Nguyễn Thị Ngọc Ngẫm: “Chỉ có việc học mới giúp được tương lai” - Ảnh: TỰ TRUNG |
Đã hai lần, cuộc sống khó nghèo, côi cút nhưng lòng ham học và nghị lực dành cho sự học không thể đo đếm của mấy chị em được kể lại trên báo Tuổi Trẻ: “Sáu chị em côi cút giữa đời” (2012) và “28 tuổi, nuôi năm em vẫn vào cao đẳng” (2015).
Đã ba lần, các học bổng “Ngăn dòng bỏ học”, “Chung một ước mơ”, “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ lần lượt được trao đến, lần lượt đồng hành cùng những gian khó của Ngẫm, Nương, Tiên trên con đường đi tới tương lai.
Hôm nay nhận được thư của Ngẫm báo tin vui nhất của cả nhà: “Ngân, cô em gái thứ tư, vừa trúng tuyển vào Đại học Y dược TP.HCM”.
Niềm vui đi trốn
Ngôi nhà vẫn lặng lẽ như ngày thường, bên chiếc bàn kê trước bàn thờ cha, Ngọc Ngẫm ngồi trầm ngâm cắn bút trước một cuốn sổ, Kim Ngân ngồi đối diện, nước mắt lăn dài. Niềm vui thi đậu vào trường đại học mơ ước của Ngân như đã trốn mất trong câu chuyện của hai chị em.
Chị: “Ngày xưa ba bị bệnh, nghe lời người ta mách bảo mà mua thuốc bột, thuốc tễ uống rồi phù người ra, chân không đi được nữa, ruột bị hoại tử, khi vào bệnh viện thì đã muộn. Ba mất đi để lại cho tất cả các chị em một mơ ước: được làm trong ngành y - dược để có thể cứu chữa những người bệnh nghèo, thiếu hiểu biết như ba."
"Nay Tiên đã học xong ngành trung cấp nữ hộ sinh và được nhận vào Bệnh viện Từ Dũ, chị Ngẫm và Nương bắt đầu vào năm thứ ba cao đẳng ngành dược. Ngân đậu Đại học Y dược không chỉ là một bước dài đi đến mơ ước của em, mà đó còn là mơ ước của ba, của chị, của cả nhà mình”.
Em: “Em đã quyết tâm theo ngành y từ hồi lớp 4. Hôm ấy ba kêu đau lắm mà chỉ có mình em ở nhà, luýnh quýnh không biết làm gì, chỉ khóc. Khi cơn đau bớt đi, ba bảo: “Ngân sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho ba nhé”. Em hứa với ba từ hôm ấy... Chọn ngành điều dưỡng hộ sinh vì em rất yêu trẻ con”.
Chị: “Nghe tin Ngân trúng tuyển ĐH Y chị mừng rơi nước mắt, muốn reo to lên, muốn nhảy lên mà ôm em. Nhưng rồi... chị đã không reo, không nhảy lên cũng không ôm em mà chỉ rơi nước mắt. Ngân im lặng không nói nhưng chị Tiên, chị Nương thì biết em buồn, cả Tuyến cũng trách chị: “Sao chị Ngân thi đậu mà chị Hai không cười, không mừng gì hết vậy?”.
Cái mừng chị để trong lòng... vì lo sợ... Thời gian học trường y dài lắm, rất vất vả, nhưng chị biết Ngân sẽ làm được như em đã luôn quyết tâm và cố gắng từ khi còn nhỏ xíu. Chị lo sợ là lo sợ phần mình sẽ không đảm đương nổi chi phí cho em. Chị vẫn đang đi học, chưa có việc làm, thu nhập ổn định, lại đã bị thoái hóa cột sống...”.
Em: “Từ mười năm nay chị Hai đã thay ba, thay mẹ lo cho chúng em ăn học. Ăn - chị Hai đi lau nhà, giặt đồ mướn, đi giao nước, nhận sửa quần áo... để có tiền mua gạo, mua mì, mua rau, mắm. Học - chị Hai lên xã làm giấy chứng nhận hộ nghèo để xin miễn giảm học phí; chị Hai chắt chiu mua sách vở bút thước; chị Hai còn thức khuya dậy sớm đi học bổ túc sau cả chục năm nghỉ học để có thể kèm bài lại cho em... "
"Chị chưa đầy 30 tuổi mà đã đổ bệnh, phải đeo đai lưng khi ngồi, nhiều đêm khóc thầm vì đau nhức không sao ngủ được. Em hiểu chứ, em thi đậu, chị Hai mừng một mà lo tới một trăm...”.
Nguyễn Thị Kim Ngân: “Em chỉ việc gắng học cho tương lai của mình, sao lại không cố gắng?” - Ảnh: TỰ TRUNG |
Trên đời có rất nhiều người tốt
Em: “Các bạn em có ba mẹ, còn em có các chị, các em. Ngày đi thi, các bạn có ba mẹ đưa rước, có người chờ ở ngoài cổng, em đi một mình nhưng biết ở nhà vẫn có người trông chờ. Vậy đủ vui rồi.
Các bạn, cô giáo tổ chức đi chơi, xem phim, ăn hàng, rủ em đi và còn nói thêm “không cần đóng góp gì” nhưng em nghĩ các chị, các em ở nhà, mình đi cũng không vui nên đều từ chối. Thi thoảng mấy chị em ở nhà cùng làm gỏi cuốn, đổ bánh xèo, chiên khoai, chiên chuối ăn với nhau là vui lắm rồi. Chị Hai có cả trăm việc phải lo, gia đình mình cũng đã được cả trăm người giúp đỡ, việc của em chỉ là gắng học cho tương lai của mình, làm sao em có thể không cố gắng?...”.
Chị: “Chị dạy cho các em biết rằng trên đời có rất nhiều người tốt đã giúp đỡ, hi vọng ở chị em mình. Nhưng bàn tay người đời chỉ có thể giúp mình qua cảnh ngặt, còn để thoát nghèo, có tương lai tốt đẹp, hoàn thành được ước mơ thì chỉ có nỗ lực của mình mà thôi."
"Niềm vui của chị hiện giờ cũng như các em: vẫn là mỗi ngày được đến lớp, hoàn thành từng môn học với kết quả tốt. Nhưng khi rời lớp học, nhận được thêm công việc làm, đủ sức ngồi đến khuya để làm việc, kiếm được đủ tiền để lo cho các em ngày mai. Tuần này thì chị lại còn vui hơn nữa...”.
Em: “Những ngày ôn thi, được cả nhà săn sóc quan tâm: em gái ủi giúp cái áo, chị Hai nấu đồ ăn ngon, em vui lắm. Có kết quả các chị còn mừng hơn em nữa. Vào đại học cũng là lúc em lớn rồi, em sẽ cố gắng hơn nữa để có thể phụ giúp chị Hai lo việc nhà. Em sẽ xin ở ký túc xá để đỡ chi phí, thời gian đi lại. Em cũng đã xin được vào phụ việc cho một phòng khám ở Bình Khánh (Nhà Bè) vào thứ bảy, chủ nhật. Em hi vọng sẽ tự lo được phần nào... Em mong sẽ mau giúp được chị”.
Chị: “Học y cần tập trung cao mới có kết quả tốt. Ngân đừng lo quá, hãy dành hết tâm sức, khả năng của em để học tập thành tài. Chị, Tiên và Nương sẽ cùng hợp sức để Ngân hoàn thành được ước mơ. Ước mơ của Ngân và của ba, của cả nhà”.
Khó khăn nhất đã ở phía sau
Trong căn nhà mà ba mẹ để lại cho mấy chị em, hai vách tường dán kín giấy khen, thưởng của sáu chị em, còn trong tủ lại là một tập sổ, giấy nợ. Nào vay tiền sửa nhà, vay vốn sinh viên đóng học phí, cả khoản nợ hơn 300 triệu đồng mà ba mẹ để lại sau mấy năm vừa làm ăn thua lỗ vừa lâm trọng bệnh, đơn xin hoãn nợ, xin cứu xét để được giữ lại căn nhà đã có lệnh phát mãi của ngân hàng...
Quả là những mối lo chồng chất đến có thể đè bẹp cả niềm vui, dù là niềm vui lớn như khi bé Ngân đậu Đại học Y dược. Thế nhưng bên mâm cơm đạm bạc, cả mấy chị em cười thật tươi và nói với nhau: “Những ngày khó khăn nhất đã ở phía sau rồi, đoạn khó khăn phía trước nhất định sẽ cùng nhau vượt qua”.
Ra về, cả mấy chị em cùng hẹn với chúng tôi sẽ nấu một bữa cơm thịnh soạn cho ngày Ngân nhập trường. Nhất định rồi, chúng tôi sẽ tham dự cùng với học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017 này dành cho Ngân.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận