Cùng con cháu, họ hàng đến thăm những bức ảnh của bố mình đang được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội, bà Nguyễn Kim Thoa cho biết bà rất xúc động, tự hào và nhớ bố.
Bao nhiêu năm, kho ảnh quý hiếm về Hà Nội trong gần 40 năm đầy biến động của bố bà chỉ nằm im lìm trong căn gác nhỏ vùi sâu trong con ngõ phố cổ.
Cho tới năm 1999 và 2000, kho ảnh quý này mới được nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và một số người bên Hội Sử học Việt Nam mang tới công chúng với cuốn sách ảnh Nguyễn Duy Kiên - Những ký ức còn lại và hai triển lãm tại Hà Nội và TP.HCM.
Và lần này, những bức ảnh quý hiếm của một nhiếp ảnh gia cùng thời với Võ An Ninh, Lê Đình Chữ… lại "lộ sáng" một lần nữa, trang trọng, trong triển lãm quy tụ hàng trăm bức ảnh đẹp, quý về Hà Nội của 8 nhiếp ảnh gia trong nước và 8 nhiếp ảnh gia quốc tế cùng chụp Hà Nội qua nhiều thời kỳ.
Nguyễn Duy Kiên và những bức ảnh khác về Hà Nội
Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem tại triển lãm bởi đó là những hình ảnh Hà Nội rất riêng, có giá trị nghệ thuật và lịch sử rất lớn của một tay máy tài ba và phong lưu.
Bà Thoa cho biết bố của bà đã chụp ảnh từ những năm 1930, trước khi bà ra đời rất lâu.
Ông có niềm đam mê nhiếp ảnh từ thời trẻ, chơi ảnh công phu, có cả buồng tối trong nhà để tự tráng phim rửa ảnh.
Chụp ảnh như một thú chơi, nhưng những bức ảnh của ông đa dạng từ phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, ảnh báo chí về sự kiện lịch sử cho đến ảnh nghệ thuật.
Chỉ vẻn vẹn hơn chục bức ảnh của ông trong triển lãm mà công chúng thấy được cả một chiều dài lịch sử của Hà Nội, cũng như kể câu chuyện số phận thăng trầm của chính tác giả.
Người xem được thấy một Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám, với những sinh hoạt nông thôn lẫn thành thị, thấy những vang bóng một thời của các ông đồ ra chợ ngồi cúi đầu mài mực bán chữ, những nông dân lam lũ trên đồng, dưới bến sông song song cùng những hình ảnh đời sống phong lưu của tầng lớp tiểu tư sản ở Hà Nội trước 1954.
Đặc biệt là những hình ảnh tư liệu quý giá chụp Hà Nội tan hoang những năm tiêu thổ kháng chiến 1946-1947; hình ảnh "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về" trong ngày quân giải phóng "tiến về thủ đô" tháng 10-1954.
Với sự kiện những đoàn quân kéo về thủ đô năm ấy, Nguyễn Duy Kiên là người duy nhất đã chụp được bức ảnh từ trên cao, thu được đúng cảnh "trùng trùng quân đi như sóng" trong câu hát mang tính dự cảm trước đó của nhạc sĩ Văn Cao.
Những bức ảnh trở về
Người xem cũng được thấy một cuộc đời chìm nổi theo những con sóng lịch sử trong thế kỷ 20 đầy biến động của đất nước.
Ông Nguyễn Duy Kiên từ một ông chủ hiệu thuốc giàu có, chơi ảnh, đi nước trong nước ngoài, nhưng rồi cũng bằng lòng gia nhập vào đời sống mới của đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu với kẻ thù ở miền Nam.
Nhưng không may cuối đời ông và gia đình lại mắc thêm cái nạn lớn chỉ vì một bức ảnh khỏa thân được tìm thấy trong nhà ông.
Tai nạn vì những hạn chế lịch sử của một thời này đã khiến gia đình ông phải chịu nhiều khốn khó, các bức ảnh cùng tên tuổi của ông hầu như biến mất với xã hội trong một thời gian dài, cho tới khi những người ở Hội Sử học Việt Nam đã tìm lại được ông và những bức ảnh quý giá.
Ông mất vào năm 1979, trước khi tên tuổi và những bức ảnh của mình được trở lại với cuộc đời. Nhưng nay thì gia đình ông đều rất vui và xúc động khi thấy những bức ảnh của cha, ông mình được nâng niu, được trở lại và trở thành một phần của lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận