11/06/2018 09:21 GMT+7

Mùa hè vừa lo chuyện học, vừa lo chuyện chơi

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - V.HÀ
H.HƯƠNG - T.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - V.HÀ

TTO - Cả năm học vất vả, những tháng hè các bậc cha mẹ đều có xu hướng muốn con mình được vui chơi thoải mái, được rèn kỹ năng sống...

Mùa hè vừa lo chuyện học, vừa lo chuyện chơi - Ảnh 1.

Các bé chơi cờ vua tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM dưới sự hướng dẫn của tình nguyện viên - Ảnh: H.HG.

Nhưng không phải gia đình nào cũng làm được như vậy, khi các cơ sở giáo dục tư nhân mở ra các khóa sinh hoạt hè với học phí cao ngất ngưởng. Và nhiều phụ huynh đã đặt kỳ vọng vào các trường công lập.

TP.HCM: vừa thực hiện vừa thăm dò

Theo kế hoạch hoạt động hè năm 2018 của Sở GD-ĐT TP.HCM, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ mở cổng trường và thư viện cho học sinh vào vui chơi, sinh hoạt hè tại trường. Không những thế, các trường còn mở hàng loạt câu lạc bộ (CLB) kỹ năng.

Tuy nhiên, theo một khảo sát bỏ túi của Tuổi Trẻ, đa số phụ huynh ở TP.HCM đều mong muốn trường công lập mở những khóa sinh hoạt hè có bán trú. 

"Điều kiện công việc chúng tôi không thể đưa đón con nhiều lần trong ngày, nên việc đưa con đến thư viện trường để đọc sách là không khả thi" - chị Lâm Hoàng Mai, phụ huynh ở Q.Tân Bình, chia sẻ.

Ở Q.3, thầy Từ Quốc Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, nhận định: "Nhu cầu của phụ huynh cho con đi sinh hoạt hè không nhiều. Đa số phụ huynh trường chúng tôi muốn cho con em đi học tiếng Anh vào dịp hè. 

Tôi lại quan niệm học sinh đã học tập suốt 9 tháng rồi, nếu mở lớp bán trú, học sinh ở lại trường từ sáng đến chiều thì chắc chắn phải cho các em học thêm các môn văn hóa".

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, một số trường vẫn mở lớp bán trú bên cạnh các nhóm, CLB. "Dự kiến mức phí về tiền ăn, phí bán trú, phí học CLB chúng tôi sẽ thu như trong năm học, chứ không cao hơn vì nhà trường nằm trên địa bàn khu dân cư lao động. 

Tổng cộng khoảng 1,6 triệu đồng/tháng cho lớp bán trú, bằng với chi phí 1 tháng học bán trú của học sinh trong năm học" - một thành viên ban giám hiệu Trường tiểu học Phước Bình (Q.9) thông tin.

Ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), nhà trường mở lớp hè bán trú trong 6 tuần với các CLB học thuật và thể dục thể thao, còn rèn tiếng Anh với giáo viên bản ngữ... với mức phí 4,3 triệu đồng. Nếu so sánh với những khóa hè do các đơn vị tư nhân mở ra hiện nay thì mức phí trên là khá "mềm" với nhiều phụ huynh ở TP.HCM.

Mùa hè vừa lo chuyện học, vừa lo chuyện chơi - Ảnh 2.

Học sinh Đà Nẵng được tổ chức các trò chơi dân gian trong hè 2018 - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Đà Nẵng: trả lại 3 tháng hè cho học sinh

Khác với nhiều địa phương dịp hè trường học thường kín cổng cao tường, im ắng nghỉ ngơi, TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình trả lại trọn vẹn 3 tháng hè cho học sinh, mở cửa tất cả trường học, thư viện, khu thể thao... để người dân, học sinh, phụ huynh vui chơi. 

Điểm mới của năm nay là việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học với thông điệp: "Hãy ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian trong trường học".

Thầy Phạm Hưng, phó hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner, cho biết do trường có khuôn viên rộng với rất nhiều cây xanh nên mùa hè người dân, các em nhỏ xung quanh trường đều vô đây vui chơi, đọc sách. 

"Trường có sân bóng đá nhân tạo, sân bóng rổ, vườn động vật... nên các em nhỏ rất thích thú. Mùa hè mà trường luôn sôi động" - thầy Hưng nói.

"Nghỉ hè thú vị hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhà trường và địa phương" - Nguyễn Hoàng Hà, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (Q.Cẩm Lệ), nói. Hà cho biết được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng học sinh nào cũng rất vui, dù đã bế giảng nhưng các bạn học sinh vẫn thường xuyên đến trường tham gia các CLB bóng rổ, võ thuật, kỹ năng... 

"Từ hai năm nay, dịp hè nhà trường và các anh chị ở phường đều tổ chức các hoạt động ngoài trời, năm nay sẽ có cắm trại hè nên bạn nào cũng háo hức" - Hà cho biết.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú, cho rằng trường học mở cửa dịp hè là một sân chơi lành mạnh cho người dân, học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, thầy Hòa cũng cho rằng các hoạt động hè hiện vẫn chưa thực sự phong phú và chưa thu hút được đông đảo người tham gia.

Từ năm học 2016 - 2017, Đà Nẵng đã có "chính sách" trả lại cho học sinh trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, sở đã phối hợp với Sở Xây dựng triển khai chương trình Trường học sáng ánh đèn, lắp đặt nhiều đèn cao áp kết nối với hệ thống điện chiếu sáng TP tại nhiều trường học để phục vụ học sinh, nhân dân vào ban đêm. 

Từ ngày 6-6, tất cả bể bơi tại các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng đồng loạt dạy học bơi hè cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, sở cũng khuyến khích giáo viên nhà trường đảm bảo các yêu cầu theo quy định của UBND TP tổ chức các hoạt động tại trường như dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, các bộ môn năng khiếu...

Hà Nội: Trường mở nhưng hoạt động hạn chế

Những trường tổ chức được các nội dung học, hoạt động ý nghĩa trong hè ở Hà Nội cũng không nhiều, dù chủ trương đã có. Với trường công lập, các hoạt động này rất hạn chế vì nguồn tài chính không có, vấn đề xã hội hóa để có tiền thực hiện các hoạt động gặp khó khăn, phức tạp. 

Hơn nữa, cũng phải thấy nhiều trường chưa linh hoạt và chưa tận dụng được những điều kiện sẵn có của trường để thu hút học sinh tới trường sinh hoạt, vui chơi vào dịp hè.

Từ năm 2017, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có chỉ đạo các nhà trường phải mở cửa thư viện cho học sinh đến đọc sách. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thư viện với số đầu sách phong phú, không gian đọc thích hợp để thu hút học sinh. 

Việc mở cửa thư viện không đi kèm với những hoạt động thu hút, tuyên truyền từ phụ huynh học sinh thì cũng sẽ không hiệu quả.

Nghỉ hè thế nào cho đúng?

* PGS.TS NGÔ MINH OANH (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Hài hòa việc học và vui chơi

Dẫu rằng mỗi gia đình có mỗi điều kiện nhưng để định hướng con sao cho trọn vẹn kỳ nghỉ hè, theo tôi là phải hài hòa việc học hè và vui chơi, không nên băn khoăn về thời gian hay kinh tế mà nghiêng hẳn về bên nào. Tập trung cho các em vui chơi, học năng khiếu, nghệ thuật, thể thao là rất tốt nhưng cũng không quên bổ sung học tập những môn văn hóa.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là học trước chương trình, mà nhất là những em có học lực yếu, vì đây cũng đồng thời tạo thói quen cho tất cả các em không sao nhãng, không mất thói quen học tập.

* Tiến sĩ giáo dục học VÕ VĂN NAM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Hãy để con trải qua một mùa hè thật nhẹ nhàng

Cha mẹ đừng đặt nặng việc có thời gian hay không, hãy để con trải qua một mùa hè thật nhẹ nhàng. Cũng không đặt nặng học trước chương trình, mỗi ngày cha mẹ cho con tự dành 1-2 giờ ôn tập kiến thức cũ tại nhà và thời gian còn lại vận động thể dục, học kỹ năng, năng khiếu… Chú ý thêm sức khỏe, chế độ ăn uống, đặc biệt là giấc ngủ, đừng nghĩ rằng nghỉ hè là cho phép ngủ muộn, ngủ nướng, mà hãy tập cho con có sức khỏe tốt trong ngày hè.

TP.HCM mở cửa trường cho học sinh vui chơi dịp hè TP.HCM mở cửa trường cho học sinh vui chơi dịp hè

TTO - Theo kế hoạch hoạt động hè năm 2018 của Sở GD-ĐT TP.HCM, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ mở cổng trường và thư viện cho học sinh vui chơi, sinh hoạt hè tại trường.

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên