Muỗi Aedes hút máu trên tay người - Ảnh: Noah H. Rose
Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu từ ĐH Princeton, New Jersey (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu dày công kéo dài 3 năm trên nhiều loài muỗi khác nhau.
Đặc biệt, nhóm đến tận những vùng hẻo lánh ở khu vực trung và hạ Sahara để thu thập trứng của muỗi Aedes - loài vật trung gian gây các bệnh nguy hiểm như Zika, sốt vàng…
Ngay trong "gia đình" muỗi Aedes cũng có 2 nhóm: một thích hút máu người, một thích đeo bám các động vật khác. Dẫu vậy, bộ gen của chúng có nhiều đặc tính di truyền tương đồng.
Sau khi thu thập các loại trứng muỗi đem về New Jersey, nhóm đem nhân giống thành các đàn muỗi sống ở nhiều vùng đô thị lẫn nông thôn. Sau đó, nhóm sử dụng các con muỗi "di cư" này tham gia thí nghiệm phân biệt mùi của cơ thể người hay các loài động vật khác.
Nhóm thiết kế một mô hình, trong đó cho đầy muỗi vào một chiếc hộp nhựa có gắn hai ống dẫn về hai hướng khác nhau. Ống thứ nhất dẫn đến con lợn Guinea, ống thứ hai đến cánh tay người.
Sau khi cho muỗi tìm đến "món ăn" yêu thích, nhóm tháo các ống, tiến hành đếm và phân loại. Với các loài muỗi khác, nhóm cũng thực hiện tương tự.
Kết quả, nhóm nhận thấy những loài muỗi thích hút máu người đa phần là cháu chắt của các con muỗi "tổ tiên" sống ở vùng khí hậu khô nóng. Dù đã chuyển nơi ở từ Sahara sang Mỹ, tập tính này vẫn được giữ lại nguyên vẹn.
Nhóm lý giải, ở vùng khô nóng, muỗi khó tìm nơi có nước mặt phù hợp để sinh sản. Do vậy muỗi sẽ tìm đến sống ở nơi có người, bởi cộng đồng người có thói quen tích trữ nước sinh hoạt trong các chai, lọ, chum, vại… Đây là điều kiện lý tưởng cho chúng sinh sản.
Tiến sĩ Lindy McBride - ĐH Princeton (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết theo thời gian, các đàn muỗi trên sẽ phát triển tập tính thích nghi cuộc sống chung với con người. Qua thêm nhiều năm nữa, muỗi tiến hóa đến mức chỉ thích hút máu người.
Để tìm nơi thích hợp cho sinh sản, một số loài muỗi tiến hóa theo hướng sống chung với con người - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo giáo sư Brian Lazzaro - chuyên ngành sâu bọ học tại ĐH Cornell (Mỹ) và không tham gia nghiên cứu trên, cách lý giải của công trình này khá thuyết phục. Hầu hết muỗi sinh sôi mạnh trong mùa mưa. Vào mùa khô, chúng thường tìm nơi đẻ trứng, trong đó lý tưởng là những vùng nước yên tĩnh.
Khi tìm được môi trường thích hợp quanh các gia đình, theo quy luật chọn lọc tự nhiên, chúng sẽ dần tiến hóa và thích nghi với môi trường đó, hình thành thói quen hút máu người.
Ngược lại, trong những môi trường mặt nước đủ đầy và ổn định trong các mùa, nhiều loài muỗi phát triển theo hướng chỉ hút máu các động vật hoang dã, đặc biệt những con hay lui tới nguồn nước.
Hiện tại, số lượng muỗi chỉ hút máu người chiếm một phần rất nhỏ trong "gia đình" các loài muỗi tự nhiên. Tuy vậy, theo các chuyên gia, trong tương lai số lượng muỗi hút máu người sẽ tăng đáng kể do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận