Hai tập sách Lịch sử VN, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX và Hoàng Sa - Trường Sa, nghiên cứu từ sử liệu Trung Quố |
Những tưởng năm 2014 là năm của mấy tai ương liên quan đến thế giới chữ nghĩa, cụ thể hơn - thế giới sách. Nhưng không, không gian sách VN vẫn bật lên đây đó nhiều điểm sáng.
1 Lịch sử VN, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (NXB Thế Giới) của giáo sư Lê Thành Khôi là một. Lâu nay các chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa VN của giáo sư chỉ được giới chuyên gia biết đến qua nguyên bản tiếng Pháp; rất nhiều độc giả “nghe nói” hay đọc qua vài trích dẫn nhưng vẫn kính nhi viễn chi.
Mãi hôm nay lần đầu tiên kiệt tác về sử học này xuất hiện đầy đủ qua bản tiếng Việt. Sự kiện này, ngoài đóng góp về chuyên môn, còn là dấu hiệu về tinh thần mở trong thái độ chấp nhận nhiều chiều nhìn - không những về lịch sử mà còn ở các lĩnh vực khác.
2 Cũng thuộc lĩnh vực nghiên cứu lịch sử nhưng nóng và thời sự hơn, khi vào những ngày cuối năm Phạm Hoàng Quân cho ra mắt công trình Hoàng Sa - Trường Sa, nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ). 10 năm lội ngược dòng lịch sử - không phải lịch sử VN, mà chính là lịch sử Trung Hoa - 10 năm âm thầm trì chí với thái độ nghiên cứu cẩn trọng, nghiêm túc để “chứng minh rằng qua nhiều nguồn sử liệu Trung Hoa, nhà nước Trung Quốc trong lịch sử từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vùng biển Đông VN hay vùng biển Đông Nam Á”. Đây là cách làm khác đời, thể hiện sự dũng cảm mang tính khai phá hiếm có.
3 Nếu ở mảng nghiên cứu có công trình của giáo sư Lê Thành Khôi thì bên sáng tác có tiểu thuyết Mình và họ (NXB Trẻ) của Nguyễn Bình Phương.
Độc giả cần đọc Mình và họ để nhận biết muôn mảnh đời với mảnh làm, mảnh nghĩ vương vãi, hỗn độn đến mịt mùng nhưng đầy cuốn hút qua câu chuyện kể về chuyến đi lên đi xuống của nhân vật Hiếu, người em một tù binh trong chiến tranh biên giới 1979-1989.
Tiểu thuyết không có ý đồ vẽ lại cuộc chiến, mà qua đó và trong đó thân phận con người được phô bày những dằn vặt, oái ăm, đau khổ nhân tạo không đâu xa mà từ chính hành xử xấu ác của họ. Đây là lối viết hậu hiện đại rõ nét nhất suốt thời gian dài tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Bình Phương.
4 Cũng theo dòng hậu hiện đại, nhưng Lê Anh Hoài khác hơn. Tập truyện ngắn Trinh nữ ma-nơ-canh (NXB Trẻ) là câu chuyện hiện tại.
Bằng giọng bỡn cợt, Lê Anh Hoài phơi lộ đời sống phố thị VN hiện đại ở các khía cạnh vừa hiện thực vừa siêu [phi] thực. Bỡn cợt từ câu chuyện hay tên truyện, và nhất là giọng điệu, bỡn cợt bao nhiêu điều người phố thị hiện đại vốn cho là nghiêm nghị, nghiêm trọng. Đó cũng là cách làm lâu nay của nghệ sĩ này ở nghệ thuật trình diễn và cả với tiểu thuyết.
5 VN truyền thống thơ là điều miễn bàn. Mấy năm qua, thể loại này bị ghẻ lạnh, phần do dư luận “nghe nói” thơ Việt nhàn nhạt, phần nữa đáng nói hơn do ta có thói quen ngóng về phía “chính thống”: giải thưởng hay sách in giấy. Dẫu sao, truyền thống lâu đời không dễ gì bị gãy đổ chỉ qua đêm ngủ dậy! Liếc qua giá sách thơ, còn đó bao nhiêu tập được giữ lại.
Khúc lêu hêu mùa hè (NXB Hội Nhà Văn) của Du Nguyên là tập thơ gây ấn tượng đậm. Sau một thời gian dài tụng ca hoan lạc đầy hời hợt, văn học VN đã từng thèm “buồn”. Thèm buồn thì được... buồn. Buồn cấp tập, đến hình thành một quan điểm: thơ hay thì phải buồn. Ở đó không ít buồn nhân tạo và giả mạo.
Ở Du Nguyên thì khác: đó là “buồn không địa chỉ”, là cảm trạng sâu thẳm của con người. Con người có khuynh hướng chạy trốn nó bằng hòa nhập vào đám đông, nơi đó thế giới thủ sẵn bao nhiêu là phương tiện: phim ảnh, sách báo, du lịch và cả tán gẫu trên mạng. Rất ít người dũng cảm ở lại. Du Nguyên nằm trong số ít đó. Khúc lêu hêu mùa hè hát lên từ cảm trạng hiếm hoi được thể hiện bằng kỹ thuật chín đầy của một thi sĩ tuổi đời hãy còn khá trẻ, một sức trẻ đầy hứa hẹn ở ngày mai.
6 Bên cạnh Du Nguyên hiện đại là Nguyễn Thanh Mừng cổ điển. Cổ điển với Ngữ pháp gió (NXB Hội Nhà Văn), vào chung khảo Giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2014. Cổ điển rất mực từ bài thơ lục bát đầu tiên Bên sườn núi: “Rằng từ sỏi đá sim mua/mẹ tôi đã xếp nắng mưa thành làng”, cho đến bài lục bát cuối cùng của tập - Thi pháp mật ong: “Ký tên lên gió xuân tươi/đất trao quyền bính nhà trời trả lương”.
Lục bát mỗi bài ba khổ, mỗi khổ hai cặp, không thừa không thiếu. Chuẩn mực từ cấu tứ, gieo vần cho đến lối trình bày. Không bài nào không đáng đọc - hay nói theo cách bình tán cũ - không bài nào không thể nhặt ra được câu thơ đáng nhớ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận