13/03/2019 13:23 GMT+7

Mỹ phá vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Gần 50 người giàu có và nổi tiếng, bao gồm cả ngôi sao Hollywood, đã ra tòa hôm 12-3 do liên quan đến đường dây 'chạy' vào các trường đại học danh tiếng trị giá nhiều triệu USD.

Mỹ phá vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Felicity Huffman phải ra tòa dành cho các bị cáo liên quan đến vụ bê bối chạy trường đại học quy mô toàn quốc ra tòa lần đầu ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 12-3 - Ảnh: REUTERS

Theo các công tố viên, đứng đầu đường dây là một trường đại học nhỏ có trụ sở tại Newport Beach, bang California. 

Họ đưa tiền hối lộ cho các huấn luyện viên, làm giả các kết quả thi và thậm chí làm giả các bức ảnh, trong đó những học sinh không giỏi về thể thao xuất hiện như là những vận động viên đầy tiềm năng nhằm đánh bóng hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện được nhận vào các trường đại học lớn.

William "Rick" Singer, 58 tuổi, đã nhận tội ngày 12-3 đối với các tội danh tống tiền, rửa tiền và cản trở công lý. 

Khi giới thiệu dịch vụ của mình với khách hàng, Singer nói ngắn gọn: "Những gì chúng tôi làm là giúp các gia đình giàu có nhất nước Mỹ đưa con cái họ vào đại học".

Mỹ phá vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử - Ảnh 2.

William "Rick" Singer rời tòa án liên bang sau phiên xử án ngày 12-3 ở Boston, Massachusetts, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Dịch vụ trá hình có tên Mạng lưới Đại học và nghề nghiệp Edge (Edge College & Career) đã thu phí với mỗi học sinh từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD dưới danh nghĩa đóng góp cho một tổ chức từ thiện giả mạo do Singer điều hành.

Một trong các mánh khóe mà Singer tư vấn các phụ huynh là nói dối với giám thị, viện dẫn lý do con họ bị một số vấn đề khiếm khuyết liên quan đến học tập để các em có thêm thời gian làm bài khi thi kiểm tra. Họ cũng đưa con đi thi ở hai trung tâm mà công ty của Singer chi phối, một ở Houston, Texas, và một ở West Hollywood, California.

Các giám thị tại các trung tâm này bị cáo buộc đã nhận hàng chục ngàn USD để giúp khách hàng của Singer gian lận, chủ yếu bằng cách sửa những câu trả lời sai hoặc nhờ người khác làm bài kiểm tra. Singer sẽ thống nhất trước với cha mẹ về số điểm họ muốn con mình đạt được.

Singer cũng giúp cha mẹ học sinh dàn dựng để chụp hình con cái họ chơi thể thao hoặc sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để ghép mặt các học sinh trong hợp đồng vào hình ảnh các vận động viên trên Internet để thổi phồng thành tích về thể thao.

Trong hầu hết trường hợp, học sinh đã không biết cha mẹ đã lo việc này, mặc dù trong một số ít trường hợp khác các em đồng ý tham gia. Không ai trong số những học sinh trên bị buộc tội tại phiên tòa ngày 12-3.

Theo công tố viên, huấn luyện viên Rudolph Meredith, một trong những người bị tố đã nhận 400.000 USD từ Singer, cũng sẽ nhận tội. Người này đã xin thôi việc sau 24 năm làm huấn luyện viên đội bóng đá nữ.

John Vandemoer, một cựu huấn luyện viên của ĐH Stanford về đua thuyền có hợp tác với Singer, đã nhận tội âm mưu tống tiền trong ngày 12-3.

Đối diện 20 năm tù 

Andrew Lelling, một luật sư tại Boston, cho biết những phụ huynh liên quan đến đường dây thuộc hàng giàu có và có nhiều đặc quyền.

Xuất hiện ở tòa án Los Angeles ngày 12-3, diễn viên Huffman, nổi tiếng với vai diễn trong phim truyền hình "Desperate Housewives", là một trong số khoảng 20 bị cáo.

Chồng của nữ diễn viên Huffman, diễn viên William H. Macy, được biết đến với vai diễn trong bộ phim "Fargo" và phim truyền hình ăn khách "Shaming" cũng ngồi ở hàng ghế đầu của tòa án.

Thẩm phán Alexander MacKinnon cho phép bà Huffman được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250.000 USD trước khi phải tham dự phiên tòa tiếp theo ngày 29-3 ở Boston. 

Theo tường thuật của tạp chí Forbes, bà Huffman nhờ dịch vụ của Singer để đảm bảo cho hai con gái của họ vào đại học. Họ thực hiện dịch vụ với cô con gái lớn nhưng sau đó đổi ý và không tiếp tục dịch vụ của Singer với người con út.

Mỹ phá vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử - Ảnh 3.

Phóng viên túc trực trước trụ sở tòa nhà liên bang sau phiên xử án ngày 12-3 ở Los Angeles, California, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters trích email của Thom Mrozek, người phát ngôn của văn phòng luật sư, tiết lộ nhiều khả năng tất cả bị cáo đều được bảo lãnh tại ngoại.

Ông Mossimo Giannulli, một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng với nhãn hiệu "Mossimo", được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD và diễn viên Loughlin, nổi tiếng trong loạt phim "Full House" và phần tiếp theo "Fuller House" chiếu trên Netflix, cũng ngồi ghế bị cáo.

Đến nay, công tố viên đã công bố tên của của 33 phụ huynh, 13 huấn luyện viên và đối tác liên doanh với dịch vụ "đen" của Singer.

Nếu bị kết án, người chủ mưu và các phụ huynh đã trả tiền cho dịch vụ có thể bị phạt đến 20 năm tù.

Cơ quan chức năng cũng không can thiệp với các trường hợp đã được nhận vào học qua dịch vụ đánh bóng hồ sơ mà để các trường tùy ý xử lý.

Đại học Yale và Đại học Nam California (USC) cho biết họ đã hợp tác với các nhà điều tra.

Theo thẩm phán, âm mưu gian lận được thực hiện từ năm 2011 và một số học sinh đã được vào các trường ĐH Texas, ĐH Georgetown, ĐH Wake Forest và ĐH California ở Los Angeles (UCLA).

Vụ án này là bê bối mới nhất trong một loạt vụ việc gây chấn động liên quan đến tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu.

Năm 2016, College Board, nơi quản lý các bài kiểm tra SAT, gặp sự cố vi phạm an ninh làm lộ hàng trăm câu hỏi dự kiến cho các bài kiểm tra. 300 điều tra viên đã được huy động tham gia khám phá vụ án có tên "Nỗi buồn trường đại học" trên toàn nước Mỹ.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên