24/06/2019 09:24 GMT+7

Một ngày trước thi THPT quốc gia, thí sinh nên làm gì?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nghỉ ngơi, thư giãn, thoát ly sách vở, rà lại những vấn đề thời sự của đất nước... đó là gửi gắm của một số thủ khoa năm 2018 đến sĩ tử cả nước một ngày trước 'giờ G' thi THPT quốc gia.

Một ngày trước thi THPT quốc gia, thí sinh nên làm gì? - Ảnh 1.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM xuất phát đi làm nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Đắk Nông sáng 23-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

... Các con nhớ giữ gìn sức khỏe, từ hôm nay không nên thức khuya, ngủ đủ giấc. Các con phải ăn uống đầy đủ, chịu khó uống nhiều nước hoa quả, không nên ăn những thức ăn lạ hoặc không chắc chắn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong cuộc thi quan trọng sắp tới này, thầy không chúc các con đều đạt điểm cao mà chỉ mong các con bình tĩnh, tự tin để có thể làm bài tốt nhất có thể; thầy không chúc các con đều đỗ cao mà chỉ mong các con thể hiện rõ bản lĩnh của mình, không nản chí, không bỏ cuộc khi chưa cố gắng dốc sức". (Trích thư của thầy Hà Xuân Nhâm (hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) gửi học sinh lớp 12 của trường)

Ngày mai 25-6, gần 900.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Gần 24 giờ còn lại, sĩ tử nên làm gì để có được tâm thế tốt nhất khi vào thi?

Thả lỏng những ngày cuối

Nguyễn Lê Gia Khánh - thủ khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 với số điểm 26,95 - chia sẻ sau giai đoạn ôn thi nặng nề, ngày cuối cùng trước khi vào phòng thi nên là thời gian để thư giãn. 

Bên cạnh đó, Khánh không quên thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, đọc qua báo chí để cập nhật tình hình xã hội, đời sống, bởi đây là chất liệu để làm tốt phần nghị luận xã hội. "Đề văn nhiều năm gần đây mang tính thời sự cao. Nếu không đủ thời gian xem thời sự có thể xem lại trên Internet" - Khánh mách nhỏ.

Những ngày gần thi, Khánh luôn tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm để cơ thể quen với nhịp sinh học những ngày thi. Trong từng buổi thi, Gia Khánh đều đến trước giờ tập trung từ 30 - 45 phút để có thể trò chuyện với các bạn, làm giảm áp lực phòng thi. 

Trong giai đoạn nước rút, Gia Khánh chủ động chỉ dùng những thức ăn quen thuộc và tuyệt đối không ăn thực phẩm lạ để tránh tác động tiêu cực cho cơ thể.

Tương tự, Trần Đình Vĩnh Thụy - top 10 đầu vào xét tuyển Trường ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018 với số điểm 27,7 khối A - cũng khẳng định ngày cận thi là thời gian thả lỏng để não vừa có thời gian ghi nhớ, tạo tâm lý thoải mái hơn. 

"Mình ngưng hết các việc học và dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn lấy sức cho kỳ thi" - Thụy nói.

Một ngày trước thi THPT quốc gia, thí sinh nên làm gì? - Ảnh 3.

Thi xong, tụi mình không ở lại dò bài hay bàn luận, cũng không xem bài giải tham khảo trên mạng, mà về thẳng nhà để tránh trường hợp phát hiện nhiều sai sót sẽ không còn tâm trạng thi môn tiếp theo. Tụi mình thường nghỉ sớm, mai thi tiếp.

Thủ khoa Nguyễn Thị Hằng

Tránh sai sót không đáng có

Với môn văn, chia sẻ "bí kíp" làm bài tốt, Khánh - một trong số ít người đạt điểm môn văn đến 9,75 trên cả nước - cho biết mình có chiến lược từ trước, quy định thời gian cụ thể cho từng phần của bài thi. Chẳng hạn, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội Khánh cho phép mình làm trong 30 phút, khoảng thời gian còn lại là dành cho nghị luận văn học.

"Phải đọc kỹ đề - Khánh nói - Vì làm văn ý tưởng và cảm xúc thường dẫn dắt mình viết liên tục, nên nếu không xác định đúng yêu cầu đề bài ngay từ đầu, bài viết rất dễ lạc hướng". Bên cạnh đó, dù viết đoạn hay viết bài, Khánh đều lập dàn ý để đánh dấu những luận điểm chính và dẫn chứng quan trọng cần có trong bài viết của mình.

Một lưu ý nữa là khi thời gian trôi về cuối mà vẫn chưa viết xong phần thân bài, Khánh khuyên các sĩ tử nên chuyển sang chăm chút cho phần kết bài, rồi quay lại bổ sung luận chứng phụ ở thân bài khi có thời gian. Điều này giúp đảm bảo phần trả lời của thí sinh là một chỉnh thể.

Với môn toán, Vĩnh Thụy mách nước đề thi thường được sắp xếp theo thứ tự phân hóa từ dễ đến khó, do đó thí sinh nên làm theo thứ tự từ đầu đến cuối, với những câu chưa ra kết quả thì nên khoanh đáp án còn nghi ngờ vào đáp án và còn thời gian thì xem lại. 

"Không nên mất thời gian nhiều với một câu hỏi mà mình giải chưa ra, nên để sang một bên, khi đã giải quyết xong những câu còn lại thì quay lại suy nghĩ tiếp - Vĩnh Thụy nói - Với môn toán, phần hàm số thường chiếm nhiều câu hỏi và dạng đề cũng đa dạng, do đó học sinh cần cẩn thận và xét đúng câu hỏi thuộc dạng nào, bình tĩnh làm bài để có được kết quả chính xác nhất".

Với môn lý - hóa, Vĩnh Thụy nhận xét đề thi thường có nhiều câu hỏi lý thuyết, nhất là các câu đếm số nhận định đúng rất dễ gây nhầm lẫn, do đó cần cẩn thận từng chút một với từng câu từ của đề thi. 

Với môn địa, Nguyễn Thị Hằng - thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM với số điểm 27,25 - cho rằng cần linh hoạt sử dụng Atlas vì riêng những câu hỏi yêu cầu sử dụng tài liệu này đã chiếm từ 5-6 điểm. 

Còn môn sử có nhiều sự kiện và nhiều câu phải tư duy logic, do đó nên thống kê theo từng giai đoạn, chẳng hạn 1930 - 1945, 1945 - 1975 để khi đọc câu hỏi là có thể xác định cơ bản kiến thức nằm ở phần nào.

* Thầy Đoàn Hồng Hà (tổ phó tổ vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

doan hong ha_24 5(read-only)


Thật ra trong thời gian 24 giờ trước khi thi, nếu học sinh có học thêm điều gì cũng không hiệu quả nữa. Bởi các em đã phải trau dồi kiến thức và kỹ năng trong suốt những năm học qua chứ không phải chỉ một ngày trước khi thi. Vì vậy, đối với những em có tâm lý hay lo lắng thì cứ mở sách, tập ra và ôn lại bài.

Còn đối với những em đã tự tin rồi thì thời gian này nên nghỉ ngơi, dưỡng sức, có thể nói chuyện phiếm với bạn bè hay sum họp gia đình... Về phía các phụ huynh, tôi mong các bậc cha mẹ nên giữ cho không khí gia đình vui vẻ, thoải mái trong thời gian này, không nên to tiếng và cũng không tạo áp lực học hành cho con em.

* Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh (tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):

thay hung thinh 5(read-only)


Gần đến ngày thi, một số em học sinh thường có tâm lý lo lắng, sợ mình học thiếu phần này, phần kia... Tôi khuyên các em cần bình tĩnh và giữ tinh thần tự tin. Nếu có học thì chỉ ôn lại, coi lại những công thức, kiến thức cơ bản đã học, những dạng toán đã làm mà thôi.

Thời gian này các em không nên đào sâu hay mở rộng kiến thức, cũng không nên tìm tòi thêm các dạng toán lạ làm gì. Cái cần nhất trong thời điểm này là thí sinh đừng quá lo lắng, mà dành thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để đến ngày thi chính thức chúng ta đi thi với tinh thần minh mẫn và thể chất khỏe mạnh.

* Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

co nguyen kim anh 5(read-only)


Trước ngày thi nhiều học sinh xoay ra "học tủ". Trên thực tế, cách ra đề thi hiện nay đã khác trước nên việc "học tủ" chỉ khiến các em bị rối, căng thẳng thêm. Thay vào đó, thí sinh cần thực sự nghỉ ngơi, giữ sức khỏe. Đề thi các năm gần đây tiệm cận dần với hướng kiểm tra năng lực học sinh. Vì thế rất có thể câu hỏi kiểm tra đọc hiểu sẽ sử dụng ngữ liệu không có trong chương trình.

Các em đừng vì "đề lạ" mà lo sợ, cần bình tĩnh đọc rõ yêu cầu của đề để trả lời trúng, chính xác yêu cầu. Về nghị luận xã hội, đề thi thời gian gần đây hay đề cập đến các vấn đề gần gũi với học sinh, những vấn đề thời sự nóng bỏng hoặc có ý nghĩa nhân văn. Nhưng dù là hỏi về nội dung gì thì với một câu nghị luận xã hội ra theo hướng mở, chỉ cần các em nắm vững cách triển khai, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng là có điểm.

VĨNH HÀ - H.HG. ghi

Thi THPT quốc gia: Gặp đề lạ, hãy chọn góc nhìn riêng Thi THPT quốc gia: Gặp đề lạ, hãy chọn góc nhìn riêng

TTO - Dưới áp lực thời gian, các sĩ tử viết 'như lên đồng' nhưng Khánh cố gắng giữ đầu óc tỉnh táo, ưu tiên biện pháp an toàn, không cố gắng mở bài mạo hiểm quá sáng tạo, khác biệt.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên