22/09/2017 15:39 GMT+7

Muốn người dân đi cầu bộ hành, thiết kế đừng 'hành' dân!

M. NHIÊN tổng hợp
M. NHIÊN tổng hợp

TTO - Đó là ý kiến của phần lớn bạn đọc sau câu hỏi: Làm gì để người dân có thói quen đi cầu bộ hành? Theo nhiều bạn đọc, việc người dân ngó lơ với cầu bộ hành, một phần cũng do lỗi thiết kế!

Muốn người dân đi cầu bộ hành, thiết kế đừng hành dân! - Ảnh 1.

Nguy hiểm vì người dân tự ý băng qua đường thay vì sử dụng cầu bộ hành - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Bạn đọc B.H. viết: "Để trả lời cho câu hỏi: Làm gì để người dân có thói quen đi cầu bộ hành?, trước hết cần làm rõ nguyên nhân vì sao họ ngó lơ? 

Nhìn cái cầu thang cao chót vót như thế cũng đủ mệt rồi. Chỉ thanh thiếu niên mới leo nổi thôi. Nhiều nước đường đi bộ được nối từ một tòa nhà này tòa nhà khác chứ không có cầu thang".

Ý kiến bạn đọc Hoàng Nguyễn

Theo bạn đọc B.H., việc leo lên cầu vài chục bậc thang, rồi lại phải đi xuống cầu đi bộ cũng vài chục bậc thang để qua đường là một thách thức đối với người bệnh và người già vì cầu khá cao (4m). 

Bên cạnh đó, việc đi bộ băng qua đường như vậy có được xem là hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông hay không, nếu không thì không thể cấm. 

Làm gì để người dân có thói quen đi cầu bộ hành? Làm gì để người dân có thói quen đi cầu bộ hành?

TTO - Xây cầu bộ hành dành riêng cho người đi bộ khá tốn kém, tuy nhiên phần lớn người dân vẫn còn thói quen băng ngang qua lòng đường bất chấp nguy hiểm. Làm gì để dẹp thói quen xấu này?

Từ hai nguyên nhân trên, bạn đọc này cho rằng "để người dân có thói quen đi cầu bộ hành", trước hết cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân thích đi cầu bộ hành như thêm thang máy hay làm cáp treo qua đường. 

Bạn đọc này cũng gợi ý những khu vực chưa xây dựng được cầu bộ hành có thể làm gờ giảm tốc hoặc lắp thêm đèn tín hiệu giao thông để hạn chế tốc độ của các loại xe. 

Trong khi đó, từ thực tế cầu bộ hành khu vực Bệnh viện Ung bướu, bạn đọc nick name Vietroad viết: "Cầu bộ hành xây trước Bệnh viện Ung bướu phần lớn để cho bệnh nhân và người nuôi bệnh (đa số là người già và phụ nữ) mà xây bậc thang cao thế kia thì để cho ai đi. Cỡ thanh niên mà leo lên cầu thang đó xong leo xuống còn đứng thở dốc đừng nói người bệnh...".

Còn theo bạn đọc tên Ly thì: "Muốn người ta dùng cầu bộ hành phải quy hoạch đủ không gian làm cầu thang lên xuống cầu, từ đó sẽ hạn chế tối đa việc người dân mạo hiểm băng ngang lòng đường để qua đường".

Đồng tình với các ý kiến trên, bạn đọc tên Thiện bổ sung: "Khu vực Bệnh viện Ung bướu, người đi bộ qua đường phần lớn là bệnh nhân, làm sao họ có đủ sức khỏe để leo lên và bước xuống cầu thang bộ. Vậy thì đành băng qua đường thôi".

Nhìn vấn đề ở chiều hướng cái gì có lợi nhất cho người dân thì nên làm, bạn đọc Đỗ Quân góp ý: "Có lẽ khi xây dựng các cây cầu bộ hành này, người ta đã không tính tới những bất tiện của nó. Để lên trên cầu băng qua đường, trước tiên là leo lên mấy chục bậc thang thì làm sao leo nổi mà băng qua? Hơn nữa, đối với những người trung niên và cao tuổi, chân cẳng thoái hóa khớp gối hết rồi, có muốn cũng khó lòng mà leo lên được". 

Từ thực tế này, bạn đọc Đỗ Quân hiến kế: "Tôi nghĩ giá như thay cái cầu thang leo từng bậc ấy bằng cái cầu thang cuốn như trong siêu thị thì... không khéo mọi người lại chen nhau mà lên cầu đấy, khỏi tốn công tuyên truyền, vận động".

Cũng là chuyện tuyên truyền vận động người dân đi cầu bộ hành, bạn đọc nick name B.N. nhớ lại: "Cách đây chục năm tôi có theo một nhóm thanh niên do Đoàn tổ chức đứng ở chỗ cầu đi bộ này để... năn nỉ các cô các bác đi lên cầu. Hết quá nửa cười trừ kêu "leo cầu thang mệt lắm", rồi họ  vẫn tiếp tục... băng ngang đường. Các bạn đoàn viên cũng đành... cười trừ với các bác chứ không biết làm gì hơn...".

Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Vân tranh luận: "Cầu làm thấp thì xe lớn không qua được. Cầu làm cao thì kêu là leo không đủ sức. Cầu đặt chỗ này thì kêu xa, không thuận tiện đi lại... Kiểu nào cũng nói được. Vì sự an toàn của mình chứ của ai mà coi thường".

Làm gì để cầu bộ hành phát huy đầy đủ chức năng? Những cây cầu bộ hành nào "hành" người đi bộ? Chuyên mục Bạn đọc làm báo chào đón những ý kiến đóng góp, hình ảnh, clip... của bạn. Hãy gởi đến chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc e-mail: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!


M. NHIÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên