08/11/2022 12:47 GMT+7

Một giờ thể dục thầy trò cùng chạy nhảy và cười to

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Một giờ học thể dục của học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) siêu vui nhộn khi thầy trò không ngừng vận động nhưng đều hào hứng, không ai thấy mệt mỏi.

Tiết học "phối hợp động tác chạy và nhảy" được thầy giáo tổ chức với một loạt hoạt động và trò chơi. Sau màn khởi động với âm nhạc mà cả thầy và trò cùng nhảy một cách vui vẻ, học sinh được thầy hướng dẫn lại kỹ thuật chạy, kỹ thuật bật cao.

Từng nhóm học sinh lần lượt thực hành và rèn luyện qua phần thi "vượt chướng ngại vật", trò chơi "mèo đuổi chuột", trò "bóng xì hơi" yêu cầu học sinh phải có phản ứng tốt, kết hợp động tác chạy, nhảy.

Tiết học vui nhộn của thầy trò Trường tiểu học Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh)

"Các em phải cười to lên chứ".

"Các em hãy reo to đi nào để cổ vũ cho các bạn".

Thầy giáo luôn chú ý nhắc để học sinh không chỉ chạy, nhảy mà còn reo hò. Tiếng cười không phải được cất lên theo lệnh mà chính các em muốn cười khi tham gia các hoạt động vui vẻ, thoải mái.

45 phút trôi đi rất nhanh, so với một tiết học thể dục như trước đây, cách dạy học này sôi động hơn, học sinh vận động nhiều hơn. Các em có sự kết nối, hợp tác theo nhóm trong các trò chơi. Đặc biệt có những trò chơi học sinh tự điều hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Một giờ thể dục thầy trò cùng chạy nhảy và cười to - Ảnh 2.

Thầy và trò ở Trường tiểu học Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) - Ảnh: VĨNH HÀ

Đây là một tiết dạy giáo dục thể chất theo phương pháp mới với chiến lược 6C: Confidence (tự tin), Contribution (đóng góp), Connection (gắn kết), Clear/Concise (rõ ràng/súc tích), Choice (lựa chọn) và Celebration (công nhận, khen ngợi).

Đưa phương pháp dạy học này vào các nhà trường phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mục tiêu của chương trình phối hợp giữa Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Nike Việt Nam.

Ông Tạ Ngọc Trí, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng thực tế triển khai thì không nghi ngờ chiến lược 6C là phương pháp dạy giáo dục thể chất tích cực, mong muốn có nhiều giáo viên được tiếp cận để lan tỏa.

Trao đổi tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nâng cao tiêu chuẩn giáo dục thể chất ở Việt Nam giữa Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với các đơn vị phối hợp vào ngày 8-11, GS.TS Lê Anh Vinh, viện trưởng, chia sẻ:

"Trước đây khi còn đi học, tôi nhớ tiết thể dục thường được xếp vào tiết 4 hay 5 của buổi học. Khi đó học sinh đều mệt, chỉ mong hết giờ để được đi về chơi bóng đá".

Ấn tượng về tiết thể dục nhàm chán khiến GS Vinh quan tâm tới dự án "Năng động cùng thể thao" của Tập đoàn Nike. Đây là một dự án cộng đồng mà tập đoàn này cam kết giúp trẻ em vận động nhiều hơn qua hoạt động giáo dục thể chất. Phương pháp tiếp cận trong dạy học giáo dục thể chất đã được áp dụng ở nhiều nước.

Sau năm năm triển khai, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nike Việt Nam và Công ty CP truyền thông Đăng Sơn đã xây dựng xong bộ tài liệu hướng dẫn dạy học môn giáo dục thể chất ở cấp tiểu học theo chiến lược 6C và triển khai ở bảy tỉnh thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang.

Đến năm 2022, bộ tài liệu đã áp dụng tại 2.000 trường học, tiếp cận tới khoảng 4.000 giáo viên dạy giáo dục thể chất và gần 2 triệu trẻ em.

Ông Vinh cũng cho biết khi khảo sát ý kiến của 120 giáo viên dạy giáo dục thể chất và gần 300 cán bộ quản lý, kết quả có 93% cho biết tài liệu và việc tập huấn cho thấy phương pháp 6C dễ thực hiện trong các nhà trường hiện nay.

Giáo dục thể chất: Mong muốn thay đổi Giáo dục thể chất: Mong muốn thay đổi

TTCT - Hơn ai hết, chính các nhà quản lý ở các trường ĐH cũng thấy được tình hình “bi đát” về sức khỏe của sinh viên VN, và môn giáo dục thể chất không hiệu quả...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên