Xe
24/10/2024 08:58 GMT+7

Mỹ mở lối cho 'taxi bay'

Lần đầu tiên kể từ khi trực thăng xuất hiện trên thị trường vào thập niên 1940, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) giới thiệu một loại máy bay dân dụng mới có tên gọi 'powered-lift'.

Mỹ mở lối cho 'taxi bay' - Ảnh 1.

Một chiếc eVTOL của Công ty Joby Aviation trong một sự kiện tại căn cứ không quân Edwards ở bang California (Mỹ) vào tháng 9-2023 - Ảnh: Bloomberg

Hôm 22-10, FAA công bố quy định mới dài 880 trang đối với loại máy bay cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng "powered-lift". Quy định này được coi như "mảnh ghép cuối cùng" hướng tới việc cho phép những chiếc taxi bay bắt đầu hoạt động trên bầu trời.

Loại máy bay thứ ba

Máy bay powered-lift (tạm dịch: nâng thẳng đứng bằng lực) là loại kết hợp các đặc điểm của cả máy bay và trực thăng, có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng giống như trực thăng nhưng sử dụng cánh cố định để bay ngang. Những chiếc máy bay này sẽ dùng cho nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm taxi bay (air taxi), giao hàng, cứu hộ...

Trong phần tóm tắt về quy định dài 880 trang, FAA nêu rõ: "Quy định cuối cùng này thông qua các sửa đổi vĩnh viễn và thông qua Quy định hàng không liên bang đặc biệt (SFAR) trong thời hạn 10 năm để tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận cho phi công lái loại máy bay powered-lift, làm rõ các quy tắc vận hành áp dụng cho các hoạt động liên quan đến máy bay powered-lift, và hoàn thiện các sửa đổi khác cần thiết để tích hợp máy bay powered-lift vào Hệ thống không phận quốc gia (NAS)".

"Trong 80 năm qua, chúng ta có hai loại máy bay là rotor (cánh quạt) và cánh cố định. Bây giờ chúng ta có loại thứ ba (máy bay powered-lift)" - người đứng đầu FAA Mike Whitaker nói.

Theo ông Whitaker, FAA hiện nay nhấn mạnh vào vấn đề an toàn khi nỗ lực đưa loại máy bay mới vào không phận Mỹ. Việc hoàn thiện quy định dành cho máy bay powered-lift mở đường cho dịch vụ taxi bay thương mại. Thời gian qua nhiều công ty đã nỗ lực đưa taxi bay ra thị trường, nhưng họ bị cản bước do thiếu các quy định quản lý rõ ràng.

SFAR sẽ có hiệu lực trong 10 năm - khoảng thời gian mà ông Whitaker cho biết FAA sẽ thu thập dữ liệu và thực hiện các điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Joby Aviation - một trong những công ty thuộc lĩnh vực mới này có trụ sở tại bang California - đã hoan nghênh quy định của FAA. Ông JoeBen Bevirt, giám đốc điều hành của công ty, đánh giá quy định này "sẽ đảm bảo Mỹ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc phát triển và áp dụng các chuyến bay sạch".

Taxi bay giúp tránh tắc đường

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực máy bay điện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) sẽ được hưởng lợi từ quy định trên, trong bối cảnh họ hy vọng có thể triển khai dịch vụ taxi bay phục vụ những hành khách muốn tránh tắc đường.

Joby Aviation, Archer Aviation và Wisk là một vài trong số các công ty đang có kế hoạch ra mắt dịch vụ taxi bay thương mại bằng eVTOL trong vài năm tới. Chẳng hạn Joby cho biết họ có loại taxi bay bằng điện có thể chở 4 hành khách và 1 phi công với tốc độ lên tới 200 dặm/giờ (hơn 320 km/h).

Những người ủng hộ taxi bay gọi chúng là giải pháp thay thế sạch hơn cho các máy bay chở khách sử dụng nhiên liệu phản lực. Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại, loại máy bay mới đang có sự hạn chế về kích thước và chỉ phổ biến ở các khu vực đô thị. Các công ty mong đợi taxi bay sẽ chở cả người và hàng hóa.

Hiện nay không có máy bay powered-lift nào đang hoạt động thương mại tại Mỹ, vì phải mất nhiều năm để các công ty có được giấy chứng nhận cần thiết từ FAA.

Supernal, công ty trực thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai của Hàn Quốc, hy vọng có thể ra mắt dịch vụ taxi bay của họ vào năm 2028, gồm cả tại thành phố Los Angeles vốn thường xuyên tắc nghẽn giao thông.

Các hãng hàng không coi taxi bay cũng là một giải pháp đưa khách đến sân bay. Hồi năm 2022, Hãng bay Delta Air Lines cho biết sẽ đầu tư 60 triệu USD vào Công ty Joby. Tháng 10 năm nay, Toyota đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Joby.

Trong khi đó, Hãng hàng không United Airlines đang ủng hộ một công ty khác có trụ sở tại California là Archer Aviation, với đơn đặt hàng 200 máy bay có thể trị giá 1 tỉ USD.

Ông Sam Graves, dân biểu Mỹ và hiện là chủ tịch Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng tại Hạ viện Mỹ, nhận định: "Việc FAA đưa ra quy định SFAR đúng thời hạn, như đã nêu trong Đạo luật tái ủy quyền FAA năm 2024, là minh chứng cho sự lãnh đạo hiện nay của FAA".

"Khi bạn thêm một loại máy bay mới vào không phận, sẽ luôn có những vấn đề phức tạp, nhưng chúng ta cần phải làm điều này một cách kịp thời. Chúng ta cần phải làm điều đó một cách an toàn, và đó chính là mục tiêu" - ông nhấn mạnh.

Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ

Người đứng đầu FAA Mike Whitaker thừa nhận quy định SFAR không giải quyết cụ thể những thách thức trong quá trình vận hành taxi bay bằng điện, chẳng hạn như việc bay vào những điều kiện có thể xảy ra đóng băng. Ông giải thích những máy bay này sẽ phải tuân theo "cùng một bộ quy tắc áp dụng cho tất cả hoạt động hàng không".

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận vẫn là rào cản lớn đối với các start-up muốn thương mại hóa eVTOL trong thập niên này. Tính khả thi của các mô hình kinh doanh đó lại là một câu hỏi khác. "Một trong những thách thức với phương tiện di chuyển trên không tiên tiến là chúng ta không biết mô hình kinh doanh đó sẽ đi về đâu" - ông Whitaker nói.

Mỹ mở lối cho 'taxi bay' - Ảnh 2.Hàn Quốc ra mắt 'taxi bay', bay 20 phút 300 USD

Dịch vụ 'taxi bay' được kỳ vọng giúp giảm thời gian di chuyển và an toàn hơn so với giao thông công cộng truyền thống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên