Máy bay ném bom tầm xa B-52 của Mỹ trong lần bay trên khu vực biển Đông - Ảnh: LẦU NĂM GÓC
Đài CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Chris Logan cho hay 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần quần đảo Trường Sa.
Ông Logan cho biết 2 máy bay ném bom B-52 thời điểm trên bay cách quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam 32 km.
Trung tá Logan nói rằng hai máy bay ném bom này thời điểm đó đang tham gia "nhiệm vụ huấn luyện thường lệ", cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ đến cơ sở hỗ trợ hải quân trên đảo Diego Garcia, thuộc lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương.
Vị quan chức Lầu Năm Góc cho biết hoạt động này nằm một phần trong nhiệm vụ "Hiện diện oanh tạc cơ liên tục (CBP)" của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, mà theo ông là để duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng quân sự Mỹ.
Trung tá Logan nhấn mạnh các nhiệm vụ nằm trong CBP "được tiến hành thường xuyên kể từ tháng 3-2004, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Hai "pháo đài bay" B-52 được điều đến gần quần đảo Trường Sa chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng việc Trung Quốc triển khai trái phép các hệ thống vũ khí tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông là để "hăm dọa và ép buộc" các nước khác trong khu vực.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis cũng nói rõ Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò giám sát, đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó không lâu, trung tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Tham mưu liên quân Mỹ, ngày 31-5 thậm chí cảnh báo Mỹ có kinh nghiệm "xóa sổ" các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Ảnh chụp tháng 10-2017 cho thấy các công trình trái phép Trung Quốc xây ở phía bắc đá Subi. 1) Các kho chứa ngầm dưới lòng đất; 2) Các cơ sở cảm biến và liên lạc; 3) Cầu cảng di động dùng để bốc dỡ hàng hóa; 4) Trạm radar cao tần; 5) Một trong 4 công sự phòng thủ - Ảnh: CSIS/AMTI
Trong một động thái nhằm thách thức việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, hôm 27-5, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Phú Lâm, Linh Côn, và Tri Tôn. Các thực thể này thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép.
Không ngạc nhiên khi hành động của Mỹ thời điểm đó ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Việc Mỹ đưa tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo do Trung Quốc kiểm soát đồng nghĩa Washington bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris - cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), hôm 30-5 nhận định rằng Trung Quốc là "mối đe dọa dài hạn lớn" ở châu Á.
"Nếu không có sự can thiệp, can dự có trọng tâm của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa giấc mộng bá chủ của họ tại châu Á" - ông Harris cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận