01/12/2012 18:00 GMT+7

Myanmar và Brunei: thị trường tiềm năng với VN

VÕ VĂN THÀNH (từ Yangon)
VÕ VĂN THÀNH (từ Yangon)

TTO - Ngày 1-12, sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc thành công chuyến thăm tới Brunei và Myanmar (từ ngày 27 đến 1-12), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí những kết quả nổi bật của chuyến đi.

Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào MyanmarMyanmar đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đổi mới

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói:

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao lần này đã thúc đẩy quan hệ chính trị rất tốt đẹp giữa Việt Nam với Myanmar cũng như với Brunei. Bên cạnh đó, mục đích của chuyến đi thăm lần này là tập trung tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và hai nước này.

D6wkPJGR.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

Với Brunei, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và nhập khẩu dầu mỏ, chúng ta cũng rất mong đợi Brunei với tiềm năng tài chính và lợi thế trên các lĩnh vực có thế mạnh như khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Với Myanmar, chúng ta và bạn đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương sau hai năm tới đạt ít nhất 500 triệu USD. Myanmar cũng là một thị trường đầy tiềm năng mà chúng ta mong muốn đẩy mạnh đầu tư với các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông..., đặc biệt là nông nghiệp.

* Riêng đối với Myanmar, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mở ra những triển vọng cụ thể nào trong hợp tác giữa hai bên về thương mại, kinh tế và đầu tư?

- Qua chuyến thăm Myanmar lần này, chúng ta đã thúc đẩy, phát hiện thêm và thấy được rất nhiều triển vọng, nhiều cơ hội giữa hai bên. Chuyến thăm đã tạo nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar nhiều hơn nữa. Vấn đề bây giờ là các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện tốt các dự án đã có ở Myanmar để xây dựng lòng tin của phía bạn.

* Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?

- Myanmar đang trong quá trình đầu cải cách và mở cửa, có thể nói lãnh đạo các cấp cũng như doanh nghiệp Myanmar rất mong muốn tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình đổi mới. Quá trình của Myanmar hiện nay cũng gần giống như Việt Nam trước đây khi tiến hành đổi mới nên bạn muốn học hỏi, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Myanmar.

* Có ý kiến đánh giá rằng Myanmar cải cách sẽ phát triển rất nhanh, bộ trưởng nghĩ sao?

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói rằng những thành công trong đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar là thành công chung của cả hai bên. Chúng ta luôn nhận thức rằng nếu các nước trong khu vực ASEAN cùng phát triển thịnh vượng thì đó không chỉ tốt cho từng nước mà còn tốt cho cả khối, vì đến năm 2015 ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng.

* Thưa bộ trưởng, chúng ta cần làm gì để triển khai có hiệu quả những kết quả tích cực nêu trên đã đạt được qua chuyến thăm này của Chủ tịch nước tới Brunei và Myanmar?

- Trong thời gian tới, ta sẽ tiếp tục củng cố quan hệ chính trị tin cậy, tốt đẹp với Brunei và Myanmar qua việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Quốc vương Brunei và tổng thống Myanmar đã nhận lời sớm thăm chính thức Việt Nam, chủ tịch Quốc hội ta dự kiến thăm Myanmar sang năm. Ngoài ra các bộ, ngành, địa phương của ta sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác song phương, tiến hành trao đổi đoàn và giao lưu với các đối tác của hai nước… nhằm tìm hiểu thêm các cơ hội hợp tác mới.

Việt Nam và Brunei cũng như Myanmar sẽ tích cực thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đạt được trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, quốc phòng, dầu khí, nông nghiệp... Về kinh tế, với cả hai nước, ta sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng kim ngạch thương mại hai chiều hiện vẫn còn khá khiêm tốn.

Về quốc phòng - an ninh, ta thúc đẩy thiết lập đường dây nóng với hải quân Brunei, qua đó góp phần giải quyết vấn đề ngư dân - tàu thuyền và xúc tiến thiết lập cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng. Bên cạnh đó, ta sẽ xúc tiến đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hợp tác sâu rộng hơn thời gian tới. Các vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong quá trình hợp tác sẽ được quan tâm giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế ủy ban hỗn hợp nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa ta với Brunei và với Myanmar.

Cũng qua các chuyến thăm lần này, có thể thấy rõ quan điểm gần gũi giữa ta và Brunei cũng như Myanmar trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Đây là các cơ sở thuận lợi để ta phối hợp chặt chẽ với hai nước khi Brunei và Myanmar đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN lần lượt trong các năm 2013 và 2014.

* Về biển Đông, trong chuyến thăm lần này phía Việt Nam đã trao đổi với Brunei và Myanmar những nội dung nào?

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Brunei sẽ làm chủ tịch ASEAN vào năm 2013 và Myanmar làm chủ tịch ASEAN vào năm 2014. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta khẳng định ủng hộ và tích cực hợp tác chặt chẽ để Brunei và Myanmar hoàn thành trọng trách chủ tịch ASEAN trong năm 2013 và 2014. Đó là tăng cường sự đoàn kết của nội khối ASEAN cũng như tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ cấu của khu vực, đặc biệt để ASEAN có thể tiến tới xây dựng cộng đồng vào năm 2015.

Về vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo đã trao đổi và đều nhất trí với quan điểm cần phải đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất COC.

Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông và tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký DOC.

VÕ VĂN THÀNH (từ Yangon)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên