25/12/2020 16:22 GMT+7

'Năm COVID' 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Không còn tình trạng quá tải du lịch, du lịch nội địa ghi nhận những tín hiệu tích cực, thiên nhiên phục hồi... là những thứ mà ngành du lịch năm 2020 gặt hái được, dù đây là một năm khó khăn do COVID-19.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 1.

Nhiều điểm du lịch đã thoát khỏi tình trạng quá tải du khách trong năm 2020 - Ảnh: CNN

Đài CNN (Mỹ) ngày 24-12 có bài viết đánh giá ngành du lịch toàn cầu năm 2020 sau nhiều tháng đại dịch COVID-19 hoành hành. Bài viết có tiêu đề: "Năm 2020 không phải chỉ toàn chuyện kinh khủng. Đây là cách ngành du lịch hưởng lợi từ một năm tồi tệ".

Từ việc đặt dấu chấm cho tình trạng quá tải du lịch cho tới các lợi ích môi trường, thật sự có nhiều thứ để người ta có cái nhìn lạc quan về ngành du lịch sau một năm đầy khó khăn. Điều đó cũng mang lại hi vọng sẽ có cách tiếp cận bền vững hơn với ngành du lịch trong năm 2021 và xa hơn.

"Công bằng mà nói 2020 là một năm khó khăn với ngành du lịch, nhưng đó không phải là một thảm họa tuyệt đối" - Đài CNN đánh giá.

Sau đây là 10 thứ mà ngành du lịch gặt hái được từ một năm tồi tệ:

1. Sự cáo chung của "quá tải du lịch"

Trước đại dịch COVID-19, tình trạng quá tải du lịch (overtourism) thậm chí đã trở thành một vấn đề mà từ điển tiếng Anh Oxford gọi là một trong những Từ của năm hồi năm 2018.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 2.

Nước trong các kênh đào ở Venice (Ý) đã trong hơn vào hè 2020, do ít du khách và xuống máy đi lại - Ảnh: AFP

Nhà chức trách nhiều nước đã nỗ lực giảm số khách tham quan tại các địa điểm nổi tiếng, như thánh địa Machu Picchu (Peru) và đền Taj Mahal (Ấn Độ) nhằm bảo vệ các tòa nhà dễ bị hư hại.

Dân địa phương ở Venice (Ý), Barcelona (Tây Ban Nha) và Dubrovnik (Croatia) đã chỉ trích hậu quả của quá tải du lịch. Nhiều thành phố mà họ sinh sống đã bị ảnh hưởng, từ chuyện đi lại cho tới chi phí sinh sống đắt đỏ.

Không rõ các năm tới ra sao, nhưng sự kết thúc của tình trạng quá tải du lịch trong năm 2020 đã trao cho những nơi này cơ hội được "thở" và đánh giá lại tình hình.

Khi thành phố Venice mở lại trong ngắn ngủi vào hè 2020, người ta đã thấy được cá bơi dưới dòng nước trong hơn của các kênh đào và cảm nhận được bầu không khí yên bình hơn.

2. Thúc đẩy du lịch nội địa các nước

Lệnh ở lại trong nhà, các biện pháp phong tỏa, quy định cách ly khi nhập cảnh cùng nhiều biện pháp hạn chế khác được áp dụng khắp thế giới đã khiến nhiều du khách chọn hình thức du lịch trong nước năm 2020.

Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho biết số du khách từ nước ngoài đã sụt giảm tới 87% trong tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái ở nước này. Trên cả châu Âu, mức sụt giảm trong lượng khách quốc tế là 66% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 3.

Người Anh đã đi tới nhiều địa điểm trong nước như vùng núi Lake District do các hạn chế áp dụng với việc ra nước ngoài - Ảnh: AFP

Tại Vương quốc Anh, có sự gia tăng trong việc lựa chọn hình thức cắm trại. Tại Mỹ, 63% người trưởng thành xứ cờ hoa cho biết họ chọn hình thức du lịch nội địa trong năm 2020.

Du lịch nội địa ghi nhận các tín hiệu tích cực cũng đồng nghĩa các khách sạn và những địa điểm nghỉ dưỡng sẽ không rơi vào tình trạng quá tồi tệ. Du khách đang nhận ra rằng họ không cần phải ngồi máy bay 12 giờ cứ mỗi lần đi du lịch.

3. Các lợi ích môi trường

Theo Đài CNN, 6 tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm 8,8% trong lượng khí phát thải CO2 so với cùng kỳ năm 2019. Mức sụt giảm này thậm chí nhiều hơn mức giảm được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970.

Với lượng khách giảm 67% (theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và việc các hãng hàng không cho "nằm đất" nhiều máy bay, điều đó đã mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 4.

Máy bay bị cho "nằm đất" tại cơ sở chứa máy bay châu Á - Thái Bình Dương ở Alice Springs, Úc - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này duy trì được hay không một khi chúng ta có thể bắt đầu đi lại như những năm trước?

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá đại dịch COVID-19 là một "sự kiện thiên nga đen" và giờ là lúc bắt đầu đầu tư mạnh vào năng lượng bền vững.

4. Thiên nhiên phục hồi

Với việc ít người đi du lịch và lượng khí thải giảm đi, thiên nhiên đã có được khoảng thời gian lý tưởng để nghỉ ngơi.

Chẳng hạn, vườn quốc gia Yosemite (Mỹ) đóng cửa cũng đồng nghĩa các con vật bên trong có thể thoải mái "khám phá" những khu vực mà trước đây con người "thống trị". Người ta thấy nhiều linh miêu xuất hiện và số gấu được nhìn thấy tăng lên gấp 4 lần.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 5.

Các động vật đã thoải mái đi lại tại vườn quốc gia Yosemitesau khi vắng khách tham quan - Ảnh: AFP

Tại xứ Wales, những con dê thoải mái đi lại tại thị trấn Llandudno. Nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi đã giảm đi 53% trong 6 tháng đầu năm, khi tình trạng thiếu chuyến bay quốc tế cản trở việc vận chuyển sừng tê giác.

Tuy nhiên, có một nỗi lo: Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, tình trạng săn trộm có thể sẽ tăng trở lại.

5. Các điểm du lịch đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn thu hút du khách như giảm giá.

6. "Du lịch chậm": Có ít chuyến du lịch hơn, nhưng đi lâu hơn và mất nhiều thời gian hơn để khám phá một địa điểm

7. Tính toán đến các chuyến du lịch rẻ: Xét nghiệm COVID-19 khi đến và đi ở các địa điểm, cùng nhiều vấn đề khác phát sinh đã khiến chi phí đi du lịch tăng lên. Điều đó nhấn mạnh một chuyện rằng du lịch rẻ chỉ còn là một chuyện của quá khứ.

Năm COVID 2020: 10 điều ngành du lịch được hưởng lợi - Ảnh 6.

Đọc sách về du lịch là một cách hay để tạo nguồn cảm hứng cho người đi du lịch - Ảnh: AFP

8. Có thêm nhiều thời gian để nghiền ngẫm, nghiên cứu hay đơn giản là đọc sách để có nguồn cảm hứng.

9. Các loại hình du lịch mới: Staycation (kỳ nghỉ ngay tại khu vực mình sống, không cần xuất ngoại, hoặc dành thời gian ở nhà và đến các điểm thú vị trong vùng) hay Babymoon (tương tự như tuần trăng mật (honeymoon) nhưng thay vì dành thời gian với người bạn đời sau khi kết hôn, vợ chồng lại tận hưởng thời gian bên nhau trước khi sinh con)... 

10. Kết thúc hình thức đi du lịch trên các du thuyền. Xu hướng chọn những tàu nhỏ hơn cũng giúp duy trì các hệ sinh thái mong manh.

Người Việt chọn đón năm mới 2021 ở đâu nhiều nhất? Người Việt chọn đón năm mới 2021 ở đâu nhiều nhất?

TTO - Đà Lạt, Phú Quốc, Sa Pa là top 3 điểm đến được nhiều người mong đợi nhất trong năm mới 2021. Các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... đã không còn nằm trong top những địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất trong mùa lễ hội năm nay.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên