Các lãnh đạo thế giới đã hiểu ra rằng không thể quay lưng hoặc giải quyết nửa vời vấn đề ở Syria - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng sẽ tăng cường các nỗ lực xóa bỏ IS và ngăn chặn các vụ tấn công tương tự như ở Paris (Pháp).
Nhà Trắng cho hay ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp kéo dài 35 phút hôm 15-11 bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Gạt bỏ những bất đồng, theo AFP, lần đầu tiên ông Obama đã lên tiếng thúc giục ông Putin tập trung vào việc chiến đấu chống IS ở Syria.
Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về sự cần thiết có một sự chuyển tiếp chính trị ở Syria và cho rằng các cuộc tấn công cuối tuần qua ở Paris khiến điều này trở nên cấp bách hơn.
Hội nghị cấp cao kéo dài hai ngày ở nơi chỉ cách biên giới Syria 500km đã đem các nhà lãnh đạo thế giới lại với nhau. Cuộc xung đột ở Syria kéo dài bốn năm rưỡi qua đã biến IS thành một mối đe dọa toàn cầu và gây ra làn sóng di cư lớn nhất đến châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhất trí về chiến lược, bất đồng về chiến thuật
Ông Obama miêu tả các vụ tấn công hôm 13-11 ở Paris là một cuộc tấn công vào thế giới văn minh và nói rằng Mỹ sẽ cùng Pháp truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ này.
“Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi nỗ lực, hợp tác với các thành viên khác trong liên minh, đem lại một sự chuyển tiếp hòa bình ở Syria và xóa bỏ IS, một lực lượng đem lại quá nhiều đau thương cho Paris, Ankara và những nơi khác trên thế giới” - ông Obama phát biểu.
Theo Reuters, ông Obama và ông Putin đã hội đàm trong bữa trưa và cả hai đã nhất trí về sự cần thiết của một cuộc chuyển tiếp chính trị cho Syria, bao gồm các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian và việc ngừng bắn.
Trong khi đó, điện Kremlin cho hay hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga đã hội đàm liên quan đến nhiều vấn đề rộng lớn.
“Trên nguyên tắc, các mục tiêu chiến lược liên quan đến việc chiến đấu chống IS là rất giống nhau nhưng còn có những bất đồng về mặt chiến thuật” - cố vấn chính sách đối ngoại của điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết.
Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga gặp nhau kể từ khi Matxcơva phát động chiến dịch không kích ở Syria. Nga khẳng định việc không kích nhằm vào IS nhưng Mỹ và phương Tây nghi ngờ mục đích chính của Nga là nhắm vào phe nổi dậy đang muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cũng bên lề Hội nghị G20, ông Putin nói với Thủ tướng Anh David Cameron rằng Nga và Anh nên phối hợp nỗ lực chống khủng bố.
“Chúng ta nên hợp tác cùng nhau. Tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể thảo luận về điều đó và Syria” - ông Cameron đáp lại. Hôm qua, Thủ tướng Cameron cũng cho biết London sẽ tăng nhân viên tình báo lên 15% và chi gấp đôi cho an ninh hàng không để ngăn chặn các âm mưu tấn công của IS.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói ông hoan nghênh việc tái khởi động tìm kiếm các giải pháp cho cuộc chiến ở Syria sau vụ khủng bố ở Paris. Ông Ban cho rằng thế giới đang có cơ hội ngoại giao trong một khoảnh khắc hiếm hoi nhằm chấm dứt xung đột.
Pháp tăng cường không kích
Động thái của Pháp ngay sau vụ khủng bố ở Paris là cho máy bay chiến đấu oanh tạc các điểm trọng yếu của IS ở Syria hôm 15-11.
Đây được coi là sự đáp trả đầu tiên của Pháp sau vụ khủng bố. AFP dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Pháp cho hay các cuộc không kích đã phá hủy một cơ sở chỉ huy của IS, một trung tâm tuyển mộ, một kho đạn và một trại huấn luyện chiến binh ở Raqa.
Chiến dịch này được thực hiện với sự phối hợp của lực lượng Mỹ với hơn 10 máy bay xuất kích từ Jordan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trước đó, Tổng thống Pháp François Hollande đã gọi vụ tấn công ở Paris là hành động chiến tranh và tuyên bố sẽ đáp trả IS không nhân nhượng.
Theo Reuters, ông Obama cũng đang muốn thuyết phục các nước châu Âu và Trung Đông có các động thái rõ ràng hơn để thể hiện cam kết quân sự của mình.
Ông cũng đã gặp Quốc vương Salman của Saudi Arabia và thảo luận về sự cần thiết trong việc hỗ trợ phe đối lập ở Syria và Chính phủ Iraq trong việc đánh IS. Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong việc điều phối các nỗ lực củng cố biên giới với Syria.
AFP dẫn bản dự thảo tuyên bố đặc biệt của Hội nghị G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nói các nhà lãnh đạo thế giới đã nâng báo động về dòng chiến binh khủng bố nước ngoài đang tăng lên.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết chia sẻ thông tin tình báo, theo dõi các cửa khẩu biên giới và tăng cường an ninh hàng không để ngăn chặn sự di chuyển của các chiến binh thánh chiến.
Hội nghị APEC cũng nói về khủng bố Hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Philippines để chuẩn bị dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Giới quan sát cho rằng ông Obama có thể sẽ thảo luận vấn đề Syria, Iraq và IS với các nhà lãnh đạo châu Á. AFP dẫn lời chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định: “Các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei đều có những mối quan ngại thật sự về việc công dân nước mình sang Syria và Iraq tham chiến cùng IS rồi hồi hương. Sau Paris, hầu hết các nước châu Á sẽ nhìn vào sự dẫn đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Điều này sẽ nhấn mạnh vai trò an ninh toàn cầu của Mỹ”. Trong khi đó, mấy ngày qua Manila đã cho tăng cường an ninh cao hơn ở thủ đô để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn đại biểu đến dự Hội nghị APEC. Giới chức nước này cho biết đến nay chưa có thông tin tình báo nào cho thấy sẽ có một cuộc tấn công tại hội nghị, nhưng khoảng 30.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội đã được triển khai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận