Thu hoạch bông tại Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Chính quyền Mỹ ngày 15-9 đã áp lệnh hoãn xuất kho (WRO) hàng may mặc, bông và đồ điện tử của 5 công ty có trụ sở tại Tân Cương (Trung Quốc).
"Đây không phải là WRO đầu tiên mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, và tôi có thể hoàn toàn tự tin rằng đây cũng không phải những lệnh cấm cuối cùng" - quyền cục trưởng Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) Mark Morgan nhấn mạnh ngày 15-9 và cho biết sẽ tiếp tục các cuộc điều tra, ám chỉ danh sách công ty bị áp WRO sẽ còn kéo dài.
41 là số lệnh WRO mà Mỹ đã áp xuống các công ty Trung Quốc kể từ năm 1991, chỉ có 10 lệnh trong số này được thu hồi toàn bộ hoặc một phần. WRO dựa trên Đạo luật thuế quan năm 1930, nhằm chống buôn người, lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Có thể bị tịch thu, tiêu hủy
Theo CBP, các hàng hóa bị xếp vào dạng WRO có nguy cơ bị tịch thu và tiêu hủy nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và không phải do lao động cưỡng bức làm ra.
Thông báo của CBP nêu rõ lệnh WRO sẽ được áp dụng cho tất cả sản phẩm bông được "sản xuất và chế biến" bởi Công ty bông và vải lanh Tân Cương Junggar, quần áo của Công ty sản xuất hàng may mặc Yili Zhuowan, Công ty thương mại và kinh doanh Baoding LYSZD và tất cả các sản phẩm được làm ra tại Trung tâm Giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề số 4 ở huyện Lop, khu tự trị Tân Cương.
Các sản phẩm bị hạn chế khác bao gồm linh kiện máy tính do Công ty công nghệ thông tin Hefei Bitland ở tỉnh An Huy sản xuất, các sản phẩm tóc được sản xuất tại Khu công nghiệp sản phẩm tóc huyện Lop. Phía Mỹ cáo buộc những công ty, đơn vị bị nêu tên đã sử dụng lao động là tù nhân và người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng ép làm việc trái với ý muốn.
"Đây không phải là một trung tâm dạy nghề mà là một trại tập trung, một nơi mà những người theo các tôn giáo thiểu số, các dân tộc ít người bị ngược đãi và buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và không có tự do. Đó là chế độ nô lệ thời hiện đại" - quyền thứ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Ken Cuccinelli nhắc tới Trung tâm Giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề số 4.
Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của "các trại tập trung" người Duy Ngô Nhĩ và khẳng định đây là những trung tâm đào tạo nghề nghiệp, văn hóa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15-9 nhấn mạnh "cái gọi là lao động cưỡng bức chỉ là sự bịa đặt của một số cá nhân, tổ chức ở Mỹ lẫn phương Tây" và "hành động của Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu".
Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng?
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ dường như đã tạm hoãn áp lệnh cấm tất cả sản phẩm bông và cà chua có nguồn gốc từ Tân Cương, trước những lo ngại trong chính quyền. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đã lên tiếng cảnh báo ảnh hưởng của lệnh cấm như vậy tới chuỗi cung ứng.
Báo New York Times trước đó nhận xét nếu lệnh cấm bông Tân Cương được áp đặt, nhiều nước khác sẽ bị ảnh hưởng do Trung Quốc là nước xuất khẩu bông hàng đầu thế giới. Khoảng 85% bông của Trung Quốc được sản xuất tại Tân Cương.
Một báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố tháng 7 năm nay nhận định nếu Mỹ áp lệnh cấm bông và hàng may mặc Tân Cương vì sử dụng lao động cưỡng bức, các nước Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng trước nhất. Trong số 7 nước nhập khẩu sợi bông nhiều nhất từ Trung Quốc năm 2018, Đông Nam Á có tới 3 nước.
Bà Amy Lehr, giám đốc và thành viên cấp cao của Sáng kiến nhân quyền thuộc CSIS, nhận định việc ban hành tới 5 WRO trong một ngày là một động thái đáng chú ý, báo hiệu sẽ có nhiều động thái mở rộng và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Một giám đốc công ty may mặc Trung Quốc tiết lộ đặc trưng của chuỗi cung ứng may mặc là sự mơ hồ và phân mảnh.
"Bạn có thể mua vải để may quần áo nhưng vải đó từ đâu thì khó mà biết. Các công ty thường giấu kín vì sợ đối thủ cạnh tranh trực tiếp" - báo South China Morning Post dẫn lời ông này hé lộ.
Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Hiện Việt Nam là nước nhập khẩu bông đứng thứ hai trên thế giới, với 65% sản lượng nhập từ Mỹ, 15% Ấn Độ và 10% từ châu Phi mà không nhập từ Trung Quốc. Tuy vậy, chúng ta lại là nước xuất khẩu sợi với 65% sang Trung Quốc, còn lại 35% tiêu thụ trong nước, nhưng vừa qua có tới 50% lượng xuất giảm bởi ảnh hưởng chiến tranh thương mại cũng như dịch bệnh.
Vùng trồng bông tại Tân Cương (Trung Quốc) cung cấp tới 80% nguyên liệu sản xuất ra sợi để làm thành vải may. Tại đây có những sản phẩm cực kỳ cao cấp để sử dụng cho may các sản phẩm chất lượng cao như kimono của Nhật Bản. Do đó, nếu Mỹ tung đòn cấm vận với sản phẩm bông của Tân Cương (mặc dù trong phạm vi hẹp - PV) cũng ảnh hưởng rất lớn, vì đây là đòn kỹ thuật rất cao.
Mỗi năm Việt Nam đang có nhu cầu 10 tỉ m3 vải nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 3,5 tỉ m3 vải, còn lại 6,5 tỉ m3 được nhập, trong đó 65% nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, trước mắt những doanh nghiệp dệt may đầu tư tại Việt Nam, các công ty mua bán nguyên liệu sẽ bị tác động.
Doanh nghiệp có thể đưa ra giải pháp bằng việc tìm nguồn thay thế vải nhập từ Trung Quốc bằng vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... nhưng cũng không thể hoàn toàn thay thế được vì Trung Quốc vẫn là công xưởng sản xuất vải quy mô lớn, sản lượng cung cấp quá lớn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - VCOSA)
Ngọc An ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận