Logo Kaspersky tại một gian hàng triển lãm ở Barcelona (Tây Ban Nha) tháng 3-2022 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 25-3, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) giải thích động thái mới "sẽ giúp bảo vệ mạng của Mỹ khỏi các mối đe dọa do các thực thể được nhà nước Trung Quốc và Nga hậu thuẫn, vốn đang tìm cách tham gia vào hoạt động gián điệp".
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc việc chạy phần mềm Kaspersky có thể đặt các máy tính của Mỹ vào tầm ngắm của tin tặc Chính phủ Nga. Washington đã cấm các sản phẩm chống virus máy tính hàng đầu của Kaspersky khỏi các thiết bị liên bang vào năm 2017.
Kaspersky, công ty có trụ sở tại Matxcơva, luôn phủ nhận việc họ là một công cụ của Chính phủ Nga.
Theo Hãng tin Reuters, FCC không giải thích thêm lý do đưa Kaspersky vào danh sách đen. Trước đó danh sách này chỉ gồm các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE và Kaspersky là công ty Nga đầu tiên bị đưa vào danh sách này.
FCC không xác nhận nhưng cũng chẳng phủ nhận các yếu tố thời sự tác động đến quyết định này, chẳng hạn Nga tấn công Ukraine hoặc những cảnh báo gần đây của Tổng thống Joe Biden về các cuộc tấn công mạng tiềm tàng của Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong thông cáo phát cùng ngày 25-3, Kaspersky thể hiện sự thất vọng về quyết định của FCC, cho rằng nó "được đưa ra trên cơ sở chính trị" và không đánh giá toàn diện về các sản phẩm của công ty.
Trong diễn biến khác có liên quan, báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ chính quyền Biden đang cân nhắc trừng phạt các công ty cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho quân đội, tình báo Nga.
Phần lớn các công ty có khả năng bị trừng phạt đã nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Mỹ, theo Reuters. Lệnh trừng phạt có thể sẽ được công bố sớm nhất vào tuần tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận