Đó là hoàn cảnh bối rối của gia đình ông T.H.T. (74 tuổi), khi hơn 3 tháng qua vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký khai tử, trong khi cơ quan chức năng chỉ qua chỉ lại.
Rắc rối khai tử cho Việt kiều
Ông T. là Việt kiều và vẫn sinh sống, thường trú tại TP Thủ Đức. Ông có quốc tịch nước ngoài và quốc tịch Việt Nam, có đầy đủ giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan chức năng Việt Nam cấp.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, ông T. đi thăm các bạn ở quận 3 (TP.HCM). Ông nghỉ lại một căn nhà ở quận 3 và được phát hiện mất tại đây vào ngày 21-1-2024.
Ngày 23-1-2024, Công an quận 3 cấp giấy xác nhận về việc ông T. tử vong với nguyên nhân ban đầu là do bệnh lý. Xác nhận của Công an quận 3 được gửi cho UBND phường thuộc TP Thủ Đức nơi ông T. thường trú để thực hiện việc khai tử. Công an quận cũng bàn giao thi thể ông T. để lo hậu sự.
Về việc thực hiện thủ tục khai tử cho ông, do vợ con ông T. đang ở Mỹ, chưa về Việt Nam được để làm thủ tục nên đã ủy quyền cho một người quen tại Việt Nam thực hiện.
Sau khi hoàn tất thủ tục ủy quyền hợp lệ, đầu tháng 4-2024 người đại diện cho gia đình ông T. đã đến Công an quận 3 nhận lại các giấy tờ tùy thân của ông T., kèm giấy xác nhận và được hướng dẫn về UBND phường nơi ông T. thường trú thực hiện khai tử.
Theo quy định, thủ tục khai tử phải thực hiện trong 15 ngày. Đến thời điểm người đại diện đi khai tử thì đã quá hạn, nên người này đã đến thẳng UBND TP Thủ Đức thực hiện thủ tục khai tử.
Tuy nhiên cán bộ phòng tư pháp UBND TP Thủ Đức lại hướng dẫn ngược lại. Cụ thể, cán bộ tư pháp đề nghị "Liên hệ Công an quận 3 để xem lại giấy xác nhận tử vong vì ông T. có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam thì thẩm quyền đăng ký khai tử thuộc UBND cấp huyện, quận nơi ông T. tạm trú hoặc nơi chết. Đồng thời, liên hệ Lãnh sự quán Mỹ để báo về việc ông T. chết và lãnh sự quán sẽ thông báo đến Sở Ngoại vụ về việc chết đến cơ quan có thẩm quyền...".
Khai tử bình thường như với công dân Việt Nam khác
Cầm văn bản có hướng dẫn của cán bộ tư pháp UBND TP Thủ Đức tìm đến Công an quận 3, thì người đại diện cho gia đình ông T. lại được hướng dẫn thẩm quyền khai tử thuộc UBND phường nơi ông T. thường trú, chỉ cần đến UBND phường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Triều Lưu - trưởng phòng hộ tịch - quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM - cho rằng thẩm quyền khai tử cho trường hợp ông T. thuộc UBND phường xã nơi ông này thường trú.
"Ông T. là Việt kiều, có 2 quốc tịch gồm cả quốc tịch Việt Nam. Ông có đầy đủ quyền công dân Việt Nam cũng như các giấy tờ do cơ quan chức năng Việt Nam cấp. Vì vậy việc thực hiện khai tử cho ông T. vẫn áp dụng quy định pháp luật hộ tịch giống như các công dân Việt Nam khác. UBND cấp xã nơi ông T. thường trú căn cứ quy định liên quan để giải quyết thủ tục khai tử bình thường", ông Lưu khẳng định.
Hướng dẫn thêm, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay căn cứ Luật Hộ tịch và nghị định 123 (hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch), người đi khai tử (kể cả khai tử quá hạn) đến UBND cấp xã để thực hiện. Hồ sơ cần nộp gồm tờ khai theo mẫu, giấy chứng tử, các giấy tờ liên quan khác.
"Việc cán bộ tư pháp TP Thủ Đức hướng dẫn qua quận 3 là nơi ông T. chết để thực hiện thủ tục khai tử là chưa hợp lý. Ví dụ, công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài và chết ở nước ngoài thì sau đó vẫn về địa phương nơi thường trú ở Việt Nam để làm khai tử, chứ đâu nhờ chính quyền nơi chết thực hiện.
Ông T. là công dân Việt Nam thì căn cứ Luật Hộ tịch giải quyết. Theo quy định, UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng (thường trú, tạm trú) của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì mới đến UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử", luật sư Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận