10/12/2018 19:20 GMT+7

Mỹ toan tính gì khi xuống tay với Huawei?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trong bài viết đăng trên báo SCMP của Hong Kong, chuyên gia Tom Holland giải thích tại sao xảy ra vụ bắt giữ giám đốc Huawei vào thời điểm này, và điều này báo hiệu điều gì sắp xảy ra...

Mỹ toan tính gì khi xuống tay với Huawei? - Ảnh 1.

Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Tập đoàn Hoa Vi (Huawei) - Ảnh: REUTERS

Tuần trước, những ai đinh ninh thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về ngừng đánh thuế báo hiệu khả năng chiến tranh lạnh kinh tế xuống thang giữa hai nước hẳn đã bị sốc toàn tập.

Ngày 5-12, truyền thông cấp tập đưa tin giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), bà Mạnh Vãn Chu, bị chính quyền Canada bắt ở sân bay Vancouver theo yêu cầu của Mỹ vì tội vi phạm lệnh cấm vận Iran.

Sẽ không chính xác nếu nói tin lan "ngay lập tức", vì thật ra bà Mạnh đã bị bắt vào hôm thứ bảy 1-12, tức vào lúc Tổng thống Trump đang chuẩn bị gặp ông Tập trong tiệc tối làm việc ở Buenos Aires, Argentina nhân hội nghị G20.

Có thể đoán nhóm pháp lý của "công chúa" Hoa Vi đã cố tình chặn thông tin trong lúc Bắc Kinh tranh thủ "giật dây" ở Ottawa và Washington để Canada thả người.

Chuyện không thành. Khi tin về vụ bắt giữ xuất hiện, dân Trung Quốc đã nổi giận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cũng phản ứng mạnh, thề sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân họ.

Nhưng nếu ông đại sứ Trung Quốc tại Canada tin tưởng vụ bắt giữ bà Mạnh là sai, ông có thể viện dẫn đạo luật Habeas Corpus (Luật bảo thân - cấm bắt giữ người trái phép) yêu cầu tòa án ngay lập tức thẩm định việc bắt người. Nhưng ông đã không làm.

Có vài khả năng giải thích cho động thái đó, hoặc là ông đại sứ không biết/không muốn dùng luật "xứ người ta", hai là ông không chắc vụ bắt giữ trái pháp luật. Dù sao đi nữa, các cáo buộc vi phạm cấm vận chống lại Tập đoàn Hoa Vi, đặc biệt là cá nhân bà Mạnh, không phải mới mẻ.

Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố kết quả cuộc điều tra Hoa Vi, trong đó cáo buộc tập đoàn này từ chối cung cấp thông tin về hoạt động ở Iran, không cho thấy sự tuân thủ lệnh cấm vận.

Năm 2013, Hãng thông tấn Reuters tìm hiểu được một công ty con của Hoa Vi do bà Mạnh Vãn Chu đứng đầu đã bán linh kiện viễn thông của công ty Mỹ Hewlett Packard cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận có hiệu lực vào thời điểm đó.

Điều đáng nói, bản tin của Reuters không chỉ ra được đối tác Iran của công ty con Hoa Vi được sở hữu một phần bởi Vệ binh cách mạng Iran - lực lượng dính dáng trực tiếp đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Như vậy, chỉ mỗi điều này đủ kết tội bà Mạnh vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc chứ không chỉ lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ.

Canada hoàn toàn có thể viện lý do này dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

Mỹ toan tính gì khi xuống tay với Huawei? - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Tại sao Mỹ nhắm vào Hoa Vi?

Tại Washington, người ta tin Tập đoàn Hoa Vi dù mang lớp vỏ bọc thương mại nhưng nó tồn tại để phục vụ mục đích chính trị, quân sự và tình báo công nghiệp cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Việc ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Tập đoàn Hoa Vi, cha bà Mạnh Vãn Chu - từng giữ vị trí cao trong PLA, không phải bí mật. 

Các cơ quan tình báo phương Tây từ lâu đã cảnh giác năng lực do thám của Hoa Vi và thậm chí đã tận dụng kiến thức này nhằm cung cấp thông tin sai lệch cho Bắc Kinh.

Tất cả chỉ là trò đánh lạc hướng. Câu hỏi đặt ra không phải là "làm cách nào" hoặc "tại sao" Mỹ hành động với Hoa Vi, phải hỏi "tại sao bây giờ?".

Một giả thiết là guồng máy tư pháp của Mỹ chạy… quá chậm, và cuộc điều tra bắt đầu cách đây 5-6 năm chỉ vừa mới thu thập đủ bằng chứng để thực hiện vụ bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi.

Nhưng điều đó không hợp lý. Chính quyền Mỹ có thể không muốn làm tổn thương người tiêu dùng trong nước vì thương chiến với Trung Quốc, nhưng vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu cho thấy cuộc chiến "bào mòn" kinh tế Trung Quốc của Mỹ đang tiếp tục.

Tập đoàn Hoa Vi sẽ bị tổn hại nặng, thậm chí tan nát, nếu Mỹ xuống tay trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm vận Iran. Trong số 92 nhà cung cấp của tập đoàn này có đến 33 là công ty Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất chip Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron.

Nếu Washington cấm các công ty đó bán cho Hoa Vi, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ chật vật để tồn tại.

Nói tóm lại, bất chấp thỏa thuận đạt được ở Buenos Aires vừa qua, Mỹ đang tiếp tục nỗ lực nhấn chìm, hay ít nhất kìm lại, năng lực công nghệ của Trung Quốc. Mọi thứ sẽ không dừng lại ở vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, sẽ còn nhiều điều bất ngờ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên