Phóng to |
Theo dự thảo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học, bậc tiểu học có 360 điểm được điều chỉnh. Trong ảnh: một tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng |
Sau nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục cho rằng chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện nay quá nặng, năm học 2011-2012, với mục đích khắc phục những bất cập và giảm tải cho học sinh, Bộ GD-ĐT đã biên soạn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học của cấp tiểu học, THCS, THPT.
Dự thảo tài liệu trên được xây dựng căn cứ vào kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình - SGK phổ thông và kết quả trưng cầu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục, các tổ chức, cá nhân qua phương tiện thông tin đại chúng. Hiện dự thảo đang được chuyển cho các nhà trường để nghiên cứu, tiếp tục góp ý nhằm hoàn chỉnh hướng dẫn. |
Theo dự thảo của hướng dẫn trên, nhiều nội dung kiến thức trong chương trình sẽ được giảm bớt, không dạy hoặc giảm bớt yêu cầu đối với học sinh trong các câu hỏi, bài tập, điều chỉnh một số nội dung dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh của từng vùng miền khác nhau.
Cụ thể ở bậc tiểu học, có trên 360 điểm được điều chỉnh ở các môn học toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử - địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục.
Riêng môn tiếng Việt có nội dung cần điều chỉnh nhiều nhất với trên 80 điểm điều chỉnh. Ở chương trình - SGK lớp 4 có tám bài không dạy, lớp 5 có 18 bài không dạy, nhiều nội dung các bài khác được lược bớt, điều chỉnh câu hỏi quá khó, giảm số bài tập bắt buộc đối với học sinh.
Theo ông Lê Tiến Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, hầu hết các môn học đều có các phần lược bớt kiến thức, giảm bớt yêu cầu, số lượng bài tập. Ví dụ môn lịch sử - địa lý sẽ không yêu cầu học sinh tường thuật diễn biến sự kiện lịch sử mà chỉ kể lại sự kiện theo cách hiểu của học sinh, không yêu cầu học sinh thuộc lòng hệ thống kiến thức mà chỉ cần ghi nhớ những đặc điểm tiêu biểu.
Môn đạo đức cũng sẽ lược đi, hoặc không bắt buộc thực hiện những yêu cầu không phù hợp với điều kiện của học sinh (như xây dựng tiểu phẩm, sưu tầm tài liệu). Ở môn thể dục, giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh việc dạy học phù hợp với điều kiện, trình độ, thể lực học sinh...
Ở bậc THCS, Bộ GD-ĐT cũng điều chỉnh ở 13 môn học, trong đó môn ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp... Có nhiều bài, phần trong các bài được cắt bớt không dạy. Một số nội dung quá khó, trùng lặp, không gần gũi và không cần thiết với học sinh, không phù hợp với thực tế cũng được điều chỉnh.
Ví dụ môn văn ở bậc THCS sẽ có gần 20 bài được chuyển sang phần “đọc thêm”, bốn bài không dạy, nhiều phần kiến thức, yêu cầu đối với học sinh được giảm bớt. Tương tự, môn lịch sử có 20 bài không dạy và chuyển sang đọc thêm, nhiều bài khác giảm bớt yêu cầu, kiến thức. Các môn học khác đều có đến hàng chục bài sẽ giảm bớt kiến thức, điều chỉnh yêu cầu đối với học sinh. Đ
ặc biệt, các môn giáo dục công dân, công nghệ sẽ điều chỉnh theo hướng cung cấp kiến thức gần gũi với học sinh, môn công nghệ hướng dẫn giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với học sinh nông thôn và thành thị.
Bậc THPT cũng điều chỉnh theo hướng lược bớt, giảm nhẹ yêu cầu ở hầu hết các môn học. Nhiều phần kiến thức được chuyển sang phần đọc thêm, hoặc giáo viên giới thiệu cho học sinh tham khảo.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngoài việc điều chỉnh để nội dung kiến thức gần gũi, phù hợp với học sinh hơn, sẽ có thêm thời gian cho thầy trò rèn luyện kỹ năng, thực hành thí nghiệm. Một điều quan trọng nữa là thêm thời gian cho thầy cô giáo nghiên cứu, áp dụng việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục khó khăn, do thiếu thời gian, do áp lực “chạy hết chương trình” trước đây đã khiến nhiều giáo viên xao nhãng.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc dạy lồng ghép, tích hợp hoặc đưa vào chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp những nội dung cần thiết đối với học sinh phổ thông nhằm thực hiện giáo dục toàn diện. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh, phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội trong nhà trường, cung cấp kiến thức pháp luật cần thiết.
Không kiểm tra phần lược bỏ
Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT hướng dẫn với những phần kiến thức được điều chỉnh “không dạy” hoặc “đọc thêm”, những phần kiến thức không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ, các nhà trường không được tổ chức kiểm tra, đánh giá. Những kiến thức đã lược bỏ cũng sẽ không có trong nội dung đề thi của các kỳ kiểm tra học kỳ, cuối năm, kỳ thi tốt nghiệp...
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong năm học 2011-2012, đây là một trong những việc Bộ GD-ĐT mong muốn phát huy chất xám của toàn ngành nhằm thực hiện giảm tải, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, tạo cơ sở quan trọng cho việc đổi mới chương trình - SGK phổ thông vào năm 2015.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về dự thảo trên và lộ trình thực hiện việc điều chỉnh, giảm tải các môn học, ông Hiển cho biết trong khoảng một tuần nữa tài liệu này sẽ ban hành chính thức sau khi hoàn thiện trên cơ sở các góp ý mới. Tài liệu sẽ được in và chuyển đến từng giáo viên các bộ môn của các bậc học để thực hiện ngay trong học kỳ 1 năm học 2011-2012.
Như vậy, giáo viên sẽ dựa vào chương trình - SGK và tài liệu trên để thiết kế nội dung giảng dạy. Căn cứ vào khung phân phối chương trình của môn học, các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường và giáo viên điều chỉnh phân phối chương trình để phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận