09/04/2025 15:55 GMT+7

Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp chuyển hướng, tính kế tìm đến 'gã khổng lồ' mới Ấn Độ, Trung Đông...

Việc đa dạng thị trường và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông... là vấn đề đang được các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ lúc này để ứng phó lệnh áp thuế của Mỹ lên tới 46%.

Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp chuyển hướng, tính kế tìm đến 'gã khổng lồ' mới Ấn Độ, Trung Đông... - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Việt - Ảnh: N.KH.

Trưa 9-4 (giờ Việt Nam), lệnh áp thuế đối ứng của Mỹ với cả thế giới chính thức có hiệu lực, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump không đưa bất kỳ mức giảm nào và cũng không có ngoại lệ.

Các cuộc đàm phán vẫn đang để ngỏ phía trước, trong khi Việt Nam là một trong những nước chịu áp thuế ở mức cao với 46%, đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc hoạt động để giảm bớt thiệt hại từ việc áp thuế.

Có thể vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu như năm 2024?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tuấn Việt, giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến xuất khẩu VIETGO - đơn vị chuyên tư vấn và kết nối đơn hàng xuất khẩu cho các nhà mua hàng và doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng vẫn còn những dư địa để doanh nghiệp có thể xoay chuyển tình hình khi Mỹ chính thức áp thuế 46% với hàng Việt Nam.

Phân tích thêm, ông nói năm 2024 kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ là 119 tỉ USD. Với mục tiêu tăng trưởng trên 10%, dự kiến năm nay kim ngạch sẽ đạt trên 135 tỉ USD, nếu không có lệnh áp thuế từ Mỹ. Cũng bởi, trên thực tế, hết quý 1-2025 kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đã đạt hơn 31 tỉ USD, tương đương tăng 10%.

Lệnh áp thuế của Mỹ được nhìn nhận ở nhiều góc độ tiêu cực khi Việt Nam là một trong những nước bị áp thuế cao nhất, cao hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên ông Việt cho rằng ngay tại thời điểm này, các nhà mua hàng chưa thể chuyển hướng thị trường, đặc biệt khi việc áp thuế trên diện rộng có thể gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

"Các nhà mua hàng chưa thể tìm ngay được nhà cung cấp để thay thế trong chuỗi cung ứng. Việc giao thương và thỏa thuận nhanh nhất cũng phải mất từ 2-3 tháng, nên ít nhất trong một quý tới chúng ta vẫn có được kim ngạch nhất định ở thị trường Mỹ, dự kiến đạt được khoảng 15-20 tỉ USD. Trong thời gian từ nay đến cuối năm, chúng ta cần nhanh chóng chuyển hướng và tìm đối sách ứng phó trong dài hạn" - ông Việt phân tích.

Theo vị chuyên gia này, với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay là 10-12%, tức tăng tương đương thêm 50 - 60 tỉ USD kim ngạch, thì dù thị trường Mỹ có bất lợi trong năm nay, Việt Nam vẫn có thể giữ vững được kim ngạch ít nhất bằng với năm ngoái. Chưa kể, nhìn ở góc độ tích cực thì còn rất nhiều thị trường để mở rộng khai thác, chứ không chỉ "trông chờ" vào thị trường Mỹ.

Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp chuyển hướng, tính kế tìm đến 'gã khổng lồ' mới Ấn Độ, Trung Đông... - Ảnh 3.

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường mới - Ảnh: T.T.D.

Nhanh chóng mở rộng thị trường, tìm đối sách dài hơi

Là đơn vị kết nối giao thương cho doanh nghiệp xuất khẩu khi mỗi tháng nhận được 1.200 - 1.500 đơn hàng, ông Việt chỉ ra thực tế hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đang quan tâm nhiều đến các thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU...

Trong khi đó, nhiều thị trường tỉ dân, quy mô tiêu dùng lớn với tiêu chuẩn không cao như Ấn Độ, Trung Quốc hay Trung Đông... lại chưa được chú ý nhiều.

Theo ông, đây là những "gã khổng lồ" ăn khỏe của thế giới, khi riêng hai nước như Ấn Độ và Trung Quốc có tới 3 tỉ dân, chiếm 45% dân số toàn cầu. Hai thị trường này cũng không đặt ra nhiều rào cản thương mại, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, ngoại trừ Trung Quốc yêu cầu về mã số vùng trồng.

Cùng đó, một số nước như Thái Lan, Myanmar vừa qua gặp động đất, nên nhu cầu tái thiết đất nước sẽ mở ra cơ hội đơn hàng cho nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng, đồ nội thất, đồ gỗ, lương thực thực phẩm, hàng dệt may, tiêu dùng... Việt Nam có thỏa thuận thương mại với các nước này trong ASEAN, nên sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt mở rộng thêm thị trường.

Ngoài ra, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cũng dự kiến có chuyển biến tích cực hơn, có thể kết thúc vào cuối năm nay. Do đó, nhu cầu tái thiết cũng mở ra những đơn hàng lớn, với quy mô lên tới 400 - 500 tỉ USD mà Việt Nam có thể cung cấp một phần trong số này với những lĩnh vực có thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ và nội thất, thủy hải sản, nông sản...

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - cũng cho biết việc Mỹ áp thuế khiến nhiều doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại chiến lược thị trường và cơ cấu sản phẩm để giảm phụ thuộc vào một thị trường.

Cùng với việc đưa ra những giải pháp công nghệ, tối ưu sản xuất để duy trì và củng cố năng lực cạnh tranh, thay vì chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, nhiều doanh nghiệp cũng tính toán đến xu hướng "thị trường kép".

Tức là ngày càng có nhiều doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị trường sang khu vực khác (EU, Nhật Bản, Trung Đông,…) để phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó nhiều doanh nghiệp đã từng bước thiết lập hoặc mở rộng đối tác tại các thị trường tiềm năng, thay vì chỉ tập trung vào Mỹ.

"Có doanh nghiệp coi đây là cơ hội tái cơ cấu bộ máy, chuẩn hóa quy trình theo các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cho thị trường châu Âu hoặc Nhật Bản. Có doanh nghiệp cũng tăng hợp tác với nhà cung cấp nội địa hoặc từ các đối tác thuộc khối FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nhờ vậy, chi phí nhập khẩu trung gian giảm, hạn chế biến động giá đầu vào để tăng sức cạnh tranh" - ông Quốc Anh cho hay.

Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp chuyển hướng, tính kế tìm đến 'gã khổng lồ' mới Ấn Độ, Trung Đông... - Ảnh 3.Thủ tướng: Hội nhập không chỉ có 'thảm đỏ và hoa hồng'

Thực tế đòi hỏi cần hội nhập sâu rộng, thực chất hiệu quả, đảm bảo độc lập tự chủ, không ỷ lại hay phụ thuộc bất cứ đối tác nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên