07/12/2019 13:13 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 7: Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Quầy tạp phẩm buồn thiu với những gói đường, gia vị... Dầu ăn bán trong từng bịch nilông nhỏ như thời bà ngoại tôi còn sống khoảng 30 năm trước ở Đà Lạt.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 7:  Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân nghèo khổ và xe bảo an LHQ trên đường ra chợ Bentiu - Ảnh: HỒNG VÂN

Những ngôi nhà trông như chiếc hộp chắp vá từ các miếng tôn gỉ sét, những mảnh bạt tận dụng từ đồ bỏ đi của các tổ chức phi chính phủ. Đường chỉ rộng 5m, 8m, 12m nhưng thênh thang lạ lùng vì vô cùng ít xe cộ, rất hiếm khi thấy có người chạy xe đạp hoặc xe máy. Đại đa số người dân Nam Sudan đi bộ hoặc chen chúc trên thùng xe bán tải.

“Đường chủ yếu dành cho những đàn bò, đàn dê. Dù không mũ, không dép, những thanh niên chăn dê tin tưởng vào khẩu súng AK47...

Khu bảo vệ thường dân

Khu bảo vệ thường dân (POC) ở Bentiu, Nam Sudan là khu bảo vệ thường dân lớn nhất ở toàn châu Phi, do Liên Hiệp Quốc (LHQ) thành lập để cung cấp nơi ở an toàn, thực phẩm, nước sạch, mùng ngủ chống sốt rét... cho những người chạy trốn bạo lực trong nước.

Ngày tôi có mặt, POC là mảnh đất rộng khoảng 4km2, được bảo vệ bằng hàng rào công sự. Bên trong, vùng lõi là nơi người dân sinh sống và vùng đệm là đường đi, hào nước rộng 3-5m, sâu 2-3m. Lớp ngoài cùng có nhiều vọng gác bộ binh giữ an ninh. 

Theo một đại diện của bệnh viện không biên giới Medecins Sans Frontieres (MSF), nơi đây có khoảng 150.000 người sinh sống, tại thời điểm tháng 11-2019 là khoảng 200.000 người do tình hình an ninh nhiều biến động.

Trong POC có nhà thờ, trạm xá, nhà trẻ, trường cấp I và cấp II, chợ... Người dân tự dựng lều bằng tôn, thiếc, cỏ tranh, cây sậy, bạt... và tự bầu người đứng đầu mỗi khu dân cư. Một số ít nuôi gà, dê, trồng ít loại rau như đậu bắp, trong khi đại đa số sống nhờ lương thực trợ cấp của LHQ, mà có khi vừa nhận xong, họ mang lương thực miễn phí ra ngoài bán. 

Đại đa số không việc làm. Người lớn, trẻ em nếu không chơi bóng đá thì đứng quanh xem đá bóng hoặc tha thẩn đi, đứng, ngồi cho hết ngày... Tôi không kìm được nỗi niềm khi nhìn nhiều trẻ nhỏ trần truồng, chân đất hồn nhiên chạy chơi.

Cuộc sống trong POC là xã hội thu nhỏ, đông đúc và phức tạp, có trộm cắp, đánh nhau, gây rối dù có đội cảnh sát LHQ tuần tra. Thiếu các điều kiện sống tối thiểu như nước sạch, điện... nên nơi đây còn là ổ bệnh khổng lồ. Dù vậy, họ vẫn mang thai và sinh nở. Mỗi phụ nữ đẻ trung bình 5-6 con và coi con cái là món quà của thượng đế.

Khi màn đêm xuống, chỉ có ánh trăng soi chiếu những túp lều. Không phải ai cũng có màn để bảo vệ khỏi những đàn muỗi sốt rét. Trời mưa, lều họ xiêu vẹo trong gió, bên trong không một chỗ khô và ai cũng ướt, lạnh. Hào nước là nơi chứa chất thải từ những nhà vệ sinh tạm bợ ở trên chảy xuống. Người dân tắm giặt ở những con kênh tương đối sạch hơn ở phía ngoài. Nước sạch là thứ vô cùng xa xỉ trong POC, không đủ để uống, chưa nói đến những nhu cầu khác.

Người bệnh được chữa trong trạm xá của POC. Trường hợp bệnh nặng, họ được chuyển đến bệnh viện không biên giới MSF. MSF có 5 bác sĩ tình nguyện quốc tế và luôn quá tải. Bệnh viện thiếu máy móc, kể cả máy chụp X-quang để cứu người bị gãy chân tay. MSF đứng ngoài chính trị, đảng phái, chỉ tập trung vào người bệnh. 

"Xin các vị đấy, đừng mang quà bánh đến đây. Trẻ nhỏ rất nhiều, nay có quà, hôm sau không có quà, các em khóc lóc mè nheo, chúng tôi không giải quyết được", đại diện bệnh viện cho biết.

Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân từng kể với tôi chị có vài dịp ra ngoài khám bệnh cho một số quan chức bang Unity và thăm Bệnh viện Bentiu. Bác sĩ Ngân tâm sự: "Ra ngoài mình mới biết được cuộc sống họ vất vả thế nào. Rất thiếu thốn. Bệnh viện không còn thuốc cấp cho bệnh nhân. Trang thiết bị thiếu, người bệnh nằm la liệt".

Thăm bệnh viện MSF và POC trở về, đầu tôi đau nhức vì những gì nhìn thấy quá ám ảnh. Bất lực và giận dữ khi được biết bất cứ ai cũng có thể bị vết thương nhỏ nhưng vì thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu dẫn đến viêm loét nặng, trẻ em bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy cũng do vệ sinh... Tôi tận mắt thấy nước sạch quan trọng đến nhường nào. Cuộc sống cần nhiều thứ, nhưng đều quy về những thứ cơ bản nhất: nước sạch, vệ sinh, xà phòng, bữa ăn no, đừng ốm đau bệnh tật và được yên ổn...

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 7:  Lỗ đạn, nhà cháy và giọt nước ở Bentiu - Ảnh 3.

Bên trong khu bảo vệ thường dân tại Bentiu còn rất nhiều thiếu thốn - Ảnh: HỒNG VÂN

Một buổi đi chợ

Bentiu có đường nhựa ở những tuyến chính. Các tuyến đường còn lại dù to, rộng nhưng là đường đất đỏ hoặc đất sét lẫn đá cuội. Trên đoạn đường gần 10km ra trung tâm Bentiu, dân cư và nhà cửa thưa thớt, tập trung chủ yếu khu vực gần chợ. Có hai loại nhà, một là tukul - loại nhà tròn, mái vòm lợp bằng sập, dáng thuôn như cái dù, đường kính khoảng 3m và cao 2-3m, vách đất, bên trong là cọc gỗ. Người Nam Sudan khá cao nhưng có truyền thống ở trong tukul thấp bé.

Loại nhà thứ hai được thấy nhiều ở các khu chợ, cao hơn, rộng hơn một chút, được chắp vá từ những miếng tôn đủ kích cỡ, gia cố bằng những tấm bạt nhặt nhạnh từ đồ bỏ đi của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Căn nhà một trệt, hai lầu khang trang duy nhất chúng tôi nhìn thấy trên đường đi trung tâm Bentiu được cho là nhà của thủ lĩnh phe đối lập đầy những lỗ đạn. Nó là "nhân chứng" cho những trận đánh dữ dội từng xảy ra ở đây. Xác các loại phương tiện như xe to, xe nhỏ, xe tăng, xe bồn, cây xăng, nhà cửa bị đốt cháy nằm dọc đường như kể về những trận chiến ác liệt của các bên.

Trẻ em, người lớn chở nước sạch trong những thùng phuy móp méo, kéo bằng lừa hoặc bò. Chợ nào cũng nhiều người bán, ít người mua. Quầy tạp phẩm buồn thiu với những gói đường, gia vị... Dầu ăn bán trong từng bịch nilông nhỏ như thời bà ngoại tôi còn sống khoảng 30 năm trước ở Đà Lạt. 

Chợ có nhiều tiệm bán quần áo rẻ tiền, dép nhựa, cả sạp bán tóc giả, cột tóc, sơn móng tay và nhiều thứ phụ kiện làm đẹp khác. Khoảng chục phụ nữ ngồi bán các mặt hàng giống nhau với mấy quả cà chua, nhúm ớt, mớ đậu bắp, trái bí đỏ. Không biết họ kiếm được bao nhiêu tiền so với công sức ngồi bán.

Trẻ em cũng có mặt ở chợ, thường nhìn thẳng người đối diện và hỏi "Money", nhưng các em không vòi vĩnh. Vì nhiều lý do, LHQ khuyến cáo nhân viên không tặng quà, bánh hay cho tiền các em. Nếu cho, cần thông qua tổ chức trung gian. Một số người tình cờ mang theo bánh cho các em, kể lại khi một em có quà, cả đội quân trẻ vây kín họ để xin thêm, hoàn cảnh vô cùng khó xử và lộn xộn.

Ngày 12-11-2019, lẽ ra các bên ở Nam Sudan đã có thể ký một thỏa thuận thành lập chính phủ hợp nhất nhưng sự kiện được chờ đợi này đã không diễn ra. Họ lùi lại thêm 100 ngày và điều này thực sự gây thất vọng. Nội chiến đã phá hủy bệnh viện, sân bay, đóng cửa ngân hàng, trạm xá... và không biết khi nào hòa bình mới thực sự trở lại...

Khi ai đó đến Bentiu, người cũ thường nói: "Chào mừng đến thiên đường" (Welcome to Bentiu paradise). Họ giải thích "thiên đường" một cách châm biếm, ý ngược lại. Cũng có người nói Bentiu từng chiến sự, nhiều người chết, nên "thiên đường Bentiu" có ý nghĩa là nơi của những linh hồn...

Nam Sudan có khoảng 12,5 triệu người (2017). Theo UNICEF, đến tháng 10-2019, Nam Sudan có 860.000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính; 400.000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính; 1/10 trẻ em sinh ra chết trước sinh nhật 5 tuổi; 4,45 triệu người bị khủng hoảng và thiếu lương thực vào tầm tháng 9 đến tháng 12-2019; sốt rét là bệnh nghiêm trọng; khoảng 2,2 triệu trẻ trong độ tuổi đi học không được đến trường, 30% trường học bị đóng cửa, phá hủy hoặc hư hại không thể sử dụng.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 6: Tâm sự người em gái út ở Bentiu

TTO - Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam có 10 thành viên nữ, người lớn tuổi nhất tuổi xấp xỉ tuổi mẹ của người trẻ nhất.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên