29/12/2020 14:57 GMT+7

Mỹ phẩm Hàn hết long lanh vì dịch COVID

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Ngành công nghiệp mỹ phẩm một thời thịnh vượng của Hàn Quốc dường như đã ngày một sa sút trong đại dịch COVID-19. Làm việc từ xa thì nhu cầu trang điểm cũng giảm đi nhanh chóng, chưa kể mất đi những du khách hào phóng.

Mỹ phẩm Hàn hết long lanh vì dịch COVID - Ảnh 1.

Mỹ phẩm từng là ngành công nghiệp ăn nên làm ra của Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Chủ tịch tập đoàn mỹ phẩm Amorepacific Suh Kyung Bae từ vị trí người giàu thứ hai Hàn Quốc, nay đã tuột xuống chỉ còn trong Top 10.

Từ 8 tỉ USD vào năm 2017, khối tài sản của ông Suh nay chỉ còn 3,6 tỉ USD. Cổ phần trong tập đoàn Amorepacific chiếm phần phần lớn tài sản của ông Suh. Cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm hơn 40% kể từ mức cao hồi giữa tháng 1.

Một thời hưng thịnh

Amorepacific là công ty mẹ của những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Innisfree, Laniege và Sulwhasoo. Hãng đã đối diện với nhiều khó khăn ngay từ trước đại dịch.

Thế nhưng, dịch COVID-19 đã tạo ra cả một phong cách sống mới với hàng loạt giới hạn về đi lại, nhanh chóng đẩy mỹ phẩm ra khỏi ưu tiên trong đời sống thường ngày của phụ nữ.

Ngành công nghiệp làm đẹp đang ăn nên làm ra của Hàn Quốc bị cú "gió đảo chiều" trong ngày một ngày hai.

Theo hãng tư vấn Samjong KPMG, trong giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp ngoại đã chi ít nhất 215 triệu USD để thâu tóm các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc.

Trong 5 năm sau đó, quốc gia Đông Á trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm làm đẹp đứng thứ 4 thế giới. Con số 215 triệu USD từ đó phình lên 5 tỉ USD, đó là chưa tính các khoản giao dịch không được công bố.

Chẳng hạn Estée Lauder đã thực hiện thương vụ mua lại một thương hiệu mỹ phẩm châu Á đầu tiên vào tháng 11-2019. Đó là công ty Hàn Quốc Have & Be Co, được biết đến với dòng sản phẩm Dr. Jart+.

Thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD trên đã biến nhà sáng lập Have & Be Co, ông Chin Wook Lee, thành một tỉ phú.

Sao đổi ngôi

Đại dịch ập đến như cơn sóng thần quét đi gần như tất cả/ Các lệnh giãn cách xã hội và yêu cầu làm việc từ xa đã đẩy nhu cầu trang điểm đi xuống, đồng thời buộc các cửa hàng lần lượt đóng cửa.

Hãng nghiên cứu thị trường Mintel dự đoán doanh số bán lẻ mỹ phẩm ở Mỹ, thị trường lớn thứ ba của hàng xuất khẩu Hàn Quốc, sẽ giảm hơn 7% trong năm 2020.

Hơn thế, Hàn Quốc cũng đối mặt với việc mất dòng du khách "chịu chi" từ Trung Quốc, cũng như các tiểu thương chuyên mua hàng tại các gian miễn thuế, vì biên giới đóng cửa.

Cùng lúc đó, khách hàng Trung Quốc cũng ngày một dễ tiếp cận hơn với các thương hiệu thế giới khác. Ngay cả thị trường mỹ phẩm nội địa của Trung Quốc cũng ngày một nhộn nhịp, theo báo Straits Times.

Dù vậy, một lớp tỉ phú mới của Hàn Quốc đang nổi lên. Nhà sáng lập hãng dược Celltrion, ông Seo Jung Jin, là một trong số đó. Nhờ hoạt động phát triển phương pháp điều trị COVID-19 của hãng, khối tài sản của ông Seo đã tăng gần gấp ba trong năm nay lên 14,6 tỉ USD,

Nay, ông là người giàu đứng thứ hai tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc đối diện phong tỏa vì COVID-19 Hàn Quốc đối diện phong tỏa vì COVID-19

TTO - Chính quyền Hàn Quốc đang cân nhắc kế hoạch siết chặt hơn các quy định giãn cách xã hội cuối tuần này khi những biện pháp đang áp dụng hiện nay dường như chưa đủ để ngăn chặn làn sóng bùng phát đại dịch mới.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên