06/08/2018 11:36 GMT+7

Mười 'cánh cò' mồ côi làng Mai Xá 15 năm vượt khó đến trường

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Mười anh chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ tự đùm bọc nuôi nhau gần 15 năm nay. Chỉ để sống thôi đã là khó, huống nữa là chuyện học hành. Và không chỉ học hành mà còn đậu vào trường đại học, cao đẳng.

Mười cánh cò mồ côi làng Mai Xá 15 năm vượt khó đến trường - Ảnh 1.

Bồng bên những luống rau, nơi em gom góp từng đồng để nuôi giấc mơ học hành - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Tôi vừa ngạc nhiên lẫn khâm phục khi đọc lá thư đề đạt nguyện vọng xin được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của tân sinh viên Trương Thị Bồng. 

Nhưng khi đọc đến dòng địa chỉ của em thì tôi hiểu, người dân quê xứ đó lâu nay vốn nổi tiếng với sự chịu khó và đức ham học - làng Mai Xá, xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị.

“Khi ba mẹ mất, ba anh em lớn đã nghỉ học rồi, giờ không nỡ để các em không được đi học.

Trương Văn Quý

Giữa bão dông số phận...

Căn nhà của mấy anh em Bồng nằm khuất nẻo giữa làng Mai Xá. Bồng đang giúp anh trai uống thuốc cho qua cơn sốt. 

Câu chuyện về Bồng, nhân vật của mùa Tiếp sức đến trường năm nay không ngờ lại ấn tượng từ Quý - trụ cột của gia đình từ khi mới 17 tuổi. 

Từ bỏ hết những ước mơ, từ bỏ mái trường, từ ngày mẹ mất, rồi bố qua đời, Quý dang tay bao bọc bầy em thơ.

Mẹ của các em, chị Trương Thị Dẫn, sau khi sinh đứa con thứ mười (em Trương Văn Tiến) thì ra đi sau cơn bạo bệnh. 

Đó là năm 2005. Vừa tang mẹ xong, ba của các em, anh Trương Văn Quyền, suy sụp rồi mất sau đó vài năm. Mười đứa con mồ côi tự chăm bẵm cho nhau và sống trong sự yêu thương, đùm bọc của xã hội.

Bồng bảo ba em tên Quyền, đặt anh trai tên Quý nhưng chẳng thấy "quyền quý" đâu. Khi mẹ mất, Quý đang học lớp 11 phải nghỉ để đi làm nuôi em. 

"Anh của cháu làm đủ nghề chú ạ" - Bồng kể. 17 tuổi đi phụ hồ, học làm thợ mộc, đi cày thuê, rồi vô Nam kiếm việc làm để gửi tiền về nuôi bầy em. Nhưng vào Nam được một năm lại phải quay về vì ba ốm nặng. Rồi ba mất. 

Cuốn sổ hộ khẩu gia đình được làm lại, ghi tên chủ hộ là Trương Văn Quý. Thành viên gia đình là chín chị em khác. "Ông chủ hộ" Quý đang tuổi hai mươi, làm sao lo cho cả đàn em lít nhít như thế này?

Thấy anh trai quá vất vả, thêm hai người em nữa của Quý là Hồng và Chính cũng nghỉ học để phụ anh. Người chị đầu nấn ná chuyện chồng con nhưng Quý bảo: "Con gái có thì, chị phải lấy chồng, việc nhà để em lo". 

Vậy là những đứa em sau theo "lệnh" Quý, không đứa nào được nghỉ học. Trương Thị An, Trương Thị Bích - hai người chị kế của Bồng - dù khó đến mấy cũng "bị" anh Quý buộc học hết cấp III và thi vào Cao đẳng Thương mại ở Đà Nẵng. 

Nay cả hai đều ra trường, chưa có việc làm ổn định nhưng cũng xoay xở mưu sinh và trụ lại thành phố. Năm nay đến lượt Bồng.

Để em yên tâm và có tiền học, mấy tháng qua Quý chạy đôn chạy đáo đi làm thêm. Ngày nắng đi làm thợ nề, ngày mưa đi cày thuê đất ruộng cho các hộ làng bên bằng chiếc máy cày của ông chú. Hóa ra, để chăm bẵm được đàn em, Quý biết thêm gần chục nghề. Vì quá lao lực nên mấy hôm nay Quý ngã bệnh.

Ở quê, thanh niên lấy vợ sớm, nhưng Quý mãi ngoài tuổi ba mươi mới cưới vợ. Dựng vợ gả chồng cho mấy người em tới tuổi, Quý mới tính chuyện hạnh phúc của mình.

Ngôi nhà mấy anh em đang ở được xây từ tiền của nhiều tổ chức từ thiện. Nhà trên xây bởi sự hỗ trợ của tổ Phật Tử Chính Tâm - chùa Quán Sứ (Hà Nội), nhà dưới được xây từ tấm lòng của Quỹ phòng chống thiên tai lụt bão. 

Tiếng là nhà nhưng cũng vỏn vẹn vài chục mét vuông, mấy anh em quây quần ở đó. Vợ chồng người em của Quý là Trương Văn Chính cũng sống cùng vợ chồng Quý và các em Bồng - Tý - Thuận - Tiến...

Cánh cò thứ bảy...

Có lẽ hình ảnh của người anh trai cao cả và tận tụy là tấm gương cho mấy chị em trong nhà soi vào nên cứ thế, mười mấy năm qua, anh em bảo ban nhau, luôn nỗ lực như một cuộc chiến. 

"Mẹ mất đi, rồi sau đó đến lượt ba, trong nhà có đến sáu chị em đi học, hai đứa học cấp III, Bồng học cấp II. Sau Bồng là ba đứa học cấp I và mẫu giáo. Gian nan thế mà vẫn đi học được. Giờ dù sao các em cũng lớn hơn, còn vất vả đấy nhưng chắc chắn phải tiếp tục học thôi" - Quý nói thế.

Nhưng ngay thời điểm này cũng đâu chỉ chuyện lo cho mấy đứa em còn đang đi học. Cả hai em gái Trương Thị An và Trương Thị Bích dù đã học xong cao đẳng, ra trường và đang vất vả tìm việc làm nhưng số tiền vay theo diện sinh viên những năm trước vẫn chưa trả xong. 

Tất cả vẫn trông chờ vào Quý và Chính - người em trai cũng vừa lập gia đình. Lo cho gia đình nhỏ, lại lo cho đàn em, gian khó đến vậy nhưng cương quyết không để em gái dừng bước trước ngưỡng cửa đại học.

"Bây giờ cháu đủ điểm đậu hai trường đại học nhưng chắc sẽ theo học ngành nuôi trồng thủy sản của Đại học Nông lâm Huế chứ không học ngành báo chí nữa, dù cũng thích nghề báo" - Bồng buồn buồn nói. 

Giải thích về sự lựa chọn của mình, Bồng tỏ ra già dặn so với tuổi: "Vùng đất quê cháu từ đây về tận Cửa Việt có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản. Học lấy nghề này, sau tìm việc làm có khó thì về quê, chắc thế nào cũng tìm được việc".

Vậy đó, ước mơ có thể là một nghề khác, nhưng chuyện mưu sinh chắc chắn phải tính toán, dù Bồng chỉ mới 18 tuổi!

Mười mấy năm qua, cô học trò nhỏ này mỗi ngày đạp xe hơn 20 cây số đi và về để theo học ở Trường THPT TP Đông Hà. Rời lớp học là lao vào ruộng rau sau nhà, sáng tinh mơ xuống chợ xã để phụ bưng bê cho người chị con bà dì ruột bán hàng ăn sáng.

Tuổi thơ của Bồng đã đi qua những tháng ngày buồn thương như thế, là nỗi đau mồ côi, là nhọc nhằn kiếm sống, nhưng trên gương mặt tuổi 18 kia, tôi vẫn thấy ánh lên cái khí chất của người Mai Xá, như một câu thành ngữ quê nhà: "Gan Mai Xá, đá Hảo Sơn" - ví sự kiên cường của người Mai Xá như loại đá vùng Hảo Sơn (tây Gio Linh) trứ danh về độ cứng và bền!

Cô kỹ sư thủy sản tương lai

Mười sáu năm trước, khi khởi đầu chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, tôi đã từng viết về những gương mặt tân sinh viên ở mảnh làng này. Đó là Minh, là Vỹ, là Thu... Các cô cậu tân sinh viên mồ côi, gian khó ngày ấy nay đã là những giáo viên dạy THPT, cao đẳng... với cuộc sống ổn định.

Và giờ đây là Bồng! Tôi nghĩ tới hình ảnh cô kỹ sư thủy sản sau vài năm nữa trên những ao đầm của miền đất cuối dòng sông Hiếu này...

Cùng Tuổi Trẻ Tiếp sức đến trường

Những ngày này, Tuổi Trẻ liên tục nhận được những bức thư chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của các tân sinh viên từ mọi miền đất nước. Rất nhiều những dòng tâm sự đẫm nước mắt của bao số phận ngặt nghèo nhưng chan chứa khát khao vươn lên bằng con đường học. Thêm một suất học bổng - thêm một cơ hội bước đến giảng đường và một tương lai rộng mở cho các em.

Với mục tiêu không để bất kỳ tân sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn, Tuổi Trẻ mong muốn bạn đọc đồng hành với chương trình bằng cách hỗ trợ kinh phí học bổng Tiếp sức đến trường.

Mọi đóng góp xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ. Chuyển khoản đến tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, vui lòng ghi rõ nội dung: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường". Email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn. Điện thoại: 0283.997.38.38 và 0918.033.133.

Trân trọng cảm ơn!

Dù khó vẫn Dù khó vẫn 'Tiếp sức đến trường'!

TTO - Năm nào cũng thế, sau mùa thi thì điện thoại, email của những người làm báo Tuổi Trẻ lại nhận được những tin nhắn hỏi han: "Năm nay Tuổi Trẻ có trao học bổng Tiếp sức đến trường không?".

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên