Xuân mới, chúng tôi tìm gặp lại những sinh viên từng nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2016 và 2017.
Từ ngày được nhận vào làm thêm bán thời gian tại một ngân hàng, Côi vừa có thêm thu nhập, vừa tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân - Ảnh: NGỌC HIỂN
Mục tiêu của mình trong năm nay là phải hoàn thành việc học để chuẩn bị cho năm sau tốt nghiệp ra trường, kiếm việc làm rồi sau đó tiếp tục học lên đại học. Đi làm rồi sẽ có lương để lo cho gia đình
NGUYỄN VIẾT AN
Cho đến bây giờ, hằng ngày được ngồi trên giảng đường với những sinh viên này vẫn như một giấc mơ có thật.
Mùa xuân của lòng người
Không còn nét đượm buồn của ngày đầu gặp chúng tôi khi mới trở thành tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cách đây hai năm, Phạm Thị Côi bây giờ đã nở những nụ cười khi vừa học tốt, vừa có công việc làm thêm mà mình ao ước.
"Tết này mình được thưởng lương tháng 13, vừa đủ lo tiền xe về quê và mua ít bánh trái thắp hương cho mẹ, cho bà mấy ngày tết" - Côi bộc bạch. Dù mức lương của Côi hằng tháng chưa đến 2 triệu đồng, đó là một niềm động viên rất lớn khi được làm việc tại ngân hàng, ngành nghề mà nữ sinh này đang theo đuổi.
Côi chính là nhân vật trong bài báo "Côi và lời hứa đi học lại" - Tuổi Trẻ 22-8-2016. Côi mồ côi cha, 12 tuổi mất bà, 17 tuổi mất mẹ. Cuộc sống như trêu ngươi thiếu nữ này khi để cô côi cút giữa đời.
Nhưng càng rơi xuống vực thẳm của nghịch cảnh, đôi chân Côi càng mạnh mẽ hơn trên bước đường hướng tới tương lai. Năm 2015 dù đủ điểm xét tuyển đại học nhưng Côi đành gác lại giấc mơ giảng đường để đi làm công nhân.
Tròn một năm sau, khi có chút tiền trang trải từ những tháng ngày trong nhà xưởng, Côi xây lại ước mơ và đậu vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Hành trình để đến được giảng đường của nữ sinh nghèo khó quê Quảng Ngãi này đã được chuyển tải trên báo Tuổi Trẻ.
Bên cạnh nhận suất học bổng "Tiếp sức đến trường", Côi cũng nhận được sự sẻ chia của cộng đồng. Từ bài báo này, đại diện một ngân hàng tại TP.HCM đã nhận Côi vào làm việc bán thời gian. Đồng thời, nhân viên của ngân hàng cũng quyên góp, tặng nữ sinh này một chiếc xe máy để Côi tiện đi làm.
Thật không may, chiếc xe đã bị kẻ gian đánh cắp sau đó không lâu nên Côi đành phải trở lại đi làm bằng xe buýt. Ngoài ra, một bác sĩ giấu tên tại tỉnh Sóc Trăng cũng âm thầm gửi Côi mỗi tháng 1 triệu đồng để nữ sinh này lo thêm cho việc học.
Trước đó, ngay khi mới nhập học, Côi đã xin đi phụ bán hủ tiếu và phục vụ nhà hàng để chủ động tiền ăn, tiền ở...
"Sự chia sẻ của mọi người làm tôi cảm thấy quá vui, quá hạnh phúc vì mọi người vẫn còn quan tâm đến mình, sự cố gắng của tôi không phải là hoang phí. Mọi thứ với tôi vẫn ngỡ như là một giấc mơ" - Côi nói.
Mùa xuân này, ngoài mua sắm những món quà đem về quê từ số tiền tự tay mình kiếm được, Côi còn đến phố Ông Đồ và xin cho mình bức thư pháp về mẹ. "Nhưng mùa xuân vui nhất, hạnh phúc nhất vẫn là những mùa xuân còn mẹ và bà" - Côi tâm sự.
Nguyễn Viết An chờ nhận thông tin đón khách vào những ngày tết - Ảnh: K.ANH
Đi tiếp con đường ước mơ
Gặp Nguyễn Viết An (Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) những ngày đầu năm mới trong trang phục của anh xe ôm thời công nghệ, An cười chia sẻ: "Mấy ngày nghỉ tết, mình không về quê để ở lại TP.HCM chạy xe ôm kiếm tiền đóng học phí và trang trải cho cá nhân cũng như gửi về lo cho bố và em nhỏ tại quê nhà".
Những ngày xuân là những ngày ai đi xa cũng mong trở về nhà đoàn viên, sum họp nhưng cậu sinh viên được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2017 này đã nén nỗi nhớ nhà để ở lại phòng trọ, rồi hằng ngày từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya rong ruổi theo từng chuyến xe chở khách đến các bến xe, tàu hay địa điểm vui chơi ngày tết... tích cóp lo cho tương lai.
"Ở lại mấy ngày tết, mỗi ngày mình kiếm được gấp mấy lần thường ngày, đi ngoài đường suốt nên không còn thời gian nghĩ đến nỗi buồn, vậy thì ráng làm để cuộc sống bớt chật vật hơn. Chứ những ngày này chở khách đến bến xe để họ về quê còn mình thì ở lại..." - An bỏ lửng câu nói.
An là trụ cột trong nhà từ khi mẹ mất đúng vào dịp An thi cuối lớp 12, chuẩn bị vào kỳ tuyển sinh đại học. Thêm một lần An phải gánh chịu nỗi buồn bất tận khi đúng dịp chuẩn bị giỗ đầu cho mẹ thì bố An đột quỵ, An phải bảo lưu một năm để về quê chăm sóc bố.
Gia cảnh khó khăn, một mình An xoay xở nuôi bố bệnh và hai em trai ở quê nhà Nam Định. Bố qua cơn nguy kịch nhưng đã bị liệt, không thể làm gì khác. Bài viết "An, đi tiếp hay dừng lại" đăng tải lên báo Tuổi Trẻ ngày 16-9-2017, sau đó ba ngày An nhận được món quà bất ngờ từ người đẹp Phan Thị Mơ.
"Chị Mơ dẫn mình đi mua một chiếc xe máy, một điện thoại để có thêm cách kiếm tiền theo đuổi con đường học của mình. Thay vì trước đây đi làm bảo vệ ba ca, không chủ động được giờ giấc, bây giờ chạy xe ôm công nghệ thì chủ động hơn. Sau giờ học bài, mình chạy xe vào ban đêm. Có hôm về phòng trọ đã 2-3 giờ sáng".
học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ cùng món quà mà An nhận được từ mọi người hỗ trợ như một bước đệm giúp An vững tâm hơn khi trở lại giảng đường.
"Sống tiết kiệm cũng đủ qua ngày, những hôm nào ế quá thì ráng chạy khuya hơn nhưng mình không bỏ lãng việc học đâu. Mục tiêu của mình trong năm nay là hoàn thành việc học để chuẩn bị năm sau tốt nghiệp ra trường, kiếm việc làm rồi sau đó tiếp tục học lên đại học. Đi làm rồi sẽ có lương để lo cho gia đình" - An chia sẻ.
Mỗi tháng An chắt chiu dành ra 1 triệu đồng gửi về quê cho ba và đứa em đang học lớp 5, còn cậu em 15 tuổi đã ra Hà Nội để phụ quán phở tự nuôi thân.
Hạnh phúc đã mỉm cười
Nhắc lại về số tiền học bổng, Côi cho biết đó là một số tiền lớn, một chiếc phao cứu sinh đã đến tay nữ sinh này đúng lúc, giúp Côi có thể trang trải những bước đi đầu tiên của giảng đường đại học.
Với Côi, từ ngày vào đại học, cô đã thấy vui hơn, thấy nhiều hơn niềm tin ở tương lai. Ký ức về năm tháng nghèo khó đã dần vơi. Hạnh phúc đã bắt đầu mỉm cười sau những trang sách, sau mỗi ngày đi làm đối với nữ sinh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận