Máy bay B-52 của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Đây là một trong những kết luận được công bố trong thông báo chung tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ở Singapore ngày 20-10.
Theo đó Mỹ, Trung Quốc cùng các nước như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Hàn Quốc đã tham gia vào thỏa thuận về nguyên tắc trong việc tránh đụng độ trên không này, cùng với 10 quốc gia Đông Nam Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói trong cuộc họp báo sau sự kiện: "Chúng ta đều biết rằng nếu cố va chạm thật, nó sẽ khiến nhiều thứ thay đổi… nó tạo ra hàng loạt các hoạt động mà bạn không thể kiểm soát".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ở Singapore - Ảnh: REUTERS
Đây thực tế là một dạng hướng dẫn tự nguyện, không có tính ràng buộc được xây dựng dựa trên nguyên tắc hành xử có sẵn, vốn dĩ được 18 nước chấp thuận hồi năm ngoái.
Dẫu sao, nó vẫn được kỳ vọng sẽ giúp giảm nguy cơ và hệ lụy có thể xảy ra trong bối cảnh khu vực trở nên "nhộn nhịp" cả đường biển lẫn đường bay trong vài năm gần đây.
Bộ quy tắc về đường không nêu trên được đánh giá cao vì là thỏa thuận đa phương đầu tiên theo dạng này.
Trước đây, ở một số cấp độ nhất định, vẫn có thỏa thuận song phương để hạn chế rủi ro trên không. Lấy ví dụ vào năm 2015, Mỹ và Trung Quốc ký một thỏa thuận thành lập đường dây nóng quân sự và quản lý các luật lệ cho những màn chạm trán giữa máy bay quân sự hai nước.
Hôm 18-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa rằng hai nước cần thúc đẩy quan hệ cấp cao để xử lý căng thẳng.
Hồi tháng 9 qua, Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 đi qua các vùng nước ở Biển Đông. Trước đó một tháng, một tàu Mỹ cũng tiến gần tới các khu vực thực thể Trung Quốc nhận chủ quyền phi pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận