
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Scott Bessent tại họp báo ngày 12-5 - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Reuters ngày 12-5, đại diện phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết hai nước đã đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng mà các bên áp đặt với nhau.
Theo đó, Mỹ tạm giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ hạ mức thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%.
Kết quả vượt xa kỳ vọng
Sau động thái của hai nước, thị trường quốc tế lập tức phản ứng tích cực: chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng mạnh, đồng USD lên giá, trong khi lợi suất trái phiếu và biến động tỉ giá ngoại tệ cũng ghi nhận mức thay đổi đáng kể.
Theo bà Jane Foley - trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Rabobank (London), "một làn sóng lạc quan mới đã xuất hiện, thuế quan sẽ không gây ra tác động tàn phá như chúng ta từng lo ngại, thị trường đang thở phào nhẹ nhõm".
Chiến lược gia Kenneth Broux của Công ty Dịch vụ Tài chính Societe Generale cũng đưa ra bình luận rằng việc Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng thương mại được xem là "bước đi đúng hướng, và mang lại tác động tích cực cho tài sản cũng như nền kinh tế Mỹ".
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Zhiwei Zhang tại Công ty đầu tư Pinpoint Asset Management (Hong Kong) cho rằng kết quả này "vượt kỳ vọng" khi mức giảm thuế thấp hơn dự đoán ban đầu, giúp giảm bớt lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Đây là tin rất tích cực cho cả hai nền kinh tế cũng như toàn cầu. Tuy nhiên cần nhớ rằng đây chỉ là đợt giảm thuế tạm thời trong 3 tháng - bước khởi đầu của một tiến trình dài" - ông Zhang phân tích.
Tại Thượng Hải, Chủ tịch William Xin của Quỹ đầu tư Spring Mountain Pu Jiang Investment Management hào hứng: "Kết quả vượt xa kỳ vọng... Cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ có khả năng sẽ tiếp tục tăng".
Vẫn còn nhiều lo ngại
Mặc dù thỏa thuận đàm phán đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng vẫn tồn tại không ít lo ngại về những chi tiết chưa rõ ràng và tác động lâu dài đối với thị trường.
Chuyên gia phân tích thị trường tại Helsinki (Phần Lan) Jan von Gerich lo rằng "thỏa thuận này chỉ là bước khởi đầu, khi bàn sâu vào chi tiết, đôi bên có thể lại không tìm được tiếng nói chung".
Đồng quan điểm, chiến lược gia tại Tập đoàn Pepperstone Michael Brown nhận định: "Phản ứng tức thời của thị trường trước diễn biến là khá tích cực".
Tuy nhiên "điều đáng sợ nằm ở chi tiết, vì những điều khoản cụ thể của thỏa thuận mới là yếu tố quyết định thực sự".
Từ châu Âu, Giám đốc nghiên cứu Arne Petimezas tại AFS Group (Amsterdam) đánh giá quyết định của Mỹ là bất ngờ và khó lường, đồng thời đặt câu hỏi "không ai biết liệu ông Trump có thể tăng thuế trở lại sau thời gian tạm hoãn 90 ngày hay không".
Ông Rajeev De Mello, giám đốc danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại Gama Asset Management SA, thể hiện sự nghi ngại: "Những điểm tích cực về tiến trình đàm phán chưa đủ thuyết phục để nhà đầu tư mạnh dạn quay lại với các tài sản rủi ro".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận