Phóng to |
Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Trung Phi - Ảnh: Reuters |
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, Đại sứ quán Mỹ ở Bangui hiện đã ngưng hoạt động và đại sứ cùng các nhân viên khác đã rời Trung Phi vào ngày 27-12 (theo giờ địa phương).
Ông khẳng định Mỹ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Trung Phi, nhưng cảnh báo công dân Mỹ không nên đến quốc gia này trong thời gian xảy ra bất ổn.
“Quyết định này hoàn toàn do mối lo ngại về sự an toàn của các nhân viên của chúng tôi, không liên quan gì đến mối quan hệ ngoại giao bền vững và lâu dài của chúng tôi với Trung Phi”, ông Ventrell nói.
Phóng viên BBC tại Bangui cho biết người dân thủ đô đang tích trữ lương thực do lo ngại quân nổi dậy - liên minh Seleka, có thể tấn công trong vài ngày tới.
Trước đó hôm 23-12, liên minh này đã chiếm giữ thành phố phía bắc Bambari, thành phố lớn thứ ba Trung Phi, sau khi chiếm khu vực giàu quặng kim cương quanh Bria.
Tổng thống Trung Phi Francois Bozize đã đề nghị Mỹ và Pháp giúp ngăn bước tiến của quân nổi dậy. Tuy nhiên Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Paris sẽ không can thiệp.
Ông khẳng định nếu có quân Pháp ở Trung Phi - thuộc địa cũ của họ, thì “đó không phải để bảo vệ một chế độ nào”, mà là để bảo vệ công dân Pháp và quyền lợi của nước Pháp.
Hôm 26-12, người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Pháp tại Bangui, cáo buộc Paris bỏ rơi họ. Sau vụ tấn công, Pháp đã tăng cường an ninh cho sứ quán. Hiện nước này có khoảng 200 binh sĩ đóng căn cứ ở Trung Phi.
Liên minh Seleka, vốn được thành lập từ ba nhóm vũ trang khác nhau, bắt đầu nổi dậy vào tháng trước sau khi cáo buộc Tổng thống Trung Phi Francois Bozize không thực hiện thỏa thuận hòa bình năm 2007, theo đó những người nổi dậy từ bỏ vũ khí sẽ được chính phủ trả tiền.
Liên minh này thề sẽ lật đổ ông Bozize trừ khi ông thương lượng với họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận