19/10/2015 09:29 GMT+7

Mỹ sẽ sớm điều tàu tới Biển Đông

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)

TT - Hôm qua, tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, đại diện Malaysia thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép. Các nguồn tin tiết lộ quân đội Mỹ đang chuẩn bị triển khai tàu chiến tới tuần tra trên Biển Đông.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị - Ảnh: Bảo Trung
Đoàn đại biểu Việt Nam tại Diễn đàn Hương Sơn - Ảnh: Bảo Trung

Theo Reuters, trước các quan chức và chuyên gia quốc phòng các nước tại Diễn đàn Hương Sơn, tướng Zulkefli Mohd Zin, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Malaysia, chỉ trích mạnh mẽ hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là “khiêu khích”.

Tướng Zulkefli Mohd Zin mô tả các đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp trên Biển Đông là “đảo đồn trú” và là “hành vi khiêu khích vô cớ”.

Các quan chức Trung Quốc trấn an rằng đảo nhân tạo phục vụ mục tiêu dân sự trên Biển Đông. Tuy nhiên tướng Zulkefli Mohd Zin cho rằng “chỉ có thời gian mới có thể trả lời Trung Quốc có ý đồ gì”.

Cùng thời điểm đó, Hãng tin Kyodo News (Nhật) dẫn một số nguồn tin từ Washington tiết lộ Chính phủ Mỹ đã thông báo cho các nước Đông Nam Á việc hải quân nước này sẽ đưa tàu chiến tới tuần tra Biển Đông.

Quyết tâm của Mỹ

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ sẽ sớm triển khai tàu chiến tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới quan sát nhận định dù trước đó các quan chức quốc phòng Mỹ đã tiết lộ kế hoạch này, nhưng việc chính quyền Tổng thống Barack Obama thông báo cho các nước Đông Nam Á qua kênh ngoại giao cho thấy Washington quyết liệt phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc.

Báo Japan Times dẫn lời ông Daniel Kritenbrink thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết chính quyền Obama đã bật đèn xanh cho hải quân tuần tra ở vùng 12 hải lý quanh một hoặc vài đảo nhân tạo bất hợp pháp. Đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chính thức tuyên bố vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là lãnh hải.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Graham Webster thuộc Trường Luật Yale cảnh báo ý đồ của Trung Quốc là “thay đổi hiện trạng trên biển” trong khi tránh công khai những đòi hỏi trái với luật pháp quốc tế.

Chủ trương của Mỹ có thể là dùng chiến dịch tuần tra trong vùng 12 hải lý để ép Trung Quốc công khai các đòi hỏi chủ quyền vô lý này và chúng sẽ bị cộng đồng quốc tế dùng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), phản bác.

Chuyên gia Webster kêu gọi Mỹ hợp tác với nhiều đối tác an ninh, đặc biệt là các nước đã ký UNCLOS, để tuần tra trên Biển Đông nhằm gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc.

Âm mưu hải đăng

Dù vậy, các chuyên gia quốc tế cảnh báo hải quân Mỹ khi tiếp cận các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông sẽ phải tính toán cẩn trọng để đối phó với hai ngọn hải đăng khổng lồ Bắc Kinh mới khánh thành ở đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Washington từng khẳng định hải đăng không ảnh hưởng đến hoạt động trên biển và trên không của hạm đội 7 của hải quân Mỹ tại các vùng biển quốc tế.

Hải quân nhiều nước cũng không còn phụ thuộc vào hải đăng nhưng trong nhiều trường hợp, việc sử dụng là bắt buộc. Các chuyên gia, nhà ngoại giao và hải quân các nước đều nhận định quân bài hải đăng là đòn độc Trung Quốc dùng để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Reuters dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đánh giá đó là một phần chiến lược “thay đổi thực trạng” của Trung Quốc. Mục tiêu là khẳng định chủ quyền thông qua việc “ép các nước khác công nhận quyền tài phán của Trung Quốc bằng chính hành động của mình”.

“Nếu hải quân và tàu thuyền các nước, kể cả Mỹ, buộc phải sử dụng các hải đăng, hành động đó có thể suy diễn là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc” - ông Storey giải thích. Cựu chuyên gia tình báo hải quân Anh Trevor Hollingsbee thì đánh giá quân bài hải đăng là “bước đi nham hiểm” của Trung Quốc.

“Công dụng của hải đăng đang ngày càng giảm, nhưng sẽ có lúc việc sử dụng chúng là không thể tránh khỏi, và điều này cũng áp dụng với các nhà hàng hải ở Biển Đông” - ông Hollingsbee lo ngại.

Tại Diễn đàn Hương Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tiếp tục giọng điệu lung lạc rằng các hải đăng sẽ giúp cải thiện an toàn trên Biển Đông. Ông này cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục xây nhiều cơ sở trên các đảo nhân tạo.

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên