh, giáo viên đang gặp phải trong năm học mới và đang từng bước tháo gỡ những khó khăn ấy.
Về việc học sinh thiếu máy móc, thiết bị học tập trên Internet, sở đã đề nghị các nhà trường phổ thông huy động nguồn thiết bị đã qua sử dụng từ phụ huynh, các cơ quan, đơn vị... để có "ATM máy tính" tặng lại cho những học sinh khó khăn. Bên cạnh đó sở cũng đang kiến nghị với UBND TP để huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, thực hiện chương trình mua máy tính trả góp nhằm hỗ trợ những gia đình khó khăn.
Riêng về việc phụ huynh không thể mua máy tính trong giai đoạn này, UBND TP đã chỉ đạo như sau: phụ huynh có nhu cầu mua máy tính hoặc điện thoại thông minh sẽ đăng ký với nhà trường nơi con mình đang theo học. Các trường phổ thông sẽ tổng hợp nhu cầu của phụ huynh và gửi lên sở. Sở sẽ làm việc với Sở Công thương để cung cấp máy tính đến tận nhà cho học sinh.
Với những giáo viên đang là F0 hoặc có người thân mất vì COVID-19, các nhà trường cần có sự động viên, phân công giáo viên khác hỗ trợ công việc để các thầy cô giáo được nghỉ ngơi, ổn định sức khỏe và tinh thần. Với những học sinh đang là F0, các em không phải học tập trong thời gian này.
Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm cần động viên, thăm hỏi để học sinh yên tâm điều trị bệnh. Đến khi các em khỏe mạnh, các nhà trường sẽ phân công giáo viên hỗ trợ đặc biệt cho những học sinh thuộc diện này, giúp các em nắm được kiến thức kỹ năng của chương trình.
Hà Nội: vẫn thiếu sách giáo khoa, thiếu máy tính
Đến ngày 3-9, hiệu trưởng một số trường ở Hà Nội cho biết sách giáo khoa lớp 6 vẫn chưa về đến trường. "Trường tôi vẫn chưa có sách cho cả giáo viên và học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu từ ngày 6-9, giáo viên phải soạn giáo án theo bản PDF sách giáo khoa trên mạng chứ chưa có sách giấy. Giáo viên có thể khắc phục được nhưng học sinh cũng chưa có sách thì rất khó khăn vì không phải học sinh nào cũng tiếp cận được với sách mềm" - một giáo viên THCS khu vực quận Long Biên chia sẻ.
Một số trưởng phòng giáo dục tại Hà Nội cho biết khó khăn về sách giáo khoa vẫn là việc vận chuyển phải tuân thủ các thủ tục trong bối cảnh thực hiện giãn cách phòng dịch.
Một trong những khó khăn đặt ra với Hà Nội nữa là thiết bị để học trực tuyến. Mặc dù là địa phương có những thuận lợi hơn về thiết bị và nền tảng công nghệ thông tin cho dạy học trực tuyến nhưng vẫn có một bộ phận học sinh thiếu thiết bị (máy tính) để học trực tuyến. Nhiều học sinh phải học trực tuyến trên điện thoại của cha mẹ khá bất tiện và ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Những gia đình có 2 con học trực tuyến, cha mẹ và con cái phải thay phiên nhau sử dụng 1 máy tính để học tập, làm việc.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, từ năm học trước, Công đoàn giáo dục Hà Nội đã triển khai chương trình "Máy tính cho em" quyên góp được trên 2.000 máy tính, điện thoại thông minh để hỗ trợ học sinh khó khăn có thiết bị học trực tuyến. Chương trình này đang tiếp tục thực hiện vì năm học mới, dự kiến Hà Nội sẽ còn dạy học trực tuyến kéo dài ở các cấp học. (V.HÀ)
Bình Dương: rút dần giáo viên khỏi lực lượng chống dịch để dạy học
UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã chấp thuận với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc dời ngày khai giảng trực tuyến tới ngày 15-9 thay vì ngày 5-9 như dự kiến. Đồng thời tỉnh này đồng ý về việc sẽ rút dần giáo viên đang làm tình nguyện viên chống dịch COVID-19 thay bằng lực lượng khác để cho thầy cô chuẩn bị giảng dạy.
Theo Sở GD-ĐT Bình Dương, năm học mới đã đến gần nhưng việc tổ chức dạy và học sẽ gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Hiện có gần 700 người là công nhân viên chức, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Bình Dương đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Hàng trăm trường học vẫn đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly cho người nhiễm COVID-19.
BÁ SƠN
Thừa Thiên Huế: nhiều nơi có 50% gặp khó khi học trực tuyến
Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi cho học sinh học trực tuyến qua truyền hình hoặc qua Internet.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện vùng cao A Lưới, qua rà soát bước đầu có khoảng 50% học sinh các trường sẽ gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. Chủ yếu là các học sinh ở đây thiếu máy tính, điện thoại thông minh, mạng Internet để có thể học trực tuyến nếu trường hợp địa phương bị giãn cách do dịch bệnh.
Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế tổ chức giảng dạy qua truyền hình cho học sinh - Ảnh: N.LINH
Sở GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo tình hình dạy và học trực tiếp, trực truyến cũng như những khó khăn của học sinh khi học trực tuyến về sở trước ngày 6-9 để có những giải pháp xử lý phù hợp.
NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận