Tổng thống Mỹ Joe Biden; Al Bukamal (thị trấn gần biên giới Syria - Iraq mà theo một số báo cáo truyền thông có xuất hiện các vụ nổ do không kích) và sân bay quốc tế Erbil ở thành phố Erbil (giữa, nơi xảy ra vụ tấn công rocket hôm 15-2) - Ảnh: Dailymail/AP, Getty Images
Truyền thông quốc tế ngày 26-2 đồng loạt đưa tin Mỹ đã tiến hành các vụ không kích nhắm vào nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria hôm 25-2, để trả đũa các vụ tấn công nhắm vào người Mỹ ở Iraq. Vậy cụ thể Mỹ tấn công ở đâu, bằng vũ khí gì, lý do chọn cách tấn công này...?
Theo John F. Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tán thành kế hoạch tấn công trên để phản ứng với vụ tấn công rocket ở Iraq và những mối đe dọa liên tục đối với nhân viên Mỹ và liên quân trong khu vực.
Hôm 15-2, một vụ tấn công bằng rocket nhắm vào sân bay ở Erbil, miền bắc Iraq, khiến 1 nhà thầu người Philippines làm việc cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu thiệt mạng và khiến 6 người khác bị thương, trong đó có 1 lính Vệ binh quốc gia bang Louisiana và 4 nhà thầu Mỹ.
Theo báo New York Times, các quan chức Mỹ cho biết vụ không kích này có quy mô khá nhỏ, được thực hiện kỹ lưỡng. Các cuộc không kích diễn ra khoảng 18h ngày 25-2 theo giờ Washington D.C (khoảng 2h sáng 26-2 theo giờ miền đông Syria).
Phía Mỹ thả 7 quả bom 500 pound (mỗi quả nặng hơn 225kg) xuống một khu nhỏ gồm nhiều tòa nhà ở khu vực cửa khẩu không chính thức nằm ở biên giới Syria - Iraq, nơi thường được dùng để buôn lậu vũ khí.
Đài Al Jazeera dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết 7 quả bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) này được máy bay tiêm kích Mỹ thả xuống, trúng 7 mục tiêu.
Vị trí diễn ra vụ tấn công rocket ở Erbil hôm 15-2 (trên) và vụ không kích trả đũa của Mỹ ở biên giới Syria - Iraq ngày 25-2 - Đồ họa: New York Times
Vụ không kích được thực hiện ở phần biên giới của Syria để tránh các vấn đề ngoại giao với Chính phủ Iraq. Các quan chức Mỹ nói rằng lúc đầu Lầu Năm Góc đề xuất không kích các nhóm mục tiêu lớn hơn, nhưng sau đó ông Biden chỉ duyệt phương án với quy mô nhỏ hơn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John F. Kirby cho biết vụ không kích của Mỹ hôm 25-2 “đã phá hủy nhiều cơ sở tại điểm chốt kiểm soát biên giới được nhiều tay súng dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng, gồm nhóm Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada".
Còn Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết hơn chục tay súng thân Iran đã thiệt mạng, 3 xe tải chở vũ khí bị phá hủy cùng nhiều thiệt hại khác.
Ông Kirby cho biết cuộc tấn công trả đũa của Mỹ nhằm trừng phạt những thủ phạm tiến hành vụ tấn công bằng rocket, nhưng không làm gia tăng sự thù địch với Iran. "Chúng tôi đã hành động theo một cách thận trọng nhằm xuống thang tình hình chung ở cả miền đông Syria và Iraq" - ông Kirby giải thích.
Michael P. Mulroy, cựu quan chức hàng đầu phụ trách chính sách Trung Đông của Lầu Năm Góc, đánh giá các cuộc không kích có quy mô hạn chế này dường như nhằm gửi đi tín hiệu rằng: Việc Iran sử dụng các nhóm dân quân làm lực lượng ủy nhiệm sẽ không giúp họ tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm vì tấn công người Mỹ.
Thời điểm và vị trí diễn ra vụ tấn công cũng đáng chú ý. “Quyết định tấn công Syria thay vì Iraq có thể để tránh gây ra vấn đề với Chính phủ Iraq, một đối tác quan trọng trong những nỗ lực liên tục chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thật khôn ngoan khi tấn công ở Syria và tránh phản ứng tiêu cực ở Iraq" - ông Mulroy đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận