10/01/2018 16:46 GMT+7

Muốn sông đẹp, phải sống cùng sông

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
THÁI BÁ DŨNG thực hiện

TTO - 10 năm nay có một phụ nữ Nhật Bản qua sinh sống và mở một quán cà phê ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Bà dành hết thời gian còn lại của cuộc đời để theo đuổi những dự án giúp đỡ trẻ em đường phố, thanh niên vùng cao và làm đẹp môi trường.


Muốn sông đẹp, phải sống cùng sông - Ảnh 1.

Buổi sáng trên sông Hoài - Ảnh: Dương Minh Long

Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với bà Usuda Reiko - 63 tuổi, thành viên Hội hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki - diễn ra trong quán cà phê sát sông Hoài. Ở đây, mỗi ngày mở cửa ra bà muốn được chứng kiến sự thay đổi của dòng sông mà bà đã dành nhiều tâm huyết.

Vì dòng sông đẹp

* Bà từng là nha sĩ tại Nhật Bản, tại sao bà lại quyết định qua làm "công dân" Hội An?

- Tôi đến Đà Nẵng lần đầu vào năm 2003, khi đó tôi đang là thành viên Hội hữu nghị Nhật - Việt của thành phố Kawasaki. Tôi có cảm giác Việt Nam gần gũi, thân thuộc. Từ đường phố, con người... mọi thứ đối với tôi như chính đó là quê hương của mình. 

Sau năm 2003, tôi có một số lần qua lại và kết nối được nhiều người bạn trong Hội hữu nghị Nhật - Việt của thành phố tôi ở, tôi có rất nhiều người bạn ở Đà Nẵng và có thêm những cơ hội để tìm hiểu, gắn bó hơn.

Năm 2008, sau khi nói chuyện với hai người con của mình, tôi quyết định qua Việt Nam sinh sống hẳn. Và tôi chọn ở Hội An.

* Và bà đã tìm được điều gì ở đô thị cổ này?

- Trong những năm sống ở Hội An, có một điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều là ngay trong lòng phố cổ có một dòng sông chảy qua. Nhưng thời điểm đó khi tôi đi dạo thì thấy quanh chùa Cầu dẫn ra sông Hoài đã có dấu hiệu ô nhiễm. 

Đi dọc bờ sông chúng tôi dễ dàng nhận thấy mùi hôi bốc lên rất khó chịu, vào mùa mưa có thể không cảm nhận thấy nhưng khi mùa cạn tới bốc mùi ô nhiễm nặng. Tôi và bạn bè đi dạo dọc bờ sông và phải bịt mũi, nhiều du khách cũng vậy.

Nhật Bản là đất nước rất phát triển về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý môi trường trong lĩnh vực này rất tốt nên chúng tôi quyết định sẽ đem những kiến thức này giúp Hội An giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tôi muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường để giữ cho dòng sông rất đẹp này.

* Ô nhiễm môi trường đang là mặt trái của quá trình phát triển bất kỳ đô thị nào. Bà không phải là kỹ sư, khi đến đây sinh sống và dự định thực hiện mong muốn của mình, bà đã lường hết những khó khăn? Và bà đã làm thế nào?

- Tôi quyết định chọn công việc này ở Hội An vì thấy phố cổ này đẹp và nếu để một dòng sông đẹp như thế ô nhiễm thì rất tiếc. Chúng tôi bắt đầu từ việc kết nối các nhóm sinh viên ở ĐH Sư phạm Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Đà Nẵng. 

Các bạn đồng hành với tôi trong Hội hữu nghị Nhật - Việt hai thành phố Kawasaki - Đà Nẵng giúp tôi kết nối, tổ chức dẫn các bạn sinh viên đi khảo sát sông Hoài, lấy mẫu nước để đo các chỉ số.

Qua các số liệu này, các vị trí được xác định ô nhiễm nặng chúng tôi sử dụng hóa chất để xử lý. Thông qua những người bạn ở Nhật Bản, chúng tôi cũng được khuyến cáo và tư vấn cách thức để xử lý ô nhiễm ở khu vực đô thị.

Nhưng việc xử lý này cũng chỉ là một giải pháp. Điều lớn hơn mà chúng tôi muốn hướng đến là truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường cho người dân. Muốn dòng sông đẹp, chúng ta phải sống cùng với sông. 

Ở một số khu vực có dân cư sinh sống sát dòng sông, người dân còn vứt rác và xả thải ra lòng sông. Khi chúng tôi tới và thấy họ làm việc đó như một thói quen, chúng tôi cùng các sinh viên nói chuyện, giải thích về tác hại của việc làm ô nhiễm sông.

Muốn sông đẹp, phải sống cùng sông - Ảnh 2.

Bà Usuda Reiko với những mặt hàng thủ công truyền thống được thanh niên Tây Giang làm để bán cho du khách - Ảnh: B.D.

Người dân từ bi

"Thân thiện? Mến khách? Ồ, hình như chưa phải. Tôi muốn diễn đạt một từ khác". Bà Reiko vào nhà, lấy laptop gõ một từ tiếng Nhật rồi dịch nghĩa ra tiếng Việt. "Từ bi - đây là từ tôi muốn nói về người Hội An. Tôi rất hạnh phúc khi ở đây với người dân thành phố này" - bà nói.

* Bà là phụ nữ Nhật, khi làm những việc như vậy người dân có phản ứng gì không?

- Chính quyền rất hiểu và ủng hộ những việc làm của chúng tôi, nhưng một số lần gặp người dân vứt rác, chúng tôi nêu ý kiến, họ chỉ mỉm cười.

Tôi hiểu không dễ gì thay đổi thói quen, tất cả còn phải phụ thuộc nhiều thứ, nhưng nhận thức vẫn là thứ quan trọng nhất. Nếu mình kiên trì theo đuổi công việc này và với mong muốn tốt đẹp, chúng tôi tin sẽ có kết quả.

Dự án góp phần hạn chế ô nhiễm sông Hoài hiện vẫn được duy trì và được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của bạn bè tôi tại Nhật, các bạn sinh viên ở Đà Nẵng. Hiện tôi đang tập hợp bộ sách ảnh, tài liệu gồm thực trạng ô nhiễm dòng sông và những ảnh hưởng tới con người. Tôi dự định sẽ in và đi phát cho mọi người.

Những dự án vì trẻ em, thanh niên nghèo

* Bà còn có dự án tặng 10.000 xe đạp cho học sinh nghèo Quảng Nam, Đà Nẵng cùng các dự án hướng đến thanh niên vùng xa. Bà có thể chia sẻ một vài thông tin về các dự án này?

- Tôi tham gia với tư cách là thành viên trong Hội hữu nghị Nhật - Việt bởi chương trình hợp tác của hai thành phố Đà Nẵng - Kawasaki. Tôi chỉ tham gia góp công sức vào đó với mong muốn san sẻ khó khăn cùng trẻ em, học sinh nghèo tại Đà Nẵng.

Khi chương trình triển khai, thị trưởng Kawasaki đã có sáng kiến này và đi vận động tìm nguồn đóng góp. Tôi có nhiều người bạn ở Nhật Bản, chúng tôi đã đi vận động mọi người tặng xe đạp để đưa qua Việt Nam giúp trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng. 

Đến nay đã có hơn 12.000 chiếc xe đạp được vận chuyển bằng đường thủy từ Nhật Bản qua và được chúng tôi trao tận tay trẻ em Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đều đặn khoảng hai lần mỗi tháng, tôi cùng các bạn nhân viên trong quán cà phê của tôi, các tình nguyện viên đến các huyện Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để nói chuyện với các thanh niên Cơ Tu ở đó. Chúng tôi thấy ở các bạn khát khao thay đổi, thoát nghèo.

Ở vùng đó bà con làm ra khá nhiều đồ thủ công truyền thống như mây tre đan, thổ cẩm... Tôi kết nối với bạn bè ở Nhật và gom các mặt hàng này đưa về trưng bày tại quán cà phê của mình bán cho du khách. Trong các lần bay về Nhật Bản tôi cũng trực tiếp tìm cách đưa về và giới thiệu cho người quen, bạn bè. 

Số tiền kiếm được từ những món hàng này tôi lại đưa ngược qua để gửi tận tay các thanh niên Cơ Tu. Các bạn thanh niên cũng được xuống quán cà phê của tôi để làm việc, trang bị một số kỹ năng, học các công việc cần thiết để có thể về lại địa phương hoặc làm việc ở Hội An.

* Điều gì làm bà thích nhất ở Hội An và cho rằng lựa chọn nơi đây làm quê hương thứ hai là một quyết định đúng đắn?

- Đó là người Hội An. Điều làm tôi yêu thương nhất là dường như người dân ở Hội An rất tình cảm, quý mến những người già đến từ nước khác như chúng tôi.

"Năng lượng làm việc, cống hiến chưa bao giờ hết"

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - trưởng phòng nghiệp vụ Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng - nói rằng bà Reiko là một phụ nữ Nhật đặc biệt. Bà Reiko yêu quý Đà Nẵng, Hội An như chính đó là quê hương của mình, do vậy dù đã ngoài 60 tuổi nhưng lúc nào tinh thần của bà Reiko cũng khát khao muốn được đóng góp cho hai thành phố này.

"Bà chạy xe máy một mình từ Hội An ra Đà Nẵng để tới các xã vùng khó khăn trao tặng xe đạp cho trẻ em nghèo, tham gia các hoạt động cộng đồng. Chúng tôi có cảm giác rằng năng lượng và mong muốn được đóng góp sức mình ở người phụ nữ ấy không bao giờ hết" - bà Tuyến nói.

"Một người Nhật có nhiều đóng góp tích cực cho Hội An"

"Bà Reiko là người quen thuộc đối với những người làm công tác quản lý của thành phố và người dân sống gần quán cà phê mà nhiều năm nay bà mở để gây quỹ phúc lợi.

Dù đã lớn tuổi nhưng bà Reiko vẫn tích cực có nhiều đóng góp không chỉ với vai trò là thành viên hội hữu nghị, mà trong nhiều dự án tại Hội An như làm sạch môi trường, san sẻ với thanh niên đồng bào thiểu số vùng cao, mở quán cà phê gây quỹ từ thiện...

Chúng tôi thường ghé tới quán cà phê của bà Reiko và hết sức quý mến, kính trọng một người phụ nữ Nhật hiền từ, giàu sự sẻ chia" - ông Nguyễn Văn Lanh, trưởng Phòng VH-TT Hội An, nói.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên