Binh sĩ Mỹ lên máy bay vận tải C-17 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, tháng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cắt giảm 1/3 trong tổng số 36.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Đức.
Động thái này của Mỹ nhằm hiện thực hóa những bức xúc lâu nay của ông Trump, cho rằng Đức đã không đóng góp công bằng ngân sách quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại.
"Chúng tôi giảm bớt lực lượng vì họ không thanh toán các khoản chi phí của họ; chuyện rất đơn giản", ông Trump giải thích như vậy với báo giới ngày 29-7 tại Nhà Trắng về sự việc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper không giải thích việc rút bớt quân khỏi Đức theo cách đó.
Ông Esper cho biết kế hoạch "chiến lược" của quân đội Mỹ sẽ khiến việc điều động binh sĩ không gây tổn hại cho NATO cũng như các nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào châu Âu.
Trong số 12.000 binh sĩ rút khỏi Đức, khoảng 5.400 người dự kiến sẽ ở lại châu Âu và tới đồn trú tại Ý và Bỉ. Ngoài ra, trụ sở điều hành của lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu cũng sẽ được di dời từ Stuttgart (Đức) sang Bỉ.
Những người không ở lại châu Âu sẽ về lại Mỹ, số này khoảng 6.400 người, song vẫn sẽ được điều động luân phiên trong các đợt triển khai tạm thời sau này tới châu Âu mà không đưa theo gia đình.
Một số quân nhân có thể được điều động tới Ba Lan và các nước vùng Baltic nếu Washington có thể đạt được thỏa thuận với họ về việc này, hãng tin AFP dẫn lời bộ trưởng Markk Esper.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng chỉ một lượng nhỏ các đơn vị hiện đại sẽ dời đi sớm, còn những bộ phận khác sẽ phải mất nhiều năm nữa để thực hiện xong hoàn toàn kế hoạch di dời, một phần vì khoản chi phí liên quan lên tới nhiều tỉ USD.
Dù vậy, việc Mỹ rút quân khỏi Đức vẫn là động thái chỉ trích đáng kể của Mỹ với một trong những đồng minh quân sự và đối tác thương mại thân thiết nhất.
Thủ hiến của 4 bang của Đức có lính Mỹ đồn trú đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ ngăn chặn quyết định rút quân của ông Trump. Họ chỉ trích quyết định đó có động cơ chính trị chứ không phải mang tính chiến lược.
Dù vậy, cũng theo Reuters, kể từ sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, số lính Mỹ ở Đức cũng đã giảm dần ổn định từ khoảng 200.000 quân. Nếu thực hiện hoàn tất kế hoạch rút quân nói trên, Mỹ sẽ còn duy trì khoảng 24.000 quân tại Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận