13/12/2022 08:29 GMT+7

Mục tiêu kép mùa đông của châu Âu

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Châu Âu bước vào tuần lễ quan trọng với mục tiêu kép: vừa giúp đỡ Ukraine vượt qua khó khăn trong chiến sự mùa đông, vừa bàn cách tự cứu lấy mình.

Mục tiêu kép mùa đông của châu Âu - Ảnh 1.

Dmytro, một binh sĩ Ukraine 20 tuổi, sưởi ấm bên lò củi khi đang tạm trú ẩn trong một tòa nhà gần chiến tuyến ở khu vực Donbass ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS

Hôm nay (13-12), Pháp khởi động chuỗi hai hội nghị riêng biệt về tình hình Ukraine ở thủ đô Paris theo sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tìm giải pháp cho mùa đông

Theo nội dung ông Macron viết trên Twitter trước đó, sự kiện đầu tiên ở Paris tuần này là một hội nghị quốc tế nhằm kêu gọi hỗ trợ Ukraine vượt qua mùa đông này. Sự kiện thứ hai là một hội nghị với các công ty Pháp tham gia tái thiết Ukraine.

Theo Điện Elysee, khoảng 70 đại diện quốc gia và tổ chức phi chính phủ quốc tế dự kiến tham gia hội nghị đầu tiên vào buổi sáng 13-12. Hội nghị này đặt trọng tâm vào các nỗ lực đảm bảo các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine sẽ vận hành trong mùa đông tới.

Trong khi đó, khoảng 500 công ty Pháp sẽ dự hội nghị buổi chiều, tập trung vào các vấn đề tài chính vĩ mô của Ukraine, khôi phục ngành nông nghiệp và cơ sở năng lượng tại nước này.

Thủ tướng Ukraine và phu nhân đã tới Paris và sẽ tham dự các sự kiện nêu trên, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có phát biểu qua màn hình. Đài CNN cho biết một số thỏa thuận quan trọng về cơ sở hạ tầng sẽ được ký kết.

Hôm 11-12, ông Macron và ông Zelensky đã có cuộc điện đàm trước hội nghị ở Paris. Tổng thống Pháp khẳng định Ukraine có thể trông cậy vào Pháp lâu dài trong chiến dịch giành lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trên Twitter, ông Zelensky cũng cho biết đã thảo luận một kế hoạch hòa bình 10 bước cùng ông Macron, cũng như hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng giữa hai nước.

Đây được xem là những động thái mới nhất của Pháp cũng như các nước phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine, quốc gia đang bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh kể từ sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022.

Châu Âu và các nước ủng hộ Ukraine ở phương Tây nói chung nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Ukraine sẽ gặp khó khăn đặc biệt khi mùa đông tới, trong bối cảnh Nga bị tố tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine và dùng mùa đông như một "vũ khí".

EU đã mệt mỏi

Trong ngày 12-12, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp để thống nhất các lệnh trừng phạt mới lên Nga và Iran, cũng như khoản viện trợ bổ sung 2 tỉ euro vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Theo Reuters, các động thái của EU tiếp tục vướng trở ngại chủ yếu từ quan điểm của Hungary. Trước đó, Hungary là thành viên duy nhất phản đối kế hoạch của EU về việc cho Ukraine vay 18 tỉ euro trong năm 2023.

Những người trong cuộc khẳng định Hungary đang "uy hiếp" EU vì hiện nay EU vẫn chưa chấp thuận khoản tài trợ 7,5 tỉ euro cho Hungary.

Trao đổi với phóng viên hôm 12-12, một nhà ngoại giao hàng đầu của EU tố Hungary dùng "ngoại giao uy hiếp". Vị này nói: "Về nguyên tắc sẽ có sự đồng thuận, nhưng vẫn còn vấn đề lớn. Đó là kiểu ngoại giao uy hiếp mà chúng ta đáng ra không nên thấy, nhưng sự thật là thế".

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người thường bị ví là "người bạn" của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi đó khẳng định báo chí phương Tây đưa "tin giả", và rằng Hungary sẵn sàng viện trợ cho Ukraine theo diện song phương.

Câu chuyện của Hungary diễn tả những khó khăn trong nội bộ EU trước các kế hoạch giúp đỡ Ukraine mùa đông năm nay.

Giới quan sát đã nhìn thấy phần nào sự mệt mỏi của một số thành viên EU khi phải đối mặt với tình hình lạm phát, kinh tế khó khăn, chi phí sinh hoạt và năng lượng.

Dù đã rất nỗ lực thể hiện vai trò, Pháp cũng được xem là ví dụ điển hình cho khác biệt trong quan điểm của châu Âu và Mỹ trong cách tiếp cận với giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Theo Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 6-12, đã có gần 8 triệu người Ukraine tị nạn khắp châu Âu kể từ lúc chiến sự nổ ra. Theo tờ Financial Times ngày 12-12, một EU "mệt mỏi" đang sắp chứng kiến làn sóng người Ukraine tị nạn trong mùa đông này.

Đến nay, châu Âu vẫn duy trì chính sách mở cửa đối với người tị nạn Ukraine. Nhưng áp lực tài chính và những tranh cãi về chia sẻ gánh nặng người nhập cư tiếp tục là vấn đề trong nội bộ EU, vốn đã âm ỉ nhiều năm nay và tạo điều kiện cho các chính trị gia cánh hữu chiếm ưu thế.

Chính phủ cánh hữu mới của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đang đại diện cho những lời kêu gọi về việc áp dụng biện pháp cứng rắn hơn để ngăn người di cư bất thường, cũng như yêu cầu phải có hệ thống chia sẻ gánh nặng công bằng hơn.

Ông Alberto-Horst Neidhardt, chuyên gia về di cư tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), nhận định: "Những hùng biện chính trị về nhập cư đang leo thang khắp châu Âu, nhấn mạnh những khó khăn mà các quốc gia thành viên đang gặp trong việc tìm giải pháp nhất quán".

18 tỉ euro

Tuần qua, Hội đồng châu Âu đã nhất trí kế hoạch viện trợ tài chính tổng cộng 18 tỉ euro cho Ukraine trong năm tới. Theo đó Ukraine sẽ được vay 18 tỉ euro trong năm 2023 với thời gian ân hạn 10 năm. Sau khi nhận đề xuất trên, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ phê chuẩn gói viện trợ trong tuần này.

Mỹ cam kết tiếp tục giúp Ukraine

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm vào ngày 11-12 giờ Mỹ, bàn về sự hỗ trợ dành cho Kiev.

"(Ông Biden) tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine", Đài CNN dẫn tuyên bố của Nhà Trắng.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nước này đang ưu tiên nỗ lực tăng cường năng lực phòng không của Ukraine thông qua các khoản hỗ trợ an ninh, bao gồm gói hỗ trợ trị giá 275 triệu USD được công bố ngày 9-12, trong đó gồm cung cấp đạn dược và thiết bị như các hệ thống chống máy bay không người lái của Nga.

Ông Medvedev: châu Âu sẽ đóng băng vì dám đối đầu Ông Medvedev: châu Âu sẽ đóng băng vì dám đối đầu 'gấu Nga' và 'tướng quân mùa đông'

TTO - Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo châu Âu sẽ phải trả giá vì dám tham gia vào một cuộc đối đầu không cân sức với "gấu Nga" và "tướng quân mùa đông", ám chỉ các lợi thế về thời tiết và dầu khí mà Nga đang có.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên