15/09/2018 09:55 GMT+7

Mưa bão dồn dập, vì sao?

TRẦN PHƯƠNG - QUANG KHẢI
TRẦN PHƯƠNG - QUANG KHẢI

TTO - Khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đang có tới 7 cơn bão, trong đó có 2 siêu bão, chưa kể một số áp thấp có khả năng thành bão. Có phải là hiện tượng thời tiết bất thường, chưa từng được ghi nhận?

Mưa bão dồn dập, vì sao? - Ảnh 1.

Người dân dắt xe qua con đường ngập nước trong bão Mangkhut ở Manila, Philippines - Ảnh: AP

Cụ thể, ở Đại Tây Dương đã có tới 4 cơn bão (Joyce, Isaac, Helene và Florence) và 1 áp thấp, còn ở Thái Bình Dương có 1 áp thấp và 3 cơn bão gồm Barijat (vừa tan trên đất liền Việt Nam), Mangkhut và Olivia.

10 triệu người Philippines bị ảnh hưởng siêu bão Mangkhut

Philippines đang khẩn trương chuẩn bị đón siêu bão Mangkhut dự kiến đổ bộ vào nước này trong ngày 15-9, gió giật trên 255km/h và mưa lớn đã ập đến hôm qua 14-9.

Hàng ngàn người Philippines đã di tản trước khi cơn bão mạnh nhất năm đổ bộ vào bờ biển phía bắc đảo Luzon. AFP đưa tin các công ty, nhà dân tại Luzon đã gia cố cửa sổ, mái nhà để đón bão. 

Mưa bão dồn dập, vì sao? - Ảnh 2.

Người dân Cagayan (Philippines) chờ nhận thức ăn tại một trung tâm di tản - Ảnh: Reuters

"Bão có thể gây những cơn sóng cao bằng tòa nhà bốn tầng và sẽ dễ dàng phá hủy nhà cửa, nhất là những ngôi nhà tạm bợ" - người phát ngôn Michael Conag của chính quyền cảnh báo.

Tuy nhiên lũ và lở đất do bão mới là lo ngại lớn và chính quyền đang dốc sức chuẩn bị cho hoạt động cứu hộ, cứu trợ. "Chúng tôi lo lở đất và hạ tầng sẽ bị cuốn trôi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những điều này bằng việc chuẩn bị hàng cứu trợ và thiết bị" - Reuters dẫn lời lãnh đạo Junie Cua của tỉnh Quirino. 

Lần này, Chính phủ Philippines đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với khi cơn bão Haiyan ập vào năm 2013 làm chết hơn 6.300 người.

Ước tính 10 triệu người Philippines sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của bão Mangkhut, trong đó 1 triệu người sống dưới mức nghèo. "Chúng tôi thật sự rất sợ. Trong những mùa mưa bão trước, một nửa nhà cửa đã bị tàn phá nên tôi muốn đưa các cháu đến nơi an toàn" - bà Delaila Pasion nói khi đưa gia đình di tản. 

Đến nay đã có hơn 10.000 người di tản và chính quyền dự kiến phải di dời thêm hàng chục ngàn người. Không chỉ các vùng ven biển, Philippines đã phát cảnh báo bão cấp 3 tại 10 tỉnh.

Hong Kong cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão và việc chuẩn bị đã xong kể từ ngày 14-9, dù dự kiến đến chủ nhật (16-9) khu vực này mới đón bão. Hong Kong cũng vừa chịu ảnh hưởng của bão Barijat. Chính quyền đã ra cảnh báo thời tiết xấu và khuyến cáo người dân đề phòng. Trước đó, tất cả các cơ quan phản ứng khẩn cấp của Hong Kong đã chuẩn bị phương án đối phó bão.

Trong khi đó, chính quyền lãnh thổ Đài Loan cảnh báo bão Mangkhut sẽ áp sát hòn đảo này trong ngày 15-9 và trút mưa lớn xuống khu vực phía đông và nam.

Mỹ đối phó cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ

Tại Mỹ, siêu bão Florence cũng đổ bộ vào bang Bắc Carolina ngày 14-9, suy yếu thành bão cấp 1 với sức gió 90km/h và dự kiến sẽ giảm sức mạnh khi đi sâu vào đất liền vào cuối tuần. 

Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ cảnh báo: tuy sức gió và cường độ cơn bão đã suy giảm, nhưng Florence vẫn là cơn bão vô cùng nguy hiểm, có khả năng tàn phá lớn, gây ra lũ lụt nghiêm trọng khi nó đổ bộ khu vực bờ biển phía đông.

Trước đó, dự báo Florence sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền 5 bang duyên hải nước Mỹ gồm North Carolina, South Carolina, Georgia, Maryland và Virginia cùng khu vực thủ đô Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với bão Florence, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng hộ nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.

Khoảng 1,7 triệu người ở các bang đã được di tản đến nơi an toàn.

Do cao điểm mùa mưa bão

Ông Lê Thanh Hải - phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn - cho biết tháng 9, tháng 10 thường là cao điểm của mùa mưa bão trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nên việc xuất hiện cùng lúc nhiều cơn bão, áp thấp ở hai vùng biển khác nhau cũng là bình thường. 

Năm 2013 từng ghi nhận trên khu vực Thái Bình Dương gần như có 3-4 cơn bão cùng lúc, trong đó có những cơn siêu bão như bão Hayan mạnh hơn cả Mangkhut. Việc bão, áp thấp xuất hiện cùng lúc nhiều như vậy chỉ là hiện tượng tức thời, chưa kể một số mới chỉ là áp thấp và đây là quy luật thông thường.

Theo ông Lê Thanh Hải, điều kiện hình thành bão trên hai vùng biển cũng dựa trên những yếu tố khác nhau. Cụ thể như những cơn bão ở tây Thái Bình Dương hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới khi nó hoạt động mạnh thì bão, áp thấp xuất hiện nhiều. Còn ở Đại Tây Dương hình thành những "sóng đông" lan truyền từ Châu Phi sang, thường có những cơn bão mạnh hơn cả Thái Bình Dương.

Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho rằng trong khoảng 10 năm trở lại đây những cơn siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Trong đó, điều kiện để cho bão tồn tại và phát triển mạnh đó là nhiệt độ mặt nước biển phải đạt từ 26,5 độ C trở lên.

"Mặt nước biển ấm chính là nguồn cung cấp năng lượng cho bão phát triển. Vấn đề này có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ trung bình tăng" - bà Lan nói. Ngoài ra, thời điểm xuất hiện những cơn siêu bão cũng khác nhau. Nếu như tháng 9, tháng 10 là thời điểm xuất hiện dồn dập thì phù hợp với quy luật xuất hiện của Mangkhut.

Theo giới chuyên gia, bão hình thành bất thường trên Đại Tây Dương do sự kết hợp đột ngột của yếu tố năng lượng và gió. Tuy nhiên nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa là sự biến đổi khí hậu gây ra gió mạnh hơn tại các tầng trên của khí quyển cũng như làm tăng lượng hơi nước trong khí quyển, góp phần khiến các cơn bão mạnh hơn. 

"Chúng ta đều biết rằng khí hậu đang thay đổi. Ít nhất cũng có sự liên hệ giả định giữa các cơn bão và nhiệt độ đại dương tăng lên" - nhà khoa học khí hậu Kristy Dahl nói.

Thái Bình Dương - Đại Tây Dương biến động cùng lúc

Mangkhut và Florence chỉ là 2 trong số 9 cơn bão đang cùng lúc xuất hiện trên khắp Trái đất, trong đó một số cơn bão hoành hành tại Đại Tây Dương như Helen, Joyce.

"Thái Bình Dương vẫn còn biến động nhưng Đại Tây Dương lại rất động, đây là điều không bình thường. Tôi ngạc nhiên khi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương lại biến động cùng lúc" - chuyên gia khoa học khí tượng Phil Klotzbach thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) nhận định.

Số người thiệt mạng vì siêu bão Maria gấp 70 lần công bố? Số người thiệt mạng vì siêu bão Maria gấp 70 lần công bố?

TTO - Siêu cuồng phong Maria tàn phá Puerto Rico hồi tháng 9-2017 thực ra có thể đã khiến hơn 4.600 người chết, gấp hơn 70 lần so với con số chính quyền thông báo, theo báo cáo do Đại học Harvard công bố ngày 29-5.

TRẦN PHƯƠNG - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên