Tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) của hải quân Mỹ trong đợt tuần tra chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) - Ảnh: US NAVY
Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc một chương trình quyết đoán hơn về các hoạt động tự do chuyển hướng trên biển và trên không gần các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trên Biển Đông.
Động thái này có thể bao gồm các cuộc tuần tra với thời gian dài ngày hơn, số lượng tàu chiến tham gia nhiều hơn hoặc có các hoạt động giám sát chặt chẽ hơn các tiền đồn của Trung Quốc tại khu vực, vốn đã được triển khai trái phép các thiết bị gây nhiễu điện tử và rađa quân sự tiên tiến.
Các quan chức Mỹ cũng đang tiến hành các hoạt động kêu gọi, thúc đẩy đồng minh và các nước đối tác tăng cường việc triển khai hải quân trên các tuyến đường biển quan trọng trong lúc Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa các thực thể và đảo chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
"Những gì chúng ta thấy trong một vài tuần qua chỉ là sự khởi đầu, một số lượng đáng kể các hoạt động khác đang được lên kế hoạch", một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với Reuters. Các nguồn tin không nói rõ các kế hoạch này đang được hoàn thiện như thế nào.
Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận, tuy nhiên theo người phát ngôn của nó, ông Christopher Logan, Mỹ sẽ "tiếp tục làm việc với các bằng hữu, đối tác và đồng minh để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở"
Trực thăng chuẩn bị cất cánh trên tàu khu trục USS Higgins - Ảnh: US NAVY
Hồi tháng 5 rồi, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) và tuần dương hạm USS Antietam (CG-54) áp sát các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép. Đây là lần đầu tiên Washington điều hai tàu chiến cùng tham gia một đợt tuần tra thuộc khuôn khổ chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đã trở thành một "thực tế", song nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các hậu quả không xác định trong tương lai.
Lời cảnh báo này đã khiến tướng Hà Lôi, trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Shangri-La 2018, tức giận và chỉ trích.
Vị này thậm chí còn ngang nhiên thách thức khi tuyên bố quân sự hóa Biển Đông "là quyền chủ quyền và quyền pháp lý của Trung Quốc", cảnh cáo "bất kỳ quốc gia nào khác cố tình gây ồn ào về điều này là can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh".
Việc Trung Quốc đưa nhiều vũ khí ra các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa làm dấy lên lo ngại quốc gia này sắp sửa đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Song theo Reuters, một quan chức quốc phòng Việt Nam đã khẳng định với hãng tin này rằng Hà Nội đã chuẩn bị tất cả phương án đối phó, bao gồm cả việc một bên tuyên bố thiết lập ADIZ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận