10/12/2014 09:07 GMT+7

Mỹ tăng cường an ninh sau công bố báo cáo tra tấn

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Các cơ sở của Mỹ trên khắp thế giới được tăng cường bảo vệ trong ngày công bố báo cáo về việc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng các biện pháp tra tấn tù nhân gây nhiều tranh cãi.

Người biểu tình ở Yemen trong một lần bao vây đòi phá rào tòa đại sứ Mỹ - Ảnh: Reuters
Người biểu tình ở Yemen trong một lần bao vây đòi phá rào tòa đại sứ Mỹ - Ảnh: Reuters

Xác quyết cho việc báo cáo được chờ đợi nhiều tháng qua này được công bố vào tối 10-12 (giờ Việt Nam), Nhà Trắng tuyên bố đây là bước đi cần thiết để “người Mỹ và người dân khắp thế giới biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra”.

Siết chặt an ninh

Khi chúng ta sử dụng một số kỹ thuật thẩm vấn mà người đứng đắn đều xem đó là tra tấn thì tức là chúng ta đã vượt qua lằn ranh rồi
Tổng thống Mỹ BARACK OBAMA

Quyết định đó được những người ủng hộ xem là hành động dũng cảm, thể hiện được tính minh bạch. Nhưng những người phản đối vẫn giữ lập trường rằng nó gây hại nhiều hơn vì làm mất uy tín CIA và làm kích động sự báo thù ở một số tổ chức cực đoan.

Thật sự là an ninh đã được siết chặt tại toàn bộ các cơ sở, văn phòng của Mỹ trên toàn thế giới trong ngày công bố báo cáo tra tấn của CIA - kết quả của ba năm (2009-2012) điều tra tỉ mỉ của một ủy ban Thượng viện Mỹ.

“Một số dấu hiệu cho thấy việc công bố báo cáo có thể dẫn đến nguy cơ lớn hơn đối với các cơ sở và cá nhân người Mỹ trên toàn cầu” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest.

Tuy nhiên, ông Earnest khẳng định điều quan trọng là để người Mỹ thấy rõ những gì đã xảy ra.

Các nguồn tin tình báo cấp cao cũng cho biết các cơ quan tình báo của Mỹ đã bí mật nhận thông báo về khả năng xảy ra phản ứng bạo lực ở nước ngoài. Lầu Năm Góc cũng yêu cầu các chỉ huy quân sự tăng cường biện pháp bảo vệ binh lính và các căn cứ của Mỹ đóng ngoài nước Mỹ.

Báo cáo tường thuật chi tiết các vụ tra khảo phiến quân trong chiến dịch chống khủng bố của CIA sau sự kiện 11-9-2001.

Reuters dẫn nguồn các quan chức liên quan nhận định những biện pháp tra khảo nhằm mục đích lấy thông tin hữu dụng nhưng lại vượt quá giới hạn cho phép của Nhà Trắng và luật sư của cơ quan tư pháp thời chính quyền cựu tổng thống George Bush, người đã cho phép thực hiện chương trình.

Reuters cho biết phải mất nhiều năm để hoàn thành báo cáo do nhiều tranh cãi về việc có nên công bố hay không.

Không đáng

Reuters cho biết Abdel Rahman al Nashiri, thành viên cấp cao của tổ chức khủng bố al Qaeda và là nghi can chủ mưu vụ đánh bom tàu USS Cole của Mỹ năm 2000, từng bị dọa tra khảo bằng khoan điện. Dù vậy Nashiri chưa bao giờ bị tra tấn bằng khoan.

Báo cáo cũng cho biết ít nhất một tù nhân bị dọa tra khảo tình dục bằng cán chổi. Ngoài ra, một số nhục hình khác gồm nhấn nước, đánh đập, chửi bới, giam ngoài trời lạnh... cũng từng được áp dụng với khoảng 100 kẻ khủng bố bị giam giữ tại các nhà tù bí mật của CIA bên ngoài nước Mỹ.

Cựu tổng thống Bush đã cắt giảm chương trình tra khảo sau khi hết nhiệm kỳ và Tổng thống Barack Obama ngay sau khi nhậm chức năm 2009 đã cấm các biện pháp tra khảo nhục hình.

Kết luận của Ủy ban tình báo, cơ quan tổng hợp báo cáo, cho rằng các biện pháp tra khảo nhục hình không hề thu được thông tin tình báo quan trọng nào mà các biện pháp thẩm vấn phi cưỡng bức khác không làm được.

Báo cáo cũng khẳng định CIA đã che đậy việc sử dụng nhục hình với Nhà Trắng, cơ quan tư pháp và các ủy ban giám sát thuộc Quốc hội, AP dẫn lời một số quan chức đã đọc qua báo cáo.

Tổng thống Obama cho biết dù các biện pháp nhục hình có giúp thu được nhiều thông tin, “việc sử dụng các kỹ thuật này không đáng bởi những tổn hại cho giá trị quốc gia và ý nghĩa của những điều người Mỹ tin tưởng”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói.

Tổng thống Mỹ giải thích việc dùng nhục hình có thể là do các quan chức sau sự kiện 11-9 đã chịu sức ép lớn nhằm ngăn Mỹ bị tấn công lần nữa.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên