"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những gì cần thiết và đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp những gì mà Ukraine cần để thành công trên chiến trường" - ông Sullivan nói với Đài CNN.
Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về các loại vũ khí dự kiến sẽ có trong gói viện trợ an ninh mới nhất.
Mỹ và các nước đồng minh đã cung cấp số đạn dược, hệ thống vũ khí và huấn luyện trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra một năm trước.
Gần đây các gói viện trợ đã bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và xe tăng M1 Abrams - vốn đòi hỏi khả năng huấn luyện và bảo trì đáng kể. Tuy nhiên, các gói viện trợ chưa có máy bay chiến đấu.
Khi được hỏi về việc Ukraine kêu gọi Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu F-16, ông Sullivan nói rằng theo quan điểm của Washington, "máy bay F-16 không phải là vấn đề bàn đến cho cuộc chiến ngắn hạn. F-16 là thứ bàn đến cho việc bảo vệ Ukraine về lâu dài".
Trả lời phỏng vấn trên Đài CNN ngày 23-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington tin rằng hoạt động huấn luyện và thiết bị mà họ cung cấp cho Ukraine sẽ làm thay đổi tình hình trên chiến trường, và cho phép các lực lượng Ukraine "chọc thủng phòng tuyến của Nga".
"Chúng tôi đang huấn luyện và trang bị cho một số lữ đoàn bộ binh cơ giới. Cùng với pháo binh, họ (các lực lượng Ukraine) sẽ có khả năng chọc thủng phòng tuyến của Nga" - ông Austin nói.
Ngày 23-2, bộ trưởng tài chính đến từ Mỹ cùng các nước đồng minh nhóm G7 kêu gọi hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho Ukraine, và tuyên bố sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết đến nay Mỹ đã viện trợ an ninh, kinh tế, và nhân đạo cho Ukraine tổng cộng 46 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận