26/09/2018 14:37 GMT+7

Đối trọng mới của 'Vành đai, con đường'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Mỹ chuẩn bị thành lập cơ quan mới có vốn đầu tư lên tới 60 tỉ USD tại các nước đang phát triển nhằm ngăn chặn cái mà Washington mô tả là chiến lược dùng nợ để phát động 'chiến tranh kinh tế' của Trung Quốc.

Đối trọng mới của Vành đai, con đường - Ảnh 1.

Cảng biển Doraleh của Djibouti, các thượng nghị sĩ Mỹ lo ngại Trung Quốc rốt cuộc sẽ giành được quyền kiểm soát cảng biển này - Ảnh: AFP

Một động thái được cho là sự tái tổ chức lớn nhất trong vòng 50 năm qua của hoạt động cho vay thương mại của Mỹ với các nước đang phát triển đang được xúc tiến.

Công ty đầu tư tư nhân hải ngoại (gọi tắt là OPIC, từ năm 1979 hoạt động như một đơn vị thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế của Mỹ) sẽ chuyển đổi thành một cơ quan mới và được phép đầu tư ra nước ngoài theo hình thức cổ phần với mức đầu tư lên tới 60 tỉ USD.

Chính phủ Mỹ sẽ "đỡ đần" doanh nghiệp?

Ông Ray Washburne - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành OPIC, nêu quan điểm với tờ Financial Times của Anh, nơi đầu tiên phát đi thông tin về kế hoạch thành lập cơ quan mới của Mỹ - rằng bằng cách sử dụng "các chương trình cho vay để sở hữu", Trung Quốc đang "tạo ra nhiều quốc gia chịu xiềng xích nợ nần".

Cũng theo người đứng đầu OPIC, với việc tăng lên hơn gấp đôi mức giới hạn cho vay, đạt 60 tỉ USD, và cho phép cơ quan này đầu tư vào cổ phần, cơ quan mới sẽ có vị thế tương đương với các tổ chức tài chính phát triển khác của châu Âu (gọi tắt là các DFI).

Hiện tại OPIC vẫn chỉ được đầu tư vào nợ mà chưa được đầu tư vào cổ phần, điều này khiến họ kém lợi thế cạnh tranh so với các DFI của châu Âu.

Bà Riva Levinson - chủ tịch KRL, hãng tư vấn về các thị trường mới nổi có trụ sở tại Washington - hi vọng dự luật thành lập cơ quan mới sẽ được Thượng viện phê chuẩn trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11.

"Đây là nỗ lực thực tế đầu tiên thừa nhận Chính phủ Mỹ cần hỗ trợ các công ty của họ trên mặt trận thương mại tại các nước đang phát triển. Bởi vì (Chính phủ) Trung Quốc đang hỗ trợ hoàn toàn việc này" - bà nói.

Theo các nguồn tin của Financial Times, dự kiến OPIC sẽ được tái cơ cấu trở thành công ty mới có tên Công ty Tài chính phát triển quốc tế với hai mục tiêu chính: trở thành lực lượng xung kích trong đầu tư ở lĩnh vực kinh tế tư nhân và ngăn chặn cái gọi là "chính sách ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.

Dự luật liên quan có tên chính thức "Sử dụng tốt hơn các khoản đầu tư cho phát triển" đã được thông qua tại Hạ viện trong tháng 8 vừa qua, với sự ủng hộ của cả hai đảng, trong đó có những đồng minh thân thiết của Tổng thống Trump như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

Lo ngại với "bẫy nợ" Trung Quốc

Cũng phải nói thêm là trong tháng 8, 16 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để phàn nàn việc Quỹ Tiền tệ quốc tế đã phải cho các nước đang vướng bẫy nợ của Trung Quốc vay tiền, hầu hết những nước này đều liên quan tới chính sách cho vay phát triển hạ tầng liên quan sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Bức thư cũng bày tỏ lo ngại trước việc khoản cho vay của Trung Quốc với Cộng hòa Djibouti ở vùng Sừng châu Phi có thể giúp Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát cảng biển chiến lược của nước này.

Năm ngoái Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại của họ tại Djibouti trên Biển Đỏ. Theo tạp chí The Economist, trong hai năm qua, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Djibouti vay hơn 1,4 tỉ USD. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Djibouti.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều nước vay nợ Trung Quốc cũng đã bắt đầu ngờ vực về các điều khoản và chính sách cho vay của Bắc Kinh. Tháng 6 năm nay, Malaysia tạm dừng các dự án trị giá 22 tỉ USD do Trung Quốc rót vốn để đánh giá lại các điều khoản thỏa thuận về tài chính.

Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI)

Theo tạp chí Times, BRI gồm các dự án đầu tư dự kiến tổng trị giá khoảng 900 tỉ USD, mặc dù nhiều hãng truyền thông thế giới nói quy mô BRI là 1.000 tỉ USD.

Năm 2015, Trung Quốc đã chuyển 82 tỉ USD cho 3 ngân hàng nhà nước của họ để phục vụ các dự án BRI.

Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với sứ mệnh trước tiên là rót vốn cho các dự án BRI với số vốn ban đầu 100 tỉ USD. BRI liên quan tới 65% dân số thế giới và 40% GDP toàn cầu.

Tổng giá trị thương mại thường niên của Trung Quốc với các nước tham gia BRI đã vượt qua 1.400 tỉ USD.

Vành đai, con đường chậm nhịp Vành đai, con đường chậm nhịp

TTO - Sau thời gian được tích cực quảng bá và ồ ạt triển khai, một số dự án lớn trong sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) của Trung Quốc đang bị các quốc gia sở tại xem xét lại.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên