07/03/2019 13:42 GMT+7

Mỹ cảnh báo khi Ý định gia nhập 'Vành đai và con đường'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Mỹ cảnh báo việc Ý gia nhập sáng kiến 'Vành đai và con đường' của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh quốc tế của Rome trong khi Ý không có được lợi ích kinh tế nào.

Mỹ cảnh báo khi Ý định gia nhập Vành đai và con đường - Ảnh 1.

Mỹ cảnh báo hình ảnh quốc tế của Ý sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này gia nhập BRI - Ảnh: Bloomberg

Hôm 6-3, báo Financial Times tường thuật Ý đang tham gia đàm phán một thỏa thuận sơ bộ để gia nhập sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI) của Trung Quốc nhằm tăng cường trao đổi thương mại.

Trước động thái trên, Mỹ đã phát cảnh báo tới quốc gia châu Âu này. 

"Chúng tôi xem BRI là sáng kiến ‘được làm ra bởi Trung Quốc và dùng cho Trung Quốc", ông Garrett Marquis, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố.

Ông Garrett Marquis nói rằng BRI sẽ không mang lại lợi ích kinh tế cho Ý và có thể ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh quốc tế của Rome.

Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng Ý đang đối mặt trước "nhiều áp lực" từ Trung Quốc để ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) về việc gia nhập BRI. Đây là bước đầu tiên hướng tới việc Ý chấp nhận các khoản đầu tư hạ tầng của Trung Quốc.

Ông Michele Geraci, thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ý, nói rằng việc ký kết dự kiến sẽ diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm Ý vào ngày 22 và 23-3.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy không có sự đồng nhất trong chính phủ Ý về vấn đề này, một quan chức khác của Ý lại đưa ra cảnh bảo về kế hoạch trên.

"Mạng 5G và việc tiếp cận cơ sở hạ tầng là các vấn đề thuộc về an ninh quốc gia - vốn phải được đánh giá cẩn thận. Vào lúc này, tôi không nghĩ chúng ta nên xúc tiến việc ký kết", Thứ trưởng Ngoại giao Ý Guglielmo Picchi viết trên Twitter.

Mỹ cảnh báo khi Ý định gia nhập Vành đai và con đường - Ảnh 2.

Một hải cảng tại Gioia Tauro, miền nam nước Ý - Ảnh: NEW YORK TIMES

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hồi năm 2013, mà theo mô tả là để kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu, và châu Phi thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhà máy năng lượng cùng các dự án hạ tầng khác.

Ý rơi vào khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2018 và đây là lần thứ ba xảy ra khủng hoảng như vậy trong vòng 1 thập niên qua. Chính phủ nước này đang nỗ lực tìm cách cải thiện nền kinh tế.

Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã ký MoU gia nhập sáng kiến BRI của Trung Quốc, trong đó có Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Hi Lạp, Malta, Ba Lan và Bồ Đào Nha.

Nếu Ý cũng đồng ý ký kết, nước này sẽ là thành viên đầu tiên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 gia nhập BRI. Các thành viên hiện tại của G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

Báo New York Times nhận định động thái của Ý chắc chắn khiến giới chức Mỹ và các nhà lãnh đạo EU kinh ngạc, đồng thời có thể gây sự chia rẽ trong quan hệ giữa Ý và các đồng minh.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ra tuyên bố chỉ trích BRI, nói rằng các dự án dưới sáng kiến này "gần như chắc chắn được dùng cho việc tịch thu tài sản để thế nợ".

'Vành đai và con đường' hụt hơi tại ASEAN

TTO - Sự kiện Chính phủ Malaysia ngày 26-1 thà chấp nhận bồi thường để hủy dự án đường sắt 20 tỉ USD của nhà thầu Trung Quốc còn hơn phải gánh khoản lãi vay tới cả trăm triệu USD/năm khiến dư luận thế giới và nhất là ASEAN đặc biệt quan tâm.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên