
Người lao động làm việc trong nhà máy may của Việt Tiến - Ảnh: VGG
Chiều 8-4, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến công bố tài liệu cho đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến tổ chức vào ngày 26-4.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Việt Tiến dự tính trình đại hội thông qua kế hoạch tổng doanh thu năm nay tăng nhẹ, ước đạt 9.800 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 9% (lên 330 tỉ đồng). Tỉ lệ chia cổ tức năm nay vẫn ở mức 30%, tương đương năm 2024.
Dần vươn đến nấc cao hơn trong chuỗi giá trị
Trong năm 2024, cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Tiến chủ yếu tập trung vào Mỹ (27%), Nhật Bản (19%) và EU (15).
Doanh nghiệp này định hướng xây dựng phương án hoạt động đa ngành nghề kinh doanh dịch vụ, lấy hoạt động may mặc làm chủ đạo. Ngoài việc tìm kiếm thêm khách hàng xuất khẩu, ban lãnh đạo Việt Tiến cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào hai khách hàng lớn là Nike và Uniqlo.
Ngoài ra, việc từng bước xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của Việt Tiến ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới sẽ được thực hiện.
Theo ban lãnh đạo công ty, "đến thời điểm thích hợp sẽ tổ chức sản xuất các đơn hàng ODM (thiết kế và sản xuất dưới thương hiệu của đối tác) và OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm mang thương hiệu riêng)". Đây là hai mô hình mang lại giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, Việt Tiến đặt kế hoạch giảm dần sản xuất các đơn hàng gia công, tập trung sản xuất các đơn hàng FOB, hình thức sản xuất phổ biến ở Việt Nam.
Theo mô hình FOB, doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng, mua nguyên phụ liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng lên tàu.
Các khâu tiếp theo như vận chuyển, phân phối, bán lẻ và hậu mãi do khách hàng (thường là các thương hiệu thời trang quốc tế) đảm nhiệm.
Năm nay, Việt Tiến sẽ tiếp tục tái cấu trúc một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao như Xí nghiệp ViMiKy, Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty TNHH May Việt Long Hưng, cũng như thoái vốn các đơn vị hoạt động không hiệu quả.
Việc giải phóng hàng tồn kho, tạm dừng hoạt động các cửa hàng không hiệu quả, tái cấu trúc việc bán hàng online cũng sẽ được thực hiện.
Không riêng Việt Nam bị áp thuế đối ứng
Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là cổ đông lớn nhất tại Việt Tiến.
Tại buổi sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1-2025 do Vinatex tổ chức sáng 3-4, ông Lê Tiến Trường, chủ tịch HĐQT, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp ngành may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2 và đang giao dịch cho quý 3-2025.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm nay, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao, hạn chế tác động nếu có từ chính sách thuế quan của Mỹ, còn đơn hàng quý 2 có xu hướng chững lại.
Mức thuế đối ứng 46% của Mỹ áp cho hàng hóa Việt Nam cao hơn so với các dự báo. Tuy nhiên, ông Trường cho rằng nếu so sánh mức chênh lệch giữa thuế đối ứng mới và thuế đang áp dụng cho sản phẩm dệt may, mức tăng chênh lệch này của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc và không quá lớn so với các quốc gia cạnh tranh khác.
"Doanh nghiệp dệt may cần phải bình tĩnh, bởi không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia sản xuất dệt may đều bị áp thuế đối ứng. Đồng thời, chúng ta phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ. Ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ" - ông Lê Tiến Trường nói.
Năm 2024, tổng số lao động bình quân tại Việt Tiến là hơn 4.300 người. Thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 12,5 triệu đồng/người. Theo kế hoạch, mức thu nhập bình quân của họ năm nay sẽ tăng 4%, lên 13 triệu đồng/người.
Tổng mức thù lao - lương - thưởng của HĐQT, ban tổng giám đốc và các cán bộ quản lý khác tại tổng công ty này năm vừa qua ở mức hơn 15,3 tỉ đồng (tăng hơn 12%).
Trong đó, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch HĐQT, là người có mức thù lao - lương - thưởng tăng gấp đôi so với năm 2023, lên hơn 2,2 tỉ đồng.
Mức thù lao - lương - thưởng của ông Bùi Văn Tiến, thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc, là hơn 2,3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận