
Ông Trương Thanh Hoài, thứ trưởng Bộ Công Thương, tại buổi họp báo - Ảnh: DANH KHANG
Tại buổi họp báo chiều 6-4, phóng viên đặt câu hỏi về việc Mỹ đã công bố thuế đối ứng với Việt Nam. Mức thuế này sẽ tác động tới các ngành của Việt Nam thế nào và giải pháp ứng phó ra sao?
Ông Trương Thanh Hoài, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tác động từ mức thuế quan đối ứng 46% của Mỹ sẽ không tốt đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI, dịch vụ và lao động...
"Trong thời gian sắp tới xuất khẩu sẽ gặp nhiều thách thức", ông Hoài nhận định.
Trong đó có một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp như điện tử, dệt may da giày... "Nguyên nhân rất rõ, tăng thuế giá cả hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh sẽ kém đi, sức mua tiêu dùng Mỹ sẽ giảm", ông Hoài cho biết.
Đối với các hợp đồng đã ký kết, ông Hoài cho biết các doanh nghiệp Mỹ sẽ xem xét lại có việc tiếp tục thực hiện mua bán hàng hóa hay không.
Còn với hợp đồng mới, ông Hoài lo ngại sẽ "càng khó khăn". Dự kiến thuế đối ứng với Việt Nam vào Mỹ sẽ có hiệu lực từ 9-4 tới. Song Chính phủ đã có những giải pháp tích cực để tiếp xúc, trao đổi với phía Mỹ, kỳ vọng mang lại kết quả hài hòa với chúng ta.
Đặc biệt, hôm 4-4 vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.
Theo đó lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu từ Mỹ về 0%, đồng thời mong muốn Mỹ sẽ thực hiện tương tự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã lập tổ công tác ứng phó với điều chỉnh chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ.
Thời gian tới, tổ công tác sẽ giúp Thủ tướng theo dõi sát tình hình, chủ động tham mưu, thích ứng linh hoạt kịp thời, điều chỉnh chính sách phù hợp.
Về giải pháp để gỡ khó trước hàng rào thuế quan, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần tận dụng hiệu quả các thương mại tự do đã ký, đa dạng hóa chiến lược thị trường, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất trong nước...
Khi trao đổi ngay lúc mở đầu họp báo, ông Trần Văn Sơn - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - đã đề cập tới vấn đề thuế quan đối ứng từ Mỹ.
Cụ thể theo ông Sơn, Việt Nam đã sớm chủ động nhiều giải pháp giảm thuế, nhập hàng hóa, giải quyết các yêu cầu chính đáng phía doanh nghiệp Mỹ. Các bộ ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao.
Chính sách thuế quan Mỹ, ông Sơn cho biết, là thách thức không nhỏ với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên Thủ tướng trong cuộc họp sáng nay 6-4 đã nhấn mạnh không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đã đặt ra năm 2025.
Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài. Từ đó phát huy giải pháp sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, hiệu quả.
Mỹ áp thuế quan đối ứng thế nào?
Hôm 2-4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới. Thuế suất 10% sẽ được áp dụng lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ (hiệu lực từ ngày 5-4) và mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (có hiệu lực từ ngày 9-4).
Theo công bố, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, bị áp mức lên đến 46%. Ấn Độ chịu thuế vào Mỹ 26%, thấp hơn đáng kể so với mức của Việt Nam.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%).
Ngay sau khi mức thuế quan đối ứng được công bố, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua phiên giảm kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp quan ngại mức thuế mới sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam khi xuất vào Mỹ. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận