27/06/2018 10:35 GMT+7

Mỹ sẽ tân trang tàu chiến để đạt chỉ tiêu 'hiện đại hóa'?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Hơn 1 năm sau cam kết xây dựng lực lượng hải quân 355 tàu chiến mặt nước của Tổng thống Trump, Hải quân Mỹ vẫn chưa tìm ra cách để có được ngần ấy số tàu trước năm 2050. Trong lúc đó, Trung Quốc đã bắt đầu vượt lên...

Mỹ sẽ tân trang tàu chiến để đạt chỉ tiêu hiện đại hóa? - Ảnh 1.

Tuần dương hạm USS Shiloh (CG-57) lên ụ khô bảo dưỡng - Ảnh: USNI

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ thống trị các đại dương bằng "những tàu chiến đẹp đẽ", nhiều người vẫn tin rằng đó là những tàu chiến hoàn toàn mới. Viễn cảnh đó đang ngày càng lùi xa bởi thực tế quá tốn kém và việc người ta bắt đầu rẽ sang hướng đi khác.

Quyền quyết định ngân sách vẫn nằm ở Quốc hội Mỹ. Theo tính toán của Văn phòng ngân sách Quốc hội, để có thể hoàn thành mục tiêu 355 tàu vào năm 2032, mỗi năm cần chi từ 24 tới 33 tỉ USD và từ 23 tới 26 tỉ mỗi năm cho mốc 2050.

Không đủ ngân sách

Có nhiều vấn đề khiến Hải quân Mỹ khó nhận đủ số tiền như trên. Bắt đầu từ chuyện siêu tàu sân bay được quảng bá là hiện đại nhất thế giới thuộc lớp Ford vẫn chưa hoạt động ổn định, bất chấp chi phí chế tạo đã đội lên gấp đôi, tiếp đó là việc lớp tàu chiến đấu ven bờ (LCS) hoạt động kém hiệu quả so với kỳ vọng. 

Các tai nạn trong năm 2017 khiến người ta đặt câu hỏi về trình độ của những người vận hành các cỗ máy chiến tranh phức tạp.

Tuy nhiên, có một lối thoát cho chuyện này: kéo dài thời gian hoạt động và nâng cấp các tàu chiến sẵn có, bao gồm cả tàu đã bị loại biên nhưng chưa bị tháo dỡ. 

Sẽ như thế nào nếu các tàu LCS hoạt động tới 35 năm thay vì quy trình 25 năm sẽ loại biên như hiện tại, hay các tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp được nâng lên 53 năm thay vì 40 năm? 

Hải quân Mỹ sẽ có đủ số lượng tàu như tổng thống Trump mong muốn vào năm 2032, vượt kế hoạch những 20 năm!

Tàu chiến đấu ven bờ USS Sioux City sắp gia nhập Hải quân Mỹ - Nguồn: LOCKHEED MARTIN

Điều này không phải chưa từng xảy ra. Những năm 1980, kế hoạch 600 tàu của Tổng thống Ronald Reagan từng vấp phải sự nghi ngờ về tính khả thi. 

Rốt cuộc, ông ta đã chứng minh rằng con số đó là có thể và đã làm được chỉ trong vòng một thập kỷ, bằng cách đưa trở lại biên chế những thiết giáp hạm thuộc lớp Iowa, vốn đã có từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo ý của Phó Đô đốc Mỹ Thomas Moore, đã tới lúc người Mỹ nên nhìn vào các nước khác và cân nhắc việc sử dụng lại các tàu chiến cũ đã nâng cấp.

Về mặt kỹ thuật, theo ông Moore, các hệ thống vũ khí trên những tàu khu trục lớp Arleigh Burke hay tuần dương hạm lớp Ticonderoga đều có độ tin cậy hoạt động trong thời gian dài. Chẳng hạn hệ thống chiến đấu và chỉ huy Aegis, hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk.41.

"Tôi nghĩ điều các bạn cần biết là chúng tôi đang có ý định rất nghiêm túc về việc kéo dài niên hạn sử dụng của các tàu chiến hiện nay thêm 5 tới 10 năm nữa", Phó đô đốc Thomas Moore chia sẻ hồi đầu tháng 6 này.

Kế hoạch đưa trở lại biên chế và nâng cấp xem ra có vẻ sẽ giúp ngân sách Mỹ tiết kiệm nhưng nó vẫn cần nhận được cái gật đầu của các nghị sĩ, vốn vẫn chưa thật sự ngã ngũ.

Tàu Trung Quốc sẽ nhiều gấp đôi Mỹ

Trong lúc Hải quân Mỹ vẫn đang loay hoay, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu vươn lên. Aegis - điều mà người Mỹ luôn tự hào và chia sẻ với các đồng minh, đã không còn là độc nhất. 

Bắc Kinh tự hào có những tàu chiến mới được lắp đặt "Aegis Trung Hoa", đi cùng với đó là các tàu hộ vệ cỡ nhỏ được chế tạo liên tục.

Một tính toán gần đây cho thấy nếu cứ tiếp tục tốc độ đóng tàu "như gà đẻ trứng", Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân 600 tàu vào năm 2050, bỏ xa con số 355 tàu của Mỹ. 

Đặc điểm hệ thống chính trị Trung Quốc và ý chí cá nhân mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là yếu tố quyết định trong tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc.

Dù có những ý kiến ủng hộ kế hoạch tăng tiền đóng mới tàu chiến, có những ý kiến tại Quốc hội Mỹ cho rằng đầu tư vào hải quân quá nhiều sẽ làm suy yếu những lực lượng khác. Cơ quan lập pháp Mỹ gần đây đã buộc Hải quân Mỹ phải chấp thuận việc tiếp tục sử dụng các tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

Nói như một nhà quan sát, xem ra Tổng thống Trump vẫn cần một cái cớ hợp lý và thuyết phục hơn để có được hạm đội như ông mong muốn.

Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng Trung Quốc đang học Mỹ trở thành ‘cường quốc biển’ Trung Quốc đang học Mỹ trở thành ‘cường quốc biển’ Đáng lo với đội tàu chiến đóng mới của Hải quân Trung Quốc Đáng lo với đội tàu chiến đóng mới của Hải quân Trung Quốc
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên