Phóng to |
Nơi chúng tôi tìm đến đầu tiên là một nhà hàng bán món ăn VN ở trung tâm thủ đô London. Chủ nhà hàng là một người Việt, có quốc tịch Anh hẳn hòi, đã đến Anh gần 30 năm nay. Nhà hàng anh thuê khoảng 20 nhân viên, chủ yếu đến từ châu Á, với hơn phân nửa là người Việt. Những người này đến Anh bằng nhiều cách, hợp pháp lẫn không hợp pháp với một mục đích duy nhất là tìm cơ hội đổi đời ở mảnh đất được gọi là thiên đường của châu Âu.
Nhọc nhằn đời tha hương
Anh Nam, quê ở Nghệ An, kể anh đặt chân đến nước Anh bằng con đường bất hợp pháp qua ngả CH Czech và Pháp: “Gia đình tôi nghèo lắm, lại có bốn con nhỏ. Ở quê mùa màng thất bát hoài nên tôi vay mượn khoảng 150 triệu đồng để qua CH Czech lao động. Tôi làm việc ở CH Czech được bốn năm, rồi nghe mọi người nói về con đường bất hợp pháp đến Anh qua Pháp. Nghĩ về vợ và bốn con nhỏ ở nhà còn khổ quá nên tôi làm liều. Tôi trả 2.500 euro cho đường dây đưa mình đến Anh”.
Giàu nhờ làm ăn chân chính Tại Anh, chúng tôi cũng gặp không ít người Việt thành công nhờ làm ăn chân chính. Như gia đình anh Trần Văn Sử và chị Lê Thị Mỹ Lệ. Anh Sử đến Anh với đôi bàn tay trắng những năm đầu thập niên 1980, đã cùng vợ gầy dựng nên cơ ngơi đồ sộ với bốn nhà hàng bán món ăn Việt ở thủ đô London lúc nào cũng đông khách. Anh Sử cho biết: “Hầu hết người Việt đều cần cù làm ăn. Nhưng cũng có một số người hám lợi nên làm ăn phi pháp. Tuy nhiên, họ chỉ là một bộ phận nhỏ, không tiêu biểu cho phần lớn người Việt mưu sinh hợp pháp”. |
Phải đến lần vượt biên thứ tư, anh Nam mới đến được đất Anh. Anh kể lại: “Đó cũng là chuyến vượt biên nhớ đời của tôi. Tôi nằm trong thùng xe tải, chui vào cái túi nilông màu đen để máy quét của cảnh sát biên phòng không thể phát hiện. Hai tay tôi nắm miệng túi để khi bí thở thì vén túi ra... Đêm ấy, chó nghiệp vụ cũng xuất hiện nhưng may mắn là chúng không đánh hơi được”. Chuyến xe tải hôm ấy đã đưa anh Nam đặt chân đến mảnh đất mà anh mong ước.
Hai đêm trước lễ khai mạc Olympic London 2012, chúng tôi được anh Nam mời đến nhà chơi. Nói là nhà cho oách, chứ thật ra đó là căn phòng rộng chưa đến 10m2. Anh chỉ vào tấm ảnh để ở đầu giường, trong ảnh là vợ và bốn đứa con. Bức ảnh thật đẹp với những đứa trẻ ăn mặc tươm tất, miệng nở nụ cười hồn nhiên. Anh ôm tấm ảnh vào ngực: “Đêm nào trước khi đi ngủ, tôi cũng nhìn ảnh này. Tấm ảnh là động lực để tôi phấn đấu”. Thế còn tương lai của anh? Anh Nam đáp bằng giọng buồn bã: “Tôi cũng không biết nữa, chắc làm được tới đâu hay tới đó. Nhưng tôi chưa có ý định trở về VN. Tôi có thể chịu khổ, chịu buồn, không tương lai nhưng điều quan trọng là vợ con tôi vui vẻ”.
Ông chủ nhà hàng cho biết anh Nam rất cần cù, chịu thương chịu khó. Anh làm đủ mọi việc từ phụ bếp, rửa rau, dọn vệ sinh... Mỗi ngày, anh làm việc từ 8-10 giờ. Mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí, anh gửi về quê khoảng 1.500 bảng Anh (chừng 50 triệu đồng). “Ở quê tôi, đó là số tiền nằm mơ cũng không thấy. Những khoản tiền do tôi gửi về đã giúp vợ con tôi sống vui vẻ hơn, không phải lo nghĩ nhiều đến những chuyện khác. Đó là điều làm tôi hạnh phúc” - anh Nam nở nụ cười hiếm hoi trên gương mặt hằn những nếp nhăn.
Ở không gian khu bếp nhỏ, rộng hơn 10m2 nơi anh Nam làm, có năm người đang lụi cụi làm thức ăn cho khách, ba trong số đó là người VN đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Họ cũng giống như anh Nam là trả tiền để được đưa qua Pháp, từ đó tìm cách vượt biên đến Anh, sau khi đến Anh sẽ đi làm kiếm tiền, để dành rồi trả nợ. Mọi người đều tâm sự cuộc sống khá tốt, ngoại trừ nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và vợ con dù hằng ngày họ có thể nói chuyện với người thân qua các dịch vụ trên Internet. Anh Nhật - quê ở Thanh Hóa, đến Anh đã năm năm - tâm sự: “Sau một cuộc điện thoại, có khi nhớ vợ con quá mà rớt nước mắt. Cực chẳng đã mới đi thế này, chớ đời người ai lại muốn xa vợ con và sống cái kiểu không giấy tờ như thế này”.
Nói xong, anh nâng ly cụng rồi ôm đàn guitar hát não nề bài Nỗi niềm tha hương: “Anh về đâu quê hương mình, sao anh nỡ lìa bỏ ra đi, bỏ mảnh vườn, bỏ con đê làng quê mến thương. Anh bỏ sao đành... Để mái trường, đàn em thơ, ngày đêm ngóng chờ”...
Đổi mạng trồng cần sa
Trồng cần sa được xem là nghề “thịnh” nhất đối với người Việt làm ăn bất hợp pháp ở Anh thời điểm hiện tại. Nhiều người Việt gọi cây cần sa là “cây tiền” vì nó đem lại lợi nhuận khổng lồ cho người trồng. Anh Tính, một người từng tham gia trồng cây cần sa, cho biết: “Một mảnh vườn cần sa rộng khoảng 100m2 được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng từ 3-6 tháng, sau khi thu hoạch có thể giúp người trồng bỏ túi 300.000-500.000 bảng. Vì lợi nhuận khổng lồ nên nhiều người Việt đã lao vào trồng cây này. Nhưng những người có tiền và khôn ngoan không bao giờ trực tiếp tham gia trồng. Họ chỉ thuê những người Việt nhập cư bất hợp pháp đến Anh làm việc này để khi bị cảnh sát phát hiện, họ không bị phát giác. Người chịu tội đầu tiên chính là người nhập cư trực tiếp trồng. Nếu bị bắt, gần như ngay lập tức, họ sẽ bị tống về nước”.
Anh Tính kéo áo cho chúng tôi xem tấm lưng chằng chịt những vết thẹo. Đó là hậu quả sau trận chiến với một băng đảng đã tìm cách giật hàng của anh khi thu hoạch. Hóa ra người trồng cần sa không chỉ đối chọi với cảnh sát mà còn với vô số hiểm họa khác, nhất là chuyện bị cướp hàng. Sau khi cần sa được thu hoạch, những kẻ nắm được thông tin ngày giờ người trồng “ra hàng” đã chực sẵn và tổ chức cướp hàng. Những người tổ chức cướp có thể là băng đảng khác, cũng có thể là người trực tiếp thuê người nhập cư bất hợp pháp trồng vì họ không muốn chia tiền như đã thỏa thuận hoặc trả tiền công cho người nhập cư. Anh Tính thở dài: “Nói chung muốn bỏ tiền vào túi, anh có thể trả giá chính mạng sống của mình”.
Anh Tính bị bắt và bị kết án tù năm năm vì tội trồng cần sa. Anh không bị trục xuất vì đến Anh theo diện được gia đình bảo lãnh, nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp quốc tịch, dù sau khi ra tù anh đã quyết định đoạn tuyệt với nghề này.
Nhưng những người chấp nhận đoạn tuyệt nghề như anh Tính không nhiều, đơn giản vì lợi nhuận quá lớn do cần sa mang lại. Long, một thanh niên quê ở Hải Phòng, đến Anh bằng con đường nhập cư bất hợp pháp đã hai lần bị cảnh sát Anh bắt vì tội trồng cần sa, bị trục xuất về nước nhưng vẫn liều mình tiếp tục con đường này. Long nói anh đang nợ nần chồng chất ở quê nhà sau hai lần bị bắt nên trở lại Anh với “quyết tâm làm một vụ thành công để thanh toán nợ nần”. Long cho biết: “Lẽ ra tôi không nên vay tiền để đến Anh trồng cần sa. Tôi hám lợi và lóa mắt khi nghe nói đến lợi nhuận do cần sa mang lại. Bây giờ tôi không còn đường lùi nữa”.
Long tâm sự và cố quay người chỗ khác để tránh bị nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe. Nhưng chúng tôi biết anh không thể rớt nước mắt để phải đối diện với con đường đầy những hiểm nguy trước mặt.
Tương lai mịt mù Dĩ nhiên không phải ai cũng có cơ hội vượt biên đến Anh thành công. Đã có nhiều trường hợp xe đưa người vượt biên đã vượt qua được đồn biên phòng Anh, nhưng khi tiến sâu vào đất Anh thì bị bắt trở lại. Chính phủ hai nước Anh và Pháp cùng thống nhất đưa ra quy định là nếu người nhập cư bị bắt ở địa điểm sâu trong nước Anh 100km tính từ biên giới với Pháp thì Anh sẽ lo giải quyết những người nhập cư bất hợp pháp này. Nếu dưới 100km, bên Anh sẽ giao lại cho Pháp giải quyết. Những người bị phía Anh bắt chưa hẳn bị trả hết về nước. Họ vẫn có thể được phía Anh cho ra ngoài làm việc, tự nuôi sống bản thân nhưng không được cấp bất cứ mảnh giấy nào dù có người sống ở Anh hơn mười năm. Một hoặc vài tuần họ phải đến đồn cảnh sát trình diện, chứng minh là mình đang có một công việc hợp pháp. Cứ thế, họ sống cho qua ngày đoạn tháng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận