07/08/2017 16:11 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Ánh sáng trong ngôi nhà tối

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - “Cha mất, cậu tâm thần, bà nửa tỉnh nửa mê, mẹ hơi hơi ngây dại, em còn quá nhỏ”, tiểu sử của ngôi nhà khiến người dân thôn 4 (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) gọi gia đình ấy là tận cùng đau khổ.

Bà và cậu, hai người thân thương là hai gánh nặng quá lớn của cô gái 18 với bao hoài bão trong đời - Ảnh: TRẦN MAI

May mắn quá, trong ngôi nhà ánh còn có một đốm sáng là em Trần Thị Kiều. Cô gái đã vượt qua tất cả những chướng ngại của cuộc đời để đạt số điểm 25,15. Trong đó toán 9,4 điểm, lý 6,75, hóa 9.

Căn nhà ồn ào

Bà Huỳnh Thị Thùy Trang, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức, gọi điện cho Tuổi Trẻ tại Quảng Ngãi khi Kiều vừa có kết quả thi. Bà Trang cứ nhắc đi nhắc lại “Tôi biết báo Tuổi Trẻ có Chương trình Tiếp sức đến trường, mong báo giúp đỡ cho Kiều có được điểm tựa đầu tiên để vào đại học. Hiện tại Kiều không có chỗ dựa nào cả…”.

Em nghe mọi người bảo Sài Gòn là thành phố hoa lệ. Hoa của những người có tiền và lệ của những người không có tiền. Nhưng em sẽ không bỏ cuộc dù biết mình chắc chắn chỉ có lệ” 
 Trần Thị Kiều

Từ lời kêu cứu ấy, chúng tôi tìm đến căn nhà nằm cuối con đường nhỏ chỉ đủ lọt chiếc xe máy. Chưa đến ngõ đã nghe tiếng người đàn ông gào lên và tiếng chén vỡ mỗi lúc một rõ dần như xảy ra một vụ đánh nhau. Vài người hàng xóm chạy qua để giằng cơn tức giận của người đàn ông vô thức, tránh chuyện không hay xảy ra. Đó là chuyện bình thường trong căn nhà ấy.

“Cậu, cậu, bình tĩnh cậu, có cơm rồi cậu”, Kiều vừa thoa thoa vào lưng cậu vừa nói. Một lúc sau, người đàn ông bình tĩnh trở lại ngồi ăn cơm. Dù được Kiều bón từng thìa nhưng cơm đổ khắp sàn nhà. Kết thúc bữa ăn, Kiều dọn lại nhà rồi lau người cho cậu. Xong bữa tối, Kiều phải dỗ dành cậu uống thuốc an thần và thuốc ngủ.

Phải mất đến 15 phút và nhiều lần uống hai viên thuốc mới xong, thuốc ngấm, ông Nguyễn Lộc (55 tuổi) ngoan ngoãn ngủ, lúc này mọi thứ mới trở lại bình yên. Kiều tâm sự “Cậu Lộc bị tai nạn giao thông rồi bị tâm thần từ khi em chưa chào đời. Chuyện như hôm nay là cơm bữa rồi. Hồi xưa nhiều lần cả nhà phải bỏ chạy tránh cơn khùng của cậu, bây giờ có thuốc nên cũng đỡ phần nào”.

Mùi tanh của thức ăn vương vãi chưa hết thì mùi khai xộc vào mũi. Bà Đoàn Thị Niêm (89 tuổi) - bà ngoại Kiều - không ý thức được việc tiểu tiện đi vệ sinh ngay trên giường. Kiều lại tiếp tục lau dọn “sự cố” của bà ngoại.

Tiếng ồn ào của người cậu dứt chưa được bao lâu thì đến lượt bà Niêm đập giường là hét “Đứa nào đây, đứa nào đụng vào tau đây…”. Số là sau khi dọn vệ sinh, Kiều thay lại quần áo cho bà Niêm. Chẳng may trúng vào lúc thần trí của bà Niêm hoảng loạn.

“Cháu đây bà, Kiều đây bà”, Kiều phân bua. Dù nửa tỉnh nửa mê nhưng có lẽ giọng nói đầy chịu đựng của người cháu đã khiến bà Niêm kịp tỉnh. “Kiều hả, vậy mà bà cứ sợ đứa nào đánh bà”, bà Niêm nhìn cháu.

Chỉ trong vòng chưa đầy hai giờ chúng tôi có mặt ở đó, căn nhà ấy đã hai lần huyên náo không kiểm soát. Phải có một sự chịu đựng ghê gớm hoặc đầy lòng yêu thương Kiều mới có thể chăm sóc cậu và bà mấy năm qua.

Bà Trang bảo rằng “Thiệt sự là không thể ngờ được con bé vẫn vượt qua và học giỏi. Nếu ý chí không vững thì có lẽ đã bỏ học đi làm công nhân kiếm tiền rồi. Bây giờ sợ nhất là không có tiền Kiều buộc phải nghỉ học”.

Chờ cây sinh tồn nở hoa

Chăm sóc bà và cậu là cuộc chiến cam go nhất nhưng không phải là duy nhất trong mỗi ngày của Kiều. Em còn có rất nhiều cuộc chiến khác mà trận nào cũng đầy nỗi xót xa. Từ ngày học cấp II, chưa có cái tết nào Kiều ở nhà sum vầy cùng gia đình.

Cô gái ấy tranh thủ ngày tết đi phục vụ quán cà phê gần nhà kiếm tiền. “Mỗi ngày như vậy chủ quán trả cho em 200 ngàn đồng. Hết chín ngày nghỉ tết là kiếm được 2 triệu vì cô chủ thương cho thêm 200 nghìn đó anh”, Kiều nói.

Không ai ở cái xóm nhỏ ấy là không biết sức sống mãnh liệt của Kiều, cô gái vẫn đến lớp, vẫn học giỏi dù đeo mang trong cuộc đời mình quá nhiều nỗi lắng lo. Mỗi ngày hết giờ học, Kiều lại tất tả đi chở đồng nát mà chị Nguyễn Thị Xu - mẹ Kiều - mua để chở đến vựa ve chai bán.

Bà Xu cũng hơi hơi ngây dại và không biết chữ nên đôi lần mua xong lại quên chở về, hay trả tiền rồi lại trả tiếp dù chẳng ai nỡ lấy thêm của bà một đồng bạc lẻ nào. Nhưng cũng chính sự ngây dại ấy mà nhiều khi bà cãi nhau với người khác dù chính bà là người tính toán sai.

Gồng gánh cho mẹ xong, Kiều lại tất tả chạy ra chợ mua thức ăn rồi về nhà nấu nướng, dọn dẹp lại tổ ấm cheo neo của mình vừa được người cậu “xả” khắp nhà. Thời gian không cho phép Kiều chậm rãi bởi chỉ cần không ăn và uống thuốc đúng giờ thì lập tức ngôi nhà trở nên náo nhiệt bởi chính hai người thân yêu của Kiều.

Tôi hỏi Kiều “Có khi nào em oán trách số phận không”, Kiều bảo “Không anh ạ, đó là cuộc sống của mình. Mình được chọn rơi vào hoàn cảnh này phải nỗ lực hơn người khác. Oán trách thì được gì ngoài làm mọi chuyện xấu hơn”.

Vậy đấy, Kiều sống trong một hoàn cảnh trớ trêu đến lạ. Mỗi ngày để có thể an tâm học bài là lúc cậu và bà ngoại đã đi ngủ. Đó cũng là thời gian bình yên nhất để em dành riêng cho mình một cuộc sống bình thường như bao cô gái vừa tròn tuổi mười tám xanh trong.

Kết quả kỳ thi đã có, với số điểm 25,15 Kiều đậu cả ba nguyện vọng: Đại học Ngân hàng TP.HCM; Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Kinh tế - luật TP.HCM. Trong số này, Kiều thích nhất là Đại học Kinh tế - luật nhưng lại chọn lựa “Trường nào có chi phí thấp nhất sẽ chọn học”, Kiều chia sẻ.

Kiều cũng khẳng định rằng: Sẽ không nghỉ học. Bởi đó là cố gắng không mệt mỏi trong suốt 12 năm học. Những toan tính về chi phí cũng đã được ghi ra giấy. Những dự trù để giải bài toán chi phí học tập cũng đã được cô gái gầy gò tính đến. “Dạy thêm, làm thêm, đi mua ve chai…” ở TP.HCM là những dự trù để Kiều đến trường.

Bóng tối đổ dài phủ kín không gian tĩnh mịch. Ánh đèn duy nhất trong căn nhà chiếu ánh sáng yếu ớt phả lòa ra trước sân. Mọi người đã ngủ, chỉ duy nhất Kiều còn thức, cô gái xếp lại thuốc của cậu và mang đồ của bà và cậu ra giặt. Đã 21 giờ, Kiều vẫn chưa ăn tối…

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên